Từ một công thự tuyệt đẹp, an toàn, Tổng công ty Đường sắt đã biến nó thành một khu nhà nhếch nhác xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu phần 2 bài viết của KTS Lý Trực Dũng về công tác bảo tồn và sử dụng di sản xây dựng của Pháp.

>> Xem lại phần 1:Thông tin 'Biệt thự Pháp chỉ có tuổi thọ 100 năm' không chính xác

Theo tôi được biết, các công trình do Pháp xây dựng đều có hồ sơ lưu trữ. Trong đó ghi rõ tên của kiến trúc sư thiết kế, kỹ sư tính toán kết cấu, các bản vẽ kiến trúc, kết cấu.

Khi sự có xẩy ra, đơn vị chủ quản ngôi nhà này và Sở Xây dựng Hà Nội mới hỏa tá vì không ai biết về hồ sơ đó. Chỉ tiến sĩ Trần Thu Dung từ Paris qua báo mạng đã cung cấp một cái ảnh của ngôi nhà này được in trên một bưu thiếp và nhiều thông tin khác hết sức bổ ích. Mọi người mới biết trước đây ngôi nhà trông như thế nào và sự quan trọng về công thự 107 Trần Hưng Đạo bề thế, tuyệt đẹp này.

Thì ra nó vốn nằm trong một khuôn viên rộng tới 2.800 m2, là trụ sở của Chi nhánh Hội Tam điểm ở Đông Dương và có một giá trị văn hóa và lịch sử xứng đáng được bảo tồn. Từ 1955 Tổng cục đường sắt được Nhà nước giao sử dụng công thự này.Tổng cục Đường sắt đã nhiều lần cải tạo, thay đổi mục đích sử dụng của công trình này như làm hội trường, làm văn phòng, làm trạm y tế, cho xây chen thêm 6 ngôi nhà nữa sát công thự này, nâng tổng diện tích sàn xây dựng tới 2.669m2.

Họ cũng cho 62 hộ dân thuê để ở như tại 1 văn bản của Bộ tài chính ghi rõ. Từ một công thự tuyệt đẹp, an toàn, Tổng công ty Đường sắt đã biến nó thành một khu nhà nhếch nhác xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm. Về kết cấu, tường gạch chịu lực của ngôi nhà này dày tới 330-440cm, được xây bằng gạch đặc.

Mái nhà trong bưu thiếp cho thấy là mái ngói hay mái lợp đá phiến Acđoa, trong khi ngôi nhà bị sập cho thấy toàn bộ mái nhà của công thự này đã bị thay thế bằng mái tôn như ở một nhà xưởng rẻ tiền. Trần nhà cũ có thể là trần vôi rơm rất nhẹ rất thông dụng thường thấy ở các công trình kiến trúc Pháp cũ hoặc trần gạch rỗng chuyên dụng cho trần nhà chở từ Pháp sang gác lên xà nhỏ bằng bê tông cốt thép. Còn ảnh chụp hin trạng đổ sụp cho thấy một trần bê tông cốt thép rất lớn hàng trăm m2, tất nhiên rất nặng, không thấy hệ thống dầm đỡ hoặc dầm treo tương xứng.

Trong khi nguyên tắc cải tạo các công trình kiến trúc cũ là giảm tải trọng chứ không tăng tải trọng. Ai thiết kế và thi công trần bê tông cốt thép này? Tường gạch xây thu hồi dày 330cm ở hầm mái cũng đã bị đục nham nhở từ lâu, tất nhiên ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của mái.

Chắc chắn Tổng công ty đường sắt rồi đây phải trình cho các cơ quan hữu quan của Hà Nội và của Bộ Xây dựng các hồ sơ thiết kế về việc cải tạo thay đổi kết cấu của ngôi nhà này? Cơ quan nào cấp phép cho họ cải tạo, xây chen đến mức như thế?

Là Sở Nhà đất Hà Nội trước đây hay họ tự ý tùy tiện cải tạo thay đổi cả kết cấu chịu lực của công trình dẫn sự cố sụp đổ tầng 2 khu giữa sang hai bên gây chết người này?

Cũng cần nói rõ những người chết và bị thương không phải là người trong công thự mà là người đang ở trong nhà ở và nhà vệ sinh xây chen sát công thự này. Họ đã không được báo về nguy cơ ngôi nhà bị sập. Trong khi khoảng 35 người của Ban quản lý Dự án đường sắt khu vực 1 đang làm việc ở tầng 2 khu bị sập thì thoát hiểm an toàn.

Rất nhiều người dân bức xúc  đặt câu hỏi: Vì sao những người này biết và thoát thân nhưng đã không thông báo ngay cho những người ở xung quanh ngôi nhà này biết để kịp sơ tán tránh hiểm họa? Có hay không việc người của Ban quản lý dự án khu vực 1 trước khi sự cố xy ra đã cho sơ tán thiết bị văn phòng như người dân ở quanh ngôi nhà này búc xúc cho biết.

Rất nhiều người đang ở tại khu này cũng cho biết họ đã thuê hoặc đã mua lại nhà ở của công nhân viên chức đường sắt trước sống ở đây và nói họ có cả sổ đỏ?!

Như thế chúng ta thấy rõ, công thự 107 Trần Hưng Đạo không tự đổ sụp do “hết niên hạn sử dụng” mà chính là do cơ quan sử dụng đã cải tạo, xây chen thô bạo ảnh hưởng đến hệ thông kết cấu chịu lực và ổn định của công trình.

Họ cũng đã không thường xuyên và không kịp thời kiểm tra, phát hiện tường bị nghiêng, các vết nứt ở tường hay trần bị võng gây biến dạng công trình có thể dẫn sự cố đổ sập nhà.

{keywords}
Hiện trường vụ sập biệt thự cổ. (Ảnh: VietNamNet)

Công tác bảo tồn các công trình kiến trúc Pháp cũ và ý thức người sử dụng

Hà Nội có gần 1.600 biệt thự, dinh thự và hàng chục công sở, nhà ga, bệnh viên, trường học, bảo tàng có giá trị khi Chính phủ tiếp quản năm 1954. Có nên xem các công trình kiến trúc Pháp là di sản văn hóa hay không? Từ khi nào thì công tác bảo tồn các công trình kiến trúc này mới được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm bàn đến, ra nghị quyết và thực hiện?

Hà Nội có hay không có 1 cơ quan chịu trách nhiệm về bảo tồn công trình kiến trúc hay manh mún dăm cơ quan thuộc trực thuộc Sở Xây dng, Sở quy họach và Kiến trúc, và cả Sở Văn hóa TP.

Theo ông Hoàng Tú, Trưởng ban 61/CP Sở Xây dựng Hà Nội, đến năm 2009 Hà Nội mới chính thức thiết lập cơ chế quản lý biệt thự cổ. Đến năm năm 2011, tức là sau 57 năm kể từ ngày tiếp quản Thủ đô, Sở Quy hoạch và Kiến trúc HN mới phối hợp với Viện Quy hoạch kiến trúc (Đại học Xây dựng) thực hiện việc rà soát, chấm điểm, xếp loại danh mục 1.540 căn biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu trên địa bàn thành phố. Biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo nằm trong nhóm 2 (56 điểm).

Còn công tác kiểm định?

Cũng theo ông Tú, việc kiểm định các công trình này hiện bất cập bởi thiếu kinh phí.Ví dụ nếu kiểm định công trình biệt thự 107 Trần Hưng Đạo thì kinh phí phải lên tới khoảng 500 triệu đồng. Hài hước ở chỗ một công thự tuyệt đẹp như vậy đã bị Tổng công ty Đường sắt là  đơn vị sử dụng cải tạo tan nát rồi đổ sụp mà bây giờ cơ quan quản lý mới nói đến công tác kiểm định.

Thực tế cho thấy một Tổng công ty nhà nước được giao sử dụng một tài sản cố định có giá trị nhưng họ không hề có ý thức bảo tồn nó, mà chỉ nhằm mục đích duy nhất là khai thác, bóc lột nó tối đa để phục vụ cho họ, không hề nghĩ đến chuyện duy tư bảo dưỡng nó.

Còn tư nhân, giới nhà giàu Hà Nội?

Có thật họ quan tâm đến việc mua nhà biệt thự Pháp cũ cải tạo để ở vì yêu quý hay chỉ mua rồi nhăm nhăm biến nó thành nhà hàng hoặc tệ hơn đập đi để xây cao ốc kinh doanh. Trường hợp biệt thự Pháp cũ của cố Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng ở góc phố Lê Phụng Hiểu – Lý Thái Tổ bị san phẳng cách đây không lâu là ví dụ.

Người ta phải đi mỏi chân khắp Hà Nội may ra mới tìm thấy một vài người mua nhà biệt thự Pháp sửa chữa, cải tạo để ở như trường hợp chủ nhân nhà 23 Điện Biên Phủ là một ví dụ. May mắn cho di sản kiến trúc Hà Nội là “Tây” vô cùng yêu thích, trân trọng và có ý thức bảo tồn biệt thự Pháp cũ mà họ thuê để sử dụng.

Cách đây trên 25 năm, ông Đại sứ Nauy đã cùng với kiến trúc sư Việt Nam, nguời thiết kế cải tạo dinh thự 41 Trần Hưng Đạo cho sứ quán Nauy bay vào Sài Gòn để chọn mẫu đá chẻ lát sân, chọn gạch lát nền nhà và ốp lát các khu vệ sinh...

Trong qua trình cải tạo, ông đã yêu cầu giữ lại một cái gác xép nhỏ xíu có chia ngăn, có những cái cửa bằng gõ ván thùng ghi tên chủ nhân của nó ở với lý do: đó là lịch sử thú vị của ngôi nhà, k niệm tuyệt vời về thời bao cấp gian khó của những người đã từng sống trong ngôi nhà này. Ông cũng yêu cầu và đã tìm ra được tên của người kiến trúc sư Pháp đã thiết kế ngôi nhà đó.

Năm 2003 khuôn viên 56-58 Nguyên Thái Học có hai ngôi nhà biệt thự Pháp cũ và vài ngôi nhà phụ vốn là trường dạy tiếng Nga cho con em của nhân viên sứ quán Liên Xô trước đây bị xuống cấp, mối mọt nghiêm trọng. Ông Viện trưởng viên Goethe Franz Augustin hầu như hàng ngày đều có mặt ở công trình. Ông theo dõi qúa trình cải tạo, bàn bạc với kiến trúc sư chủ trì về từng hạng mục, từng chi tiết... nhằm  khôi phục lại từng chi tiết như lò sưởi, lan can cầu thang, tay nắm của đi, đầu trụ, gờ phào v.v...

Sau 7 tháng cải tạo, viện Goethe đã trở thành một địa chỉ văn hóa được yêu thích ở Hà Nội. Hàng loạt biệt thự được họ thuê là sứ quán, văn phòng làm việc, dinh thự... đã được cải tạo, tu sửa rất tốt đúng nghiã bảo tồn.

Vài điều suy nghĩ về gìn giữ di sản kiến trúc Pháp ở VN

Các nền văn minh thế giới đều thay đổi theo thời gian, trong đó kiến trúc với gía trị vật thể và phi vật thể của nó là một tác nhân đóng góp vô cùng to lớn cho sự phát triển của loài người. Kiến trúc Pháp ở Việt Nam góp phần làm thay đổi không chỉ diện mạo mà còn thay đổi tư duy của nguời Việt theo nghĩa  “có thực mới vực được Đạo”.

Pháp thuộc là một giai đoạn lịch sử cực kỳ đặc biệt của VNKhông có lý gì mà cả ngàn biệt thự giá trị lại bị sao nhãng, không duy tu bảo dưỡng kp thời, thậm chí còn bị cải tạo thô bạo làm biến dạng để phục vụ mục đích nhất thời của người sử dụng, vốn không phải người làm ra nó.

Một khi nhận thức đúng về bản chất của qúa trình phát triển lịch sử VN nói riêng và của nền văn minh nhân loại nói chung, chắc chắn chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn đối với di sản kiến trúc Pháp ở Vit Nam.

KTS Lý Trực Dũng