Chiều 7/9, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, dự án luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Sau Kỳ họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục khảo sát, tổ chức hội thảo, để có thêm cơ sở hoàn thiện dự thảo luật.

Dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung quan trọng trong dự thảo luật, làm rõ luật đã đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng luật chưa, hồ sơ dự án luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua hay chưa.

Các đại biểu cũng được đề nghị cho ý kiến về một số vấn đề còn chưa có ý kiến thống nhất như: quy định giới hạn độ rộng băng tần thông tin di động của một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; các phương thức cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện; việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ cho quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế.

Thảo luận về dự án luật, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, cách thức cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Đi vào cụ thể, về vấn đề sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng, đây là vấn đề rất lớn trong chính sách, có điểm mới so luật hiện hành và đã được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến và thảo luận rất kỹ trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Với quyền chuyển nhượng sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu đoàn Bình Định cho rằng, trong luật hiện hành cũng như trong dự thảo luật chỉ đặt vấn đề cho phép chuyển nhượng đối với trường hợp tần số vô tuyến điện được phân bổ cấp giấy phép theo phương thức đấu giá.

Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, trên thực tế đến nay vẫn chưa thực hiện đấu giá, tức là chưa có việc chuyển nhượng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần có giải pháp thúc đẩy thị trường, loại hàng hoá, dịch vụ này. Do đó cần tính đến việc nghiên cứu mở rộng quyền để được chuyển nhượng và mở rộng đối với phương thức thi tuyển, phương thức trực tiếp.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu ý kiến tại hội trường.

Cho ý kiến tại hội nghị, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) đề nghị Chính phủ sớm triển khai chính sách hỗ trợ hạ tầng viễn thông theo chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 2269 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đại biểu đoàn Sóc Trăng, việc phủ sóng cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn sẽ tạo động lực phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng cho vùng cao, biên giới. “Thực tế không ít các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về khả năng đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, internet đến hộ gia đình, các cơ sở y tế, giáo dục do địa bàn phức tạp”, đại biểu Tô Ái Vang nói.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã quan tâm, đóng góp ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, toàn diện về dự án luật, thể hiện sự quan tâm lớn đối với dự án luật quan trọng này. Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Giải trình một số ý kiến thảo luận của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần, tổ chức được cấp phép sử dụng để nhằm tránh tích tụ tần số, không dẫn đến độc quyền viễn thông.

Về các phương thức cấp phép sử dụng tần số, dự thảo luật quy định áp dụng phương thức đấu giá và thi tuyển đối với băng tần để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất. Bộ trưởng cho biết, phương thức đấu giá với mục tiêu chính là về tài chính, còn thi tuyển được sử dụng khi hướng tới nhiều mục tiêu như khuyến khích công nghệ mới, tăng độ phủ sóng, khuyến khích cạnh tranh. Còn cấp trực tiếp chỉ dùng trong trường hợp cấp lại, cấp trong tình trạng khẩn cấp, phục vụ quốc phòng an ninh, chống thiên tai, dịch bệnh.

Về việc sử dụng tần số quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế, theo Bộ trưởng, dù là cấp tần số trực tiếp cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và sau đó Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh hay cấp trực tiếp cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thì vẫn là vấn đề lưỡng dụng và dự thảo đã đề ra các nguyên tắc cho việc lưỡng dụng này.

Theo đó, dự thảo quy định khi sử dụng tần số phân bổ riêng cho quốc phòng, an ninh mà kết hợp với phát triển kinh tế, thì phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tức là phải đảm bảo yếu tố bảo mật.

Quy định về bảo đảm cạnh tranh lành mạnh lượng tần số vô tuyến điện sử dụng cho phát triển kinh tế trong băng tần, phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh phải được nộp phí, lệ phí và tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như đối với các tần số thương mại khác.

"Như vậy đã đảm bảo các yếu tố về bảo mật và cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng tần số quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, tiếp tục phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.