Anh Nguyễn Viết Lĩnh, tổ dân phố Phú Mậu, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà đã chọn nối nghiệp cha ông, bám biển mưu sinh. Anh cũng là một trong những ngư dân mạnh dạn đầu tư tàu công suất lớn thuê nhiều nhân lực có tay nghề vươn đến ngư trường xa xôi để khai thác hải sản.

Anh Lĩnh chia sẻ, mới đây anh và một số ngư dân khác đã được điều động tham gia diễn tập thực binh huy động ngư dân và tàu thuyền dân sự bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Thông qua cuộc diễn tập trên đã giúp anh Lĩnh và các ngư dân khác phát huy tinh thần đoàn kết, bình tĩnh, mưu trí, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, không để tàu cá nước bạn và các lực lượng thù địch kích động, mua chuộc, lôi kéo… 

“Chúng tôi luôn sẵn sàng cùng quân đội và các lực lượng khác tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư trường và tham gia nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi được huy động", anh Lĩnh cho biết.

anh-chup-man-hinh-2024-01-05-luc-144316-1.png
Ngư dân Hà Tĩnh kiên trì vươn khơi, bám biển và có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Quốc gia.

Thiếu tá Hồ Văn Hạ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Sót (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết: “Lộc Hà là huyện ven biển với đội tàu đánh cá và lực lượng sản xuất trên biển khá đông, trong đó có trên 100 tàu công suất lớn với chiều dài trên 12m (7 - 10 lao động/tàu). Đây là lực lượng rất quan trọng trong bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự và cứu hộ, cứu nạn trên biển; là “tai mắt” của lực lượng chức năng trong nắm bắt tình hình, cung cấp phương tiện, nhân lực khi có tình huống cần điều động. Vì vậy, chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, giúp đỡ để bà con vừa yên tâm làm ăn, vừa hỗ trợ bộ đội biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Với tinh thần bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trên biển, ngư dân các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị trấn Kỳ Anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình. 

Theo đó, mỗi năm, bà con đã cung cấp hàng nghìn thông tin có giá trị về tàu lạ xâm nhập lãnh hải, tình hình ngư trường, tàu giã cào đánh bắt sai vùng biển và các hoạt động khai thác bị cấm; tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng chống buôn lậu trên biển... 

Đặc biệt, đội tàu xa bờ kiên trì bám biển vươn khơi và có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đã trở thành những “cột mốc sống” giữa trùng khơi.

Ngư dân Lê Văn Sơn ở thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân cho biết: “Tàu chúng tôi chuyên đánh bắt dài ngày ở vùng khơi. Các cấp, ngành, nhất là bộ đội biên phòng tuyên truyền, nhắc nhở, động viên nên chúng tôi luôn nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn sản xuất với trách nhiệm của công dân. Mỗi khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, chúng tôi báo ngay cho các lực lượng chức năng và sẵn sàng tham gia hỗ trợ”.

Được biết, Hà Tĩnh hiện có 3.558 tàu cá, trong đó 115 chiếc hoạt động vùng khơi, 636 chiếc hoạt động vùng lộng, 2.807 chiếc khai thác ven bờ với khoảng 10.000 lao động trực tiếp trên biển. Tất cả tàu thuyền, nhân lực trên địa bàn đều tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với duy trì sản xuất.

Nguyễn Anh Phương, Nguyễn Hồng Hạnh, Đỗ Hồng Khanh, Phan Chí Hiếu