Dựa trên một số nội dung ghi trong các bộ sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký, và trong các văn bản luật thời Lê, Mạc (Quốc triều Hình luật hay Lê triều Hình luật, và Hồng Đức thiện chính thư), nhiều người cho rằng từ xa xưa, phụ nữ Việt đã được hưởng sự bình đẳng giới trong xã hội. 

Tuy nhiên, nhìn lại dòng sách chính sử, chưa có nhiều cuốn sách đề cập tới vai trò của phụ nữ Việt trong đời sống xã hội phong kiến, từ các mối quan hệ gia đình thường ngày tới đóng góp vào các định chế xã hội.

Vì thế, những góc nhìn độc đáo về vị trí của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 18 (thời Hậu Lê) thể hiện trong cuốn sách “Các thành tố gia đình: Giới tính, chính quyền và xã hội ở Việt Nam thời kỳ cận đại, 1463-1778” của tác giả Trần Tuyết Nhung đang thu hút sự quan tâm của công chúng.

Cuốn sách gồm 6 chương. Cụ thể, Chương 1 - “Nêu rõ hệ thống giới tính: Kinh tế, xã hội và nhà nước”, cho thấy chính quyền nhà nước đã quan tâm tới một hệ thống giới nhấn mạnh quy định phù hợp cho nữ giới ngay từ khi còn bé, cũng như tác động của sự chênh lệch về kinh tế và xã hội đã tạo cơ hội cho phụ nữ giành quyền tự chủ.

Chương 2 - “Những người vợ hiền, những người mẹ dưỡng dục con cái và những đứa con hiếu thảo: Hôn nhân là việc của nhà nước, làng xã và gia đình”, khảo sát điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân của phụ nữ Việt Nam, vượt qua các ranh giới về giai cấp.

Chương 3 - “Thân xác phụ nữ, các hoạt động quan hệ tình dục và trật tự chính trị xã hội”, chỉ rõ luật pháp nhà nước, phong tục địa phương và trật tự chính trị có mối liên hệ mật thiết với quy định về hoạt động tính dục của nữ giới ra sao.

Chương 4 - “Quyền thừa kế, quyền kế vị và quyền tự chủ trong chế độ tài sản”, xem xét cách thức mà chế độ tài sản trở thành một luận điểm tranh cãi về những nỗ lực của nhà nước nhằm chính thức hóa quyền kế vị theo dòng dõi và quyền phân chia tài sản ngang bằng nhau cho những người thừa kế nam. 

Chương 5 - “Tục mua hậu: Chuẩn bị cho thế giới bên kia sau khi chết”, tìm hiểu cách thức chuyển giao tài sản riêng cho các cơ sở công cộng đã giúp phụ nữ đảm bảo rằng họ sẽ không trở thành những vong linh bất hạnh. 

Và chương cuối - “Tầm nhìn trong tương lai và những công trình của quá khứ: Những hình mẫu về phụ nữ Việt Nam”, tác giả đặt nghiên cứu của mình trong bối cảnh tranh luận rộng lớn hơn về giới tính ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Bàn về cuốn sách “Các thành tố gia đình: Giới tính, chính quyền và xã hội ở Việt Nam thời kỳ cận đại, 1463 – 1778”, dịch giả Lê Đình Chi nhấn mạnh: “Cuốn sách của tác giả Việt kiều Trần Tuyết Nhung có một nội dung tương đối độc đáo mà chưa nhiều cuốn sách khảo cứu về lịch sử đã xuất bản tại Việt Nam đề cập đến. Đó là vị trí của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam trong giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 18”.

Dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, từ văn bản pháp luật, điều lệ, quy định của nhà nước, các hương ước, văn bản về chuẩn mực đạo đức lưu hành trong các cộng đồng, các cuốn từ điển cổ, các tác phẩm do tác giả Việt Nam viết, cho tới thư tín của các nhà truyền giáo phương Tây, thư từ trao đổi của các tín đồ Công giáo Việt Nam, và cả các hồi ký, ký sự của người nước ngoài từng lưu trú tại Việt Nam trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 18 trở về trước, tác giả đã cố gắng hệ thống hóa lại vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội Việt Nam trong thời đại phong kiến nhà Hậu Lê. 

Lựa chọn điểm khởi đầu của giai đoạn khảo cứu vào thời vua Lê Thánh Tông, khi chế độ phong kiến của triều đại Hậu Lê đạt tới độ thịnh trị và hoàn thiện về thể chế, pháp luật, và điểm kết thúc là cuối thời Hậu Lê, khi triều đại chỉ còn là trên danh nghĩa này cùng hai định chế thực quyền của hai dòng họ Trịnh, Nguyễn cũng rơi vào cảnh suy sụp, tác giả đặt trọng tâm vào việc tìm hiểu đời sống thực sự của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam thời đó trong mối tương tác, quan hệ, ràng buộc đa chiều với các quy định về pháp luật của chính quyền, các quy tắc đạo đức, ứng xử tại làng xã, cộng đồng, và những trách nhiệm, nghĩa vụ, vai trò của người phụ nữ trong việc lo toan cho bản thân họ cũng như gia đình họ.

Thông qua cuốn sách này, độc giả biết thêm những dấu vết của quá khứ còn lưu lại qua bản văn bia cung tiến công đức, hay tập khế ước thừa kế chép tay còn lưu lại được từ hơn hai trăm năm trước nhờ những tình cờ may mắn, hoặc bản hướng dẫn khám nghiệm thai dành cho cơ quan công quyền…. Từ đó ít nhiều có thể hình dung được một ngày bình thường của một gia đình Việt vài trăm năm trước, những con người bình thường đã sống trong một xã hội vận hành theo những quy tắc, quy định như thế nào. 

Đặc biệt là sẽ hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến giới tính, nhất là việc quyền lợi, địa vị của phụ nữ được thừa nhận một cách cụ thể như thế nào trong những mối quan hệ gia đình, dòng tộc, về cách thức những người phụ nữ thời đó sử dụng để giành lấy cho mình một chỗ đứng, một sự thừa nhận cả về vật chất (của cải, thừa kế) lẫn tinh thần (tôn vinh, thờ cúng), cả khi còn sống lẫn ở thế giới bên kia.

“Đi tới trang cuối và gấp sách lại, chắc chắn độc giả nào cũng thấy thế giới của ngày hôm qua trở nên gần gũi, sinh động và “đời” hơn, không còn chỉ là những khoảng trắng nằm giữa các biến cố lớn hay hành trạng của các vị vua, các triều thần được chính sử ghi lại. Cuốn sách quả thực là một trải nghiệm lôi cuốn của việc tìm lại một phần những gì cấu thành nên phần lớn quá khứ lịch sử của đất nước, con người Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong phần nền móng của thực tại, bao gồm cả những di sản tích cực lẫn những điều tiêu cực chúng ta phải chấp nhận thừa kế lại từ các thế hệ trong quá khứ”, dịch giả Lê Đình Chi chia sẻ.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV