Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện chiều 3/6, đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự luật này.

Đón đầu các công nghệ mới

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, tần số vô tuyến điện là một điều kiện cần có, hay nói cách khác là một tài nguyên cần phải có để xây dựng các hệ thống thông tin di động băng rộng - một thành tố quan trọng của hạ tầng số. 

“Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện cần được rà soát, điều chỉnh để nguồn tài nguyên đặc biệt này được đưa vào sử dụng kịp thời, đáp ứng yêu cầu xây dựng hạ tầng số hiện đại, đón đầu các công nghệ mới, góp phần thúc đẩy nền sản xuất các thiết bị viễn thông hiện đại của Việt Nam”, bà Yến nhấn mạnh.

Bà bày tỏ nhất trí với quy định khoản 4 Điều 11 của dự luật cho phép các trường hợp sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không thuộc phạm vi điều chỉnh của các loại quy hoạch tần số vô tuyến điện. 

Điều này sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm các thiết bị công nghệ mới, các thiết bị sản xuất của Việt Nam. Do là công nghệ mới, sáng tạo mới nên có thể sử dụng tần số vô tuyến điện khác với quy hoạch. 

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên)

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) bày tỏ rất tán thành với sự cần thiết của luật lần này, nhất là trong bối cảnh thực tiễn Thái Nguyên đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số.

Bà cho biết, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên ngồi ở đây họp Quốc hội nhưng có thể nắm toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội, thậm chí phản ánh của người dân. 

Bà mở điện thoại truy cập vào C – Thái Nguyên và dẫn chứng luôn: “Ngay thời điểm chúng tôi nhận được thông tin người dân phản ảnh những ngày gần đây có đối tượng không rõ lai lịch thường xuyên vào một ngõ ở đường Nguyên Cầu, TP Thái Nguyên làm các hộ dân lo lắng. Mong các cơ quan chức năng xác minh. Sau khi tiếp nhận ý kiến này, lãnh đạo TP giao Công an TP cử lực lượng đến nắm tình hình và đến giờ, không còn hiện tượng này nữa”.

Giúp cho cơ quan thực thi dễ dàng hơn 

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Thái Nguyên cũng bày tỏ băn khoăn về quy định cấp giấy phép Tần số vô tuyến điện với 3 phương thức: Trực tiếp, đấu giá, thi tuyển. 

“Cá nhân tôi đề nghị ban soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể tiêu chí, điều kiện để cấp phép theo từng phương thức, đặc biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp”, bà Hảo nói.

Dẫn quy định khoản 2, Điều 18 về “phương thức cấp giấy phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến có thể áp dụng đối với một số trường hợp…”, nữ đại biểu tỉnh Thái Nguyên đề nghị điều luật này phải bổ sung thêm các quy định, cũng như tiêu chí, điều kiện được đấu giá, thi tuyển. Đồng thời quy định rõ trường hợp nào đấu giá hay thi tuyển để đảm bảo minh bạch, công khai, thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến thì bày tỏ thống nhất với khoản 3 Điều 18 của dự thảo Luật “Ưu tiên áp dụng phương thức đấu giá, chỉ thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều này khi cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có yếu tố mới thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông”.

Theo bà Yến, việc bổ sung tiêu chí này vào trong Luật giúp cơ quan thực thi dễ dàng hơn trong việc xác định trường hợp nào cần tổ chức thi tuyển, trường hợp nào cần đấu giá. 

Đối với các công nghệ mới nhưng lại cần triển khai nhanh trên diện rộng, việc tổ chức thi tuyển sẽ được thực hiện nhanh hơn là so với đấu giá, nên công nghệ mới sớm được đưa vào sử dụng hơn. Việc chỉ thi tuyển mà không đấu giá cũng có thể giúp doanh nghiệp có nguồn lực hơn để đầu tư, triển khai mạng lưới trên diện rộng, đặc biệt là bối cảnh 3 doanh nghiệp thống lĩnh thị trường viễn thông di động đều là các doanh nghiệp nhà nước. 

Việc sớm đưa các công nghệ mới vào sử dụng cũng sẽ góp phần kích thích việc nghiên cứu, sản xuất thiết bị viễn thông công nghệ cao của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu quan tâm đến quy định tại khoản 4 Điều 45 của dự luật: “Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông”.

ĐB Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, tránh trường hợp ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh. 

Thu Hằng

Sửa Luật Tần số vô tuyến điện góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia

Sửa Luật Tần số vô tuyến điện góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia

Sáng 3/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Phải coi chuyển đổi số là phương tiện 'chuyên chở' chính sách vào thực tiễn

Phải coi chuyển đổi số là phương tiện 'chuyên chở' chính sách vào thực tiễn

Phải coi chuyển đổi số là phương tiện chuyên chở, phân bổ chính sách vào thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh có thể tiếp tục hạn chế giao dịch, tiếp xúc bình thường theo những phương thức truyền thống.

Chuyển đổi số phải 'toả' tới từng góc khuất

Chuyển đổi số phải 'toả' tới từng góc khuất

Chương trình nghị sự của AIPA- 42 đặt ra nhiều vấn đề về yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đối với các nước ASEAN, nhất là trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành.