Ban IV (thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết: Các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đồng loạt thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp hết sức kịp thời trong thời gian gần đây.
Đặc biệt, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam như việc ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021, các chỉ đạo liên quan tới ưu tiên một phần vắc xin để tiêm cho 300.000 người lao động trong các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh và định hướng để doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng Chính phủ trong việc đàm phán, tìm nguồn vắc xin...
“Đây là những quyết sách giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin và có động lực mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục thiệt hại, vực dậy sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, Ban IV ghi nhận phản ánh của DN.
Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khiến nhiều doanh nghiệp tốn thêm chi phí. |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ban IV phản ánh vẫn có những chính sách gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp về dòng tiền chi ra trong bối cảnh dịch như: việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM (dự kiến áp dụng từ 1/7/2021), hay yêu cầu triển khai lắp đặt đồng loạt camera trên ô tô kinh doanh vận tải trước 1/7/2021 của Bộ GTVT, đi kèm với đó doanh nghiệp sẽ cần đầu tư hệ thống công nghệ thông tin (hệ thống SAN, đường truyền, máy chủ,...) để tổng hợp và truyền tải dữ liệu từ các camera cho cơ quan quản lý...
Ban IV cho rằng: Đây là những vấn đề doanh nghiệp đã kiến nghị từ nhiều tháng nay, tuy nhiên hoặc cơ quan quản lý nhà nước liên quan không phản hồi chỉ đạo từ Chính phủ hoặc tiếp tục đưa ra yêu cầu áp dụng quy định.
Vì thế, các Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan một lần nữa rà soát, làm rõ tính cấp thiết, tính cần thiết của việc áp dụng các quy định nói trên tại thời điểm này so với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh dịch để ra quyết định cho thấu đáo, tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ, đổ vỡ hàng loạt.
Đồng thời, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm hoặc tối ưu được dòng tiền chi ra để vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, theo Ban IV, trong bối cảnh dịch bệnh, rất nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp logistics và vận tải đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khiến chuỗi cung ứng hàng hóa và liên kết sản xuất trong nước bị gián đoạn. Các doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp khó khăn rất lớn là tình trạng thiếu vỏ container và tàu biển diễn ra hết sức nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch trên phạm vi toàn cầu, dẫn tới giá thành chi trả tăng rất cao mà chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu.
Vì thế, các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đơn giản hóa tối đa các quy trình hành chính hiện tại hoặc xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên (như trường hợp vừa áp dụng với việc xuất khẩu vải thiều) để hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu thời gian, chi phí ở các khâu thực hiện trong nước nhằm đẩy nhanh quy trình, thủ tục nhập về các mặt hàng thiết yếu hay đẩy nhanh việc xuất các sản phẩm nông sản, xuất các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ đạo.
Lương Bằng
Miệt mài cải cách vẫn chưa hết... bệnh vô cảm
Các bộ, ngành khẳng định đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ được khoảng 30-40%.