Nếu phải lựa chọn giữa một quốc hội im lặng, luôn đồng lòng với tất cả các vấn đề, và một nghị viện biết tranh cãi, biết đấu tranh để bảo vệ những luồng quan điểm, tôi nghĩ nhiều người sẽ chọn lựa chọn thứ hai. Tất nhiên, song song với đó, cử tri cũng đòi hỏi những người đại diện cho mình cần có sự tường minh, lý lẽ thuyết phục và cẩn trọng trong từng phát ngôn.

LTS: Xung quanh câu chuyện về các phát ngôn ở Nghị trường, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết dưới đây như một góc nhìn tham chiếu.

Cùng với việc truyền thông cập nhật nhanh chóng và bám sát diễn tiến các kỳ họp Quốc hội, công chúng ngày càng quan tâm, theo dõi sát sao những thảo luận phát ngôn của đại biểu tại nghị trường. Có thể nói đây là một điều rất đáng mừng.  

Tuy nhiên, khi lượng thông tin được cung cấp ngày càng nhiều, thì vấn đề được quan tâm tiếp theo chính là cách dư luận tiếp nhận, phản ứng trước những phát ngôn, quan điểm đó ra sao, khi chúng luôn rất đa dạng, nhiều chiều. 

{keywords}
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII bàn thảo rất nhiều vấn đề xây dựng và sửa đổi luật. Ảnh: VOV

Còn nhớ, từ thế kỷ 18, trong cao trào của thời kỳ Khai Sáng với những tư tưởng nhân văn thay thế các quan điểm vua tôi tại châu Âu, nhà tư tưởng người Pháp Voltaire đã có một câu nói để đời: “Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền được nói của anh”.  

Tại sao lại như vậy? 

Một xã hội cho dù đồng lòng đến đâu cũng không thể chỉ tồn tại duy nhất một quan điểm cho mọi vấn đề. Chín người thì có mười ý. Các xã hội độc tài thì sẽ coi những quan điểm phi chính thống là tội phạm và tìm cách đàn áp nó. Còn các xã hội phi độc tài nhưng chưa trưởng thành thì sẽ lên án, chỉ trích cá nhân người phát ngôn thay vì tìm cách phản bác một cách lý trí, thuyết phục lại các phát ngôn đó.  

Một khi chúng ta luôn đồng loạt lên án các ý kiến trái chiều là vô bổ, là xuyên tạc và không được phép xuất hiện thì phải chăng chúng ta chưa thực sự thực hành quyền dân chủ đúng cách?

Một số phát ngôn gây tranh cãi của các đại biểu Quốc hội gần đây trong quá trình xây dựng, sửa đổi luật… tạo ra phản ứng rất gay gắt của xã hội. Chẳng hạn, khi một đại biểu Quốc hội có quan điểm “lạ thường” về Quyền im lặng, đã có rất nhiều người đòi phải đánh giá lại tư cách đại biểu quốc hội của ông, thậm chí đặt nghi vấn về bằng cấp, địa vị của ông.  

Song, nếu nhìn nhận công bằng thì những gì vị đại biểu đó nói tuy có phần ấu trĩ, nhưng việc đại biểu đó lên tiếng là thực hiện đúng trách phận của một đại biểu quốc hội. Nếu phải lựa chọn giữa một quốc hội im lặng, luôn đồng lòng với tất cả các vấn đề, và một nghị viện biết tranh cãi, biết đấu tranh để bảo vệ những luồng quan điểm, tôi nghĩ nhiều người sẽ chọn lựa chọn thứ hai. Tất nhiên, song song với đó, cử tri cũng đòi hỏi những người đại diện cho mình cần có sự tường minh, lý lẽ thuyết phục và cẩn trọng trong từng phát ngôn.

Quay lại quá khứ, thời đại của Voltaire là thời đại mà sự đấu tranh của các luồng tư tưởng là rất gay gắt. Rất khó để có thể nghe những lời trái tai, nhưng tư tưởng của Voltaire đó chính là bản thân của chúng ta không ai là hoàn hảo và những quan điểm mà chúng ta theo đuổi, bảo vệ, đại diện có thể đúng đắn đối với chúng ta tại thời điểm này, nhưng không đúng đắn với một ai khác, hoặc không còn đúng đắn trong tương lai.  

Các quan điểm trái chiều, kể cả những quan điểm bảo thủ, lạc hậu, truyền thống vẫn có thể có vai trò như một lực cản để kìm chế khả năng đi quá xa của một quan điểm cấp tiến. Lịch sử đã ghi nhận những trường hợp mà một quan điểm đúng đắn, phù hợp của thời đại tiến hóa thành những kết quả tệ hại, xuất phát từ nguyên nhân các quan điểm trái chiều đã không được tôn trọng, lắng nghe đúng mực. 

Nếu không biết chấp nhận lắng nghe và phản biện văn minh những phát ngôn trái ý, trái tai mình, thì phải chăng chúng ta đang dần xây dựng một thái độ “độc tài của số đông”.  

Người viết cho rằng, một quốc hội hiệu quả phải mang dáng dấp tư tưởng của một xã hội mà nó đại diện. Tức là nếu xã hội đó vẫn còn tồn tại các tư tưởng trái chiều, thì quốc hội đó phải phản ánh được những tư tưởng trái chiều đó.

Chẳng hạn, ngay cả khi cuộc Nội chiến nước Mỹ diễn ra vào cuối thế kỷ 19, trong nghị viện của miền Bắc, là phe ủng hộ bãi bỏ nô lệ, người ta vẫn duy trì một phái đối lập bao gồm những người muốn giữ tình trạng nô lệ như cũ.

Sự trưởng thành của một xã hội phải được thực hiện từ từ, từng bước, thông qua giáo dục và đối thoại, chứ không thể buộc một ai đó đốt cháy giai đoạn, bắt họ suy nghĩ và đồng thuận với những điều mà họ chưa trải nghiệm. Đối xử với “phe thiểu số” như vậy cũng là cách để chúng ta tạo dựng một hệ thống bảo vệ chính bản thân, vì chẳng thể biết được mai sau chúng ta có đứng ở phe thiểu số hay không. 

Cơ chế dân chủ là cơ chế cho phép mỗi người được phát ngôn và bày tỏ quan điểm, cũng như tham gia bỏ phiếu tự do quyết định một vấn đề nào đó. Bởi lẽ kết quả của cuộc bỏ phiếu dân chủ sẽ là thước đo sự chấp thuận của xã hội đối với quan điểm của anh ra sao. Tranh luận để đồng thuận thể hiện qua cơ chế như thế. 

Lê Nguyễn Duy Hậu