Theo báo Guardian, các cuộc biểu tình đã trở thành sự kiện diễn ra hàng tuần vào tối thứ Bảy ở Israel, kể từ khi chính phủ mới của ông Netanyahu nhậm chức vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Hàng nghìn người biểu tình tập trung ở Tel Aviv tối 4/2. Ảnh: Anadolu 

Truyền thông địa phương đưa tin, hôm 4/2, các cuộc biểu tình được tổ chức tại 20 thành phố trên khắp đất nước. Chỉ tính riêng tại Tel Aviv, sự kiện đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Những người biểu tình tập trung đông ở đường Kaplan thuộc trung tâm thành phố, mang theo quốc kỳ Israel và các tấm áp phích cáo buộc chính phủ là “mối đe dọa đối với hòa bình thế giới”.

Cựu Thủ tướng Yair Lapid cũng tham gia tuần hành ở thành phố Haifa. Ông tuyên bố, những người biểu tình muốn “giải cứu đất nước” và ông sẽ sát cánh bên họ.

Đám đông biểu tình mang theo cờ Israel và các biểu ngữ phản đối chính phủ. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Netanyahu cáo buộc các cuộc biểu tình là động thái của các đối thủ cánh tả nhằm từ chối chấp nhận kết quả tổng tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái, vốn mang đến chính phủ được đánh giá thiên hữu nhất trong lịch sử Israel. Tuy nhiên, nhiều người biểu tình cho hay, mọi chuyện bắt nguồn từ các kế hoạch cải cách pháp lý gây tranh cãi của chính quyền Netanyahu.

Những đề xuất cải cách tư pháp đó sẽ cho phép Quốc hội Israel bác bỏ bất kỳ quyết định nào của Tòa án tối cao chỉ với đa số ủng hộ tối thiểu là 61/120 nhà lập pháp, cũng như thay đổi hệ thống bổ nhiệm thẩm phán, giúp các chính trị gia có nhiều quyền kiểm soát hơn. Chính phủ do ông Netanyahu đứng đầu cũng công bố ý định theo đuổi chính sách mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây đang chiếm đóng và các cải cách xã hội khiến cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới …  (LGBTQ+) lo lắng.