1- Ông Đinh Văn Toản ở đội 11 xóm Xuân Tiên, xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, làm đơn phản ánh về việc xưởng sản xuất thực phẩm tươi sống của hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Quỳnh đã ảnh hưởng đến môi trường chung. Mùi hôi tanh, tiếng ồn, ruồi nồng nặc bao quanh khu dân cư hơn một năm nay. Bà con đã đề nghị lên UBND nhưng chưa giải quyết triệt để. Được biết đây là 1 trong 14 nghề không được hoạt động trong khu dân cư theo luật môi trường.

2- Ông Lê Việt Đức, trú tại 1010 tòa nhà N03T8, khu ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm Hà Nội, gửi thư phản ánh về việc khi ông gửi tiền tại Ngân hàng SCB chi nhánh Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có 2 nhân viên đã chủ động tiếp xúc và tư vấn không nên gửi tiết kiệm mà đầu tư bằng cách mua cổ phiếu của 200 doanh nghiệp lớn lãi sất 15-16% mỗi năm. Do được tư vấn ông đã tới chi nhánh SCB ở 391 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, thực hiện khám sức khoẻ và được giải thích rằng đây là thủ tục, sau đó ký hợp đồng bảo hiểm Manulife. Phía SCB giải thích đây là đơn vị liên kết đầu tư nhưng ông Đức tố cáo, cho rằng SCB lừa dối khách hàng.

3- Cư dân tại Cụm nhà chung cư Cityland Parkhills số 18 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, gửi đơn kiến nghị về việc Thanh tra sở xây dựng và Thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra đự án Chung cư Cityland nhưng vẫn chưa được các cơ quan trả lời về những nội dung: Nhiều hạng mục công trình có nhiều sai khác với Hồ sơ thiết kế được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Hợp đồng mua bán với cư dân và chủ đầu tư một số khoản như hồ bơi, chỗ để xe... theo quy định không được tính vào giá bán; Công trình xây dựng một thời gian ngắn đã xuống cấp mà không được bảo hành...

4- Ông Nguyễn Thế Nhân ở Lương Thế Vinh, P503 X10 Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội, gửi đơn tố cáo một số cán bộ Sở giao dịch Công ty chứng khoán KB Việt Nam về việc đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông. Ông đã mở tài khoản tại đây và gửi hơn 1,4 tỷ đồng để giao dịch mua bán chứng khoán. Tuy nhiên ông lại không được vào giao dịch trực tiếp mà thông qua nhân viên môi giới. Chính vì vậy, họ đã lừa đảo trong giao dịch. Phát hiện ra sự gian dối, ông đã đến gặp trực tiếp nhưng không giải quyết được.

5- Những người lao động, cổ đông tại Công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ, gửi đơn phản ánh những vấn đề vi phạm pháp luật của một số cán bộ thuộc EVEGennco 2. Cụ thể: Bán cổ phần tại Công ty thủy điện Sông Ba Hạ không qua đấu giá; Bổ nhiệm người thân; Cho thuê nhà không đúng quy định; Nút cống dẫn dòng thủy điện Sông bung 2; Bố trí bổ nhiệm cán bộ không hợp lý...

6- 11 hộ tại thôn Ao Đẫu, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, gửi đơn kêu cứu khẩn cấp về Quyết định phê duyệt quy hoạch, phê duyệt Dự án, Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Hữu Lũng về Khu đô thị mới Hữu Lũng do UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt. Các hộ dân cho rằng Dự án có nhiều sai phạm không đủ điều kiện để triển khai thực hiện. Dự án không lấy ý kiến nhân dân; chưa có văn bản chấp thuận của Chính phủ; Diện tích vượt quá quy định...

7- Bà Nguyễn Thị Lợi, khu phố Thiết Đinh Bắc, thị xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, gửi đơn kêu cứu về việc tranh chấp quyền sử dụng đất với nguyên đơn là bà Trần Thị Đào. Tòa án đã buộc bà trả lại đất cho chủ cũ từ năm 1951 phần lớn diện tích đất mà nhà nước đã cấp cho gia đình bà mà không có bằng chứng rõ ràng thuyết phục. Các quyền của gia đình bà bị xâm phạm. Chồng bà là bệnh binh được nhà nước cấp cho mảnh đất để sinh sống. Gia đình đã sinh sống và canh tác từ năm 1977 đến năm 2008 thì bà Đào con của chủ đất cũ khởi kiện đòi lại...

8- Bà Lưu Thị Lý, thôn An Hòa, xã Ia Đrang, huyện Chư Prông, tỉnh Giai Lai, gửi đơn cầu cứu về việc bà bị các đối tượng dùng típ sắt đánh gây xương tích nghiêm trọng. Tuy nhiên Cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Prông ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Do vì không khởi tố bà rất hoang mang sợ hãi vì các đối tượng xem thường pháp luật, có hành vị thách thức và có thể gây thương tích cho bà bất kể lúc nào.

Ban Bạn đọc