Sau loạt bài VietNamNet phản ánh về thực trạng công viên ở Thủ đô, các đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ ý kiến, kỳ vọng việc làm "sống lại" công viên sớm thành hiện thực.

Dành nguồn lực cải tạo, xây mới tất cả công viên

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội thiếu cả về quy mô lẫn hình thức.

Theo ông, thành phố cần tập trung nguồn lực để cải tạo, xây mới tất cả các công viên, đảm bảo diện tích cây xanh theo quy hoạch từ 6-7m2/người.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: QH

Theo ông Hạ, để lời hứa của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh về việc năm 2023 làm ‘sống lại’ công viên, thành phố phải rà soát, đưa ra phương án xử lý cụ thể cho từng dự án. Đối với công viên cũ xuống cấp thành phố phải tập trung nguồn lực để cải tạo. 

Với những công viên đã giao cho chủ đầu tư nhưng chưa được xây dựng, thành phố phải vào cuộc xử lý những khó khăn, vướng mắc.

“Dân số Thủ đô ngày càng tăng, nhưng quỹ đất chỉ có vậy. Nếu Hà Nội không nhanh chóng ‘giành’ lại quỹ đất để làm công trình công ích như công viên, trường học, bệnh viện… mà cứ để nhà cao tầng, trung tâm thương mại, văn phòng lấn át, sau này còn mất rất nhiều tiền bạc, công sức để xử lý”, ông Hạ.

Đại biểu Hạ còn phản ánh trên thực tế ở Hà Nội, nhiều dự án chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng nhà để bán kiếm lời, trong khi đó đất quy hoạch công viên, vườn hoa lại không chịu bỏ tiền ra đầu tư.

“Lãnh đạo thành phố phải rà soát, xử lý nghiêm chủ đầu tư dự án cố tình chây ì, không chịu thực hiện đúng theo quy hoạch đất công viên, vườn hoa”, đại biểu Hạ kiến nghị.

Kiên quyết giữ đất công viên, không để bị lấn chiếm

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam) cho biết, bản thân ông và nhiều người dân rất phấn khởi khi Bí thư Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành giữ nguyên hiện trạng tất cả công viên, ao hồ.

“Đây là một quyết tâm rất lớn của lãnh đạo TP Hà Nội. Theo tôi, Hà Nội phải kiên quyết thực hiện bằng được các dự án đã có, đồng thời khi đã có quy hoạch công viên, không để các công trình lấn đất công viên, vườn hoa”, ông Cừ nói.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Ông Cừ cảnh báo việc điều chỉnh quy hoạch, cắt xén đất công trình phúc lợi như công viên, vườn hoa, trường học… là thực trạng diễn ra nhiều năm qua và gây hệ luỵ rất lớn.

“Vì cái lợi trước mắt, có thời điểm chính quyền các cấp đã chạy theo đề nghị của nhà đầu tư nên đã phá vỡ quy hoạch, biến đất công viên, vườn hoa… thành nhà cao tầng, trung tâm thương mại”, đại biểu Cừ nêu.

Theo vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, với tất cả những công viên hiện có, thành phố phải giữ bằng được, kiên quyết không để bị lấn chiếm.

Trong quá trình cải tạo, xây dựng công viên, lãnh đạo TP phải loại ngay những ý tưởng ‘cài cắm’ thêm các tiện ích vào trong công viên như bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Thống Nhất trước đây. “Chỉ có như vậy, mới đảm bảo diện tích cây xanh cho người dân Thủ đô”, đại biểu Cừ nói thêm.

Hy vọng quyết tâm của Chủ tịch Hà Nội thành hiện thực

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đảm bảo diện tích công viên sẽ góp phần xây dựng Hà Nội là thành phố đáng sống. Theo ông, việc xây dựng, cải tạo công viên trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng của lãnh đạo TP Hà Nội.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

“Hà Nội trải qua một thời gian khá dài không quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng công viên, thậm chí công viên hiện có cũng không hoạt động đúng chức năng của nó. Điều đó lý giải vì sao người dân thành phố không muốn vào công viên”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, mong muốn cải tạo, xây dựng công viên trên trên bàn Hà Nội cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức về nguồn lực đầu tư, quỹ đất. Do vậy, ông cho rằng, lãnh đạo thành phố phải có quyết tâm chính trị lớn để làm sống lại các công viên.

“Tôi hy vọng quyết tâm chính trị của lãnh đạo TP Hà Nội đến năm 2023 làm ‘sống lại’ các công viên trở thành hiện thực. Tuy nhiên, để làm được điều này, phải xây dựng lộ trình cụ thể và có những hành động mang tính khả thi. Từ đó, thành phố sẽ có những công viên xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến và thành phố sáng tạo”, ông Sơn nói thêm.

Xã hội hoá nhưng không chạy theo lợi ích nhà đầu tư

Đại biểu Quốc hội khoá XIII Bùi Thị An cho biết, không gian vui chơi, giải trí của người dân Thủ đô đang thiếu. Vì vậy, bà hoàn toàn ủng hộ kế hoạch làm ‘sống lại’ các công viên trên địa bàn thành phố.

“Hà Nội có thể không giàu nhất cả nước, nhưng về văn hoá, giáo dục, khoa học phải cố gắng đứng đầu”, bà An nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội khoá XIII Bùi Thị An.

Theo bà An, trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn, chủ trương xã hội hóa đầu tư, xây dựng công viên là cần thiết. Tuy nhiên, không có chuyện khi xã hội hóa thì doanh nghiệp có quyền quyết định mọi thứ trong công viên. Ngoài ra, phải quyết liệt xử lý những tồn tại tích tụ ở những công viên bị lấn chiếm.

"TP Hà Nội phải giám sát chặt chẽ, xem chủ đầu tư có làm công viên đúng quy hoạch?, đúng tiến độ?. Nếu có bất cứ sai phạm gì, phải dừng ngay, không chạy theo nhà đầu tư. Không để xảy ra tình trạng, đất xây công viên thì bỏ hoang, còn người dân lại không có chỗ vui chơi”, bà Bùi Thị An nói.