Tỷ lệ lao động nữ còn thấp
Hiện nay, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại tại khu vực Đông Nam Á, mặc dù đã có những bước tiến trong việc nâng cao nhận thức và giảm thiểu khoảng cách giữa nam và nữ. Theo bà Cheryl Goh - Giám đốc Tập đoàn Grab, phụ trách Bộ phận Tiếp thị và Phát triển Bền vững, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng mặc dù phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số trong khu vực, nhưng lực lượng lao động nữ lại chỉ chiếm 42%. Nói cách khác, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các công việc được trả lương thấp hơn so với đàn ông trong khu vực.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này, khi mà phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số Việt Nam (khoảng 50,1%), nhưng số liệu cho thấy tỷ lệ lực lượng lao động nữ lại thấp hơn 9,5% so với nam giới, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO, trực thuộc Liên Hợp Quốc).
“Trong khi các nền tảng đặt xe và giao hàng như Grab mang đến cho phụ nữ nhiều lựa chọn để được tự chủ về kinh tế và tài chính, nhiều người vẫn còn thiếu tự tin nắm bắt cơ hội thu nhập này do các chuẩn mực xã hội ngăn cản họ tham gia vào một lĩnh vực mới mẻ như lái xe”, bà Cheryl nhấn mạnh.
“Vấn đề không nằm ở việc phụ nữ có trình độ kém hơn. Các đối tác tài xế nữ chia sẻ với chúng tôi rằng, phụ nữ thường bị cản trở bởi những nghi ngờ liệu việc lái xe có phù hợp với họ hay không. Bên cạnh đó, mối lo ngại về sự an toàn cũng đè nặng trong tâm trí họ”, bà chia sẻ thêm.
Việc rút ngắn khoảng cách về giới còn có ý nghĩa hơn, khi được cho là sẽ tạo bàn đạp cho sự phát triển kinh tế bền vững trên toàn khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới có thể thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế Đông Nam Á tăng ước tính khoảng 370 tỷ USD mỗi năm vào năm 2025, theo Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey.
Cơ hội cho phụ nữ trong lĩnh vực gọi xe công nghệ
Vì vậy, các doanh nghiệp trong khu vực đang dần thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ trên thị trường lao động và đưa ra nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, trong đó có cả lĩnh vực gọi xe công nghệ.
Điển hình là Chương trình Nữ đối tác tài xế Grab, vừa được ứng dụng này công bố nhằm trao quyền kinh tế cho phụ nữ trên toàn Đông Nam Á thông qua việc trở thành đối tác tài xế của Grab. Các hoạt động trong chương trình không chỉ tạo điều kiện cho phụ nữ trở thành tài xế, mà còn cung cấp các chương trình đào tạo, hỗ trợ và phát triển nghề nghiệp cho họ.
Cụ thể, Grab đang thử nghiệm một tính năng giúp đối tác tài xế nữ tăng cơ hội nhận chuyến xe từ hành khách nữ, nếu có hành khách nữ đặt xe ở gần đó. “Mặc dù 99,99% cuốc xe và đơn hàng của chúng tôi được ghi nhận không xảy ra tai nạn giao thông, tính năng “Ưu tiên hành khách nữ (thử nghiệm)” sẽ tăng thêm một lớp an toàn cho các đối tác tài xế nữ,” bà Cheryl chia sẻ.
Cũng trong chương trình, các nữ đối tác tài xế sẽ được cung cấp nhiều mô-đun đào tạo phù hợp, bao gồm các chủ đề đào tạo thiết thực như: lái xe phòng thủ, tự vệ,... dưới định dạng ngắn gọn, dễ tiếp cận trên ứng dụng Grab. Đồng thời, nền tảng gọi xe này cũng tạo điều kiện thành lập các cộng đồng trực tuyến dành riêng cho các đối tác tài xế nữ, để họ có thể kết nối lâu dài và hỗ trợ lẫn nhau trên từng nẻo đường. Riêng tại Việt Nam, các “bóng hồng” sau tay lái còn được cung cấp các chương trình ưu đãi cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe hay dịch vụ chăm sóc răng miệng, …
Bằng cách thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực gọi xe công nghệ, Grab không chỉ đang tạo ra cơ hội thu nhập cho cá nhân mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững và công bằng của nền kinh tế Đông Nam Á. Đồng thời, chương trình cũng mang đến tầm ảnh hưởng tích cực, khuyến khích các doanh nghiệp nói chung cùng đưa ra các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế xã hội.
“Cần thêm thời gian để thúc đẩy thay đổi và định hướng lại tư duy”, nữ lãnh đạo Grab nói thêm. “Chúng tôi đang mong chờ vào một tương lai nơi mà việc phụ nữ lái xe trở thành điều bình thường thay vì là ngoại lệ trên nền tảng Grab”, bà nhấn mạnh.
Doãn Phong