Nhắc tới cố họa sĩ Nguyễn Sáng - người duy nhất có hai tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia, họa sĩ Lương Xuân Đoàn không khỏi nghẹn ngào.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa diễn ra chương trình art talk với chủ đề Những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng nhân dịp 100 năm ngày sinh cố hoạ sĩ.
Tới dự có họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Đặng Thị Khuê - Nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam cùng bạn bè đồng nghiệp, người thân của cố họa sĩ.
Chương trình đã đưa công chúng hòa vào dòng ký ức về họa sĩ Nguyễn Sáng thông qua những câu chuyện kể.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết, cả cuộc đời của mình, danh họa Nguyễn Sáng đã sống âm thầm để có những sáng tạo nghệ thuật vĩ đại. Đến nay, hầu như chưa có tác phẩm nào vượt được bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của ông.
Nhắc về cố họa sĩ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lặng người, nghẹn ngào mãi mới thốt lên lời: “Nguyễn Sáng rất yêu Hà Nội. Vào quê miền Nam cứ mỗi chiều Sài Gòn, ông lại ngồi bệt trước cửa nhà, nhớ ra Bắc, nhớ Hà Nội. Tôi đã kinh hãi đứng lặng nhìn ông, nhìn khuôn mặt đẫm nước mắt của ông khi nhớ về Hà Nội.
Nguyễn Sáng từng kể với tôi rằng, biết bao giờ mới trở về căn nhà ở Hà Nội, nơi hằn khắc những dấu tích của đời ông. Đó cũng là nơi thăng hoa của biết bao điều kỳ diệu khi tài năng hội họa của ông phát lộ âm thầm, rồi tự sáng chói”.
Hơn 10 năm làm việc cùng hoạ sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Đặng Thị Khuê có nhiều kỷ niệm rất đáng nhớ, đặc biệt là những câu chuyện xúc động liên quan đến triển lãm đầu tiên và duy nhất của cố họa sĩ năm 1984.
“Họa sĩ Nguyễn Sáng đã đạt tới đỉnh cao của thời kỳ nghệ thuật hiện thực. Nghệ thuật của ông lưu dấu trong tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, ông đã có những cống hiến lớn cho nghệ thuật hội họa Việt Nam… Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã viết thêm nhiều trang mới nhưng tấm gương sáng tạo và nhân cách sống của ông thì còn mãi.
Ấn tượng đáng nhớ nhất là câu nói ngắn gọn, khi ông khai mạc triển lãm năm 1984: 'Tôi chẳng có gì đâu ngoài một tấm lòng và hai bàn tay trắng' và đề nghị tôi phải mặc áo dài trắng đứng cạnh ông. Mãi sau này tôi mới hiểu, có lẽ chiếc áo dài ấy là niềm lưu luyến với đất Bắc, với Hà Nội. Vì sau triển lãm đó, ông đã vào Nam sinh sống”, họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê hy vọng, một ngày nào đó không xa, Việt Nam sẽ có bảo tàng nghệ thuật đương đại, trong đó không thể thiếu được họa sĩ Nguyễn Sáng - một trong 4 trụ cột của mỹ thuật hiện đại Việt Nam: Nguyễn Sáng - Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Bùi Xuân Phái.
Họa sĩ Nguyễn Sáng sinh ngày 1/8/1923 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Năm 1938, ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8/1945, ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Cuối tháng 12/1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, dùng nét vẽ của mình phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc.
Họa sĩ Nguyễn Sáng là một trong những người có đóng góp to lớn cho hội họa hiện đại Việt Nam và là một trong bốn “tứ kiệt” của hội họa là “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”.
Họa sĩ Nguyễn Sáng sử dụng thành thạo nhiều chất liệu hội họa quan trọng như sơn mài, sơn dầu, lụa… và hầu như ở chất liệu nào ông cũng đều để lại những dấu ấn tài hoa. Tác phẩm của ông là sự giao thoa hài hòa giữa nghệ thuật hiện đại thế giới và tinh hoa truyền thống nước nhà, in đậm dấu ấn lịch sử cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng: Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Thanh niên thành đồng (hai tác phẩm được công nhận là Bảo vật quốc gia), Chùa Tháp Phổ Minh, Thiếu nữ bên Hồ Gươm, Hành quân đêm mưa, Bộ đội nghỉ trưa trên đồi...
Họa sĩ Nguyễn Sáng cũng là người thiết kế con tem bưu chính cách mạng đầu tiên của Việt Nam mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ông được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Larousse của Pháp và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 1996.