Năm nay, điểm chuẩn các ngành học của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đều tăng so với năm ngoái. Đặc biệt, có 3 ngành học điểm chuẩn trên 29, gồm: Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử; Sư phạm Địa lý.

Trong đó, 2 ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử đạt mức 29,3; cao hơn mức điểm chuẩn cao nhất của năm ngoái 0,88 điểm (ngành Sư phạm Lịch sử - 28,42 điểm). 

Với những ngành học này, tính bình quân, mỗi môn đạt 9,7 điểm, thí sinh vẫn trượt, nếu không có điểm cộng ưu tiên hay khuyến khích.

Ngành Sư phạm Âm nhạc (điểm chuẩn năm nay là 24,05) có mức tăng điểm chuẩn mạnh nhất, lần lượt là 5,55 và 4,5 điểm theo từng tổ hợp (năm ngoái điểm chuẩn là 18,5-19,55 tùy theo tổ hợp).

Ngành Sư phạm Sinh học cũng có mức tăng điểm chuẩn tới 3,89 điểm ở tổ hợp khối D08 và 1,81 điểm ở tổ hợp B00...

Về vấn đề một số ngành của Trường ĐH Sư phạm và cả những trường khác dù thí sinh đạt tổng điểm 29 vẫn trượt, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay: “Nếu so sánh điểm chuẩn các năm với nhau, như vậy có vẻ là cao quá. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận việc tuyển sinh đại học mang tính chất lựa chọn từ trên xuống dưới, khi có nhiều người đạt điểm thuộc top trên, những người top dưới đương nhiên bị mất cơ hội. Đó là quy tắc của việc lựa chọn”.  

Ông Sơn cho rằng, đứng từ phía phụ huynh, việc băn khoăn khi con thi hơn 9,7 điểm/môn vẫn trượt cũng dễ hiểu. “Những thí sinh có mức điểm cao như vậy, trong trường hợp không trúng tuyển ngành/nguyện vọng có tính cạnh tranh cao nhất cũng sẽ trúng tuyển những ngành khác thấp hơn, bởi giờ đây các em được đăng ký rất nhiều nguyện vọng.

Tôi cho rằng đây là việc rất bình thường trong cuộc sống. Bởi không phải lúc nào cũng chỉ có một mình giỏi, xung quanh chúng ta có thể có những người khác giỏi hơn và phải chấp nhận chuyện đó”, ông Sơn nói.

w nguyen duc son anh thanh hungjpg 2460.jpg
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Theo ông Sơn, nhìn chung, điểm chuẩn vào các ngành khối các trường Sư phạm năm nay đều tăng.

Lý giải về việc tăng này, ông Sơn cho hay có nhiều lý do. Một trong số đó là do những chính sách của Nhà nước về việc cấp bù học phí và cung cấp sinh hoạt phí cho sinh viên theo học sư phạm. “Việc này thu hút số lượng sinh viên vào ngày càng đông. Năm nay, theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, số đăng ký vào ngành Sư phạm tăng vọt. Như vậy, khi chỉ tiêu có hạn, số lượng đăng ký vào tăng nhiều sẽ chỉ những thí sinh có điểm top trên mới có thể vào. Tôi cho rằng đó cũng là một dấu hiệu tích cực”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn có những điểm riêng khác. Đó là đã có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào theo diện tuyển thẳng.

Được biết, tổng chỉ tiêu của trường năm 2024 là 4.013 (50% chỉ tiêu lấy bằng điểm thi tốt nghiệp THPT).

“Những trường hợp này đương nhiên được tuyển thẳng vào trường. Việc này làm cho việc cạnh tranh cho những chỉ tiêu còn lại trở nên khó khăn hơn”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết thêm, hiện nay, chỉ tiêu đào tạo giáo viên của các trường Sư phạm, do Bộ GD-ĐT phân bổ và giao. “Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu như thế nào phụ thuộc vào các địa phương đặt hàng. Tức trên cơ sở đặt hàng của địa phương, Bộ GD-ĐT mới giao về các trường sư phạm”.

Chỉ tiêu các ngành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay hầu hết giảm so năm ngoái.

Ông Sơn cho rằng, từ thực tế “rất khắc nghiệt” này, các thí sinh các năm sau nếu muốn thi vào trường Sư phạm, cần hết sức chú ý những điều chỉnh về mặt chính sách của Bộ GD-ĐT và các trường.

“Lời khuyên cho các học sinh lớp 12 năm nay là phải theo dõi rất sát những xu hướng điều chỉnh của các trường”, ông Sơn nói.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã bắt đầu nghĩ đến công tác tuyển sinh năm 2025 và chắc hẳn sẽ có những sự điều chỉnh nhất định.

“Bởi theo chương trình phổ thông mới 2018, các tổ hợp tuyển sinh có thể bắt đầu sẽ phải khác đi. Chúng tôi sẽ phải tính các phương thức tuyển sinh cho năm tới và tổ hợp cho từng ngành như thế nào”, ông Sơn nói.