- Trong căn phòng nhỏ bên cạnh di tích An Lăng, Phường An Cựu, TP Huế, nơi thờ 3 vị Vua yêu nước: Dục Đức, Thành Thái  và Duy Tân, Mệ Nguyễn Phước Bảo Hiền (84 tuổi) -  hoàng tử thứ 13 của Vua Thành Thái hồi tưởng về cái Tết của triều Nguyễn.

Mệ Nguyễn Phước Bảo Hiền  là con ông Nguyễn Phước Vĩnh Vũ (em Vua Duy Tân)  lúc nhỏ sống với bà nội và 22 phi tần của vua Thành Thái tại An Lăng.

Mệ Bảo Hiền vẫn thường ghi chép, giới thiệu về các nghi lễ của triều đình nhà Nguyễn.

Mệ có 10 người con, hầu hết đều làm nghề may thêu những bộ trang phục của thời Vua chúa; theo Mệ đó là một công việc vừa đủ kiếm sống đồng thời đó là một công việc nhằm bảo tồn những nét văn hóa của dân tộc. Hơn 60 năm qua Mệ cặm cụi lưu trữ, ghi chép tất cả, bình thản chấp nhận số phận của một người bị lãng quên để bền bỉ chống lại sự quên lãng những số phận khác.

“Lúc nhỏ, tui đi theo hầu tráp điếu cho các Mệ Ưng Lê, Bạch Thạch… trong Bộ Lễ của triều đình nên thường xuyên được vào cung điện, cho nên tui được coi những bữa tiệc, lễ nghi của cung đình. Thời đó,  trên bàn ăn Vua chúa bao giờ cũng phải có đến 108 món đó là những món sơn hào hải vị được các địa phương cúng nạp cho nhà Vua, nhưng bây giờ thì chỉ có 9 món tượng trưng mà thôi”.

Nem công

“Tết Nguyên đán trong Hoàng cung nhà Nguyễn được tổ chức rất long trọng với nhiều nghi lễ. Từ mồng 1/12 (âm lịch), triều đình Huế đã tổ chức lễ Ban sóc (phát lịch) ở điện Thái Hòa, nhưng đến năm 1840, Vua Minh Mạng cho tổ chức ở Ngọ Môn…”.

Đón Tết trong cung đình nhà Nguyễn mang một dáng vẻ quý phái, xa hoa, tôn nghiêm và quyền lực, thể hiện nổi bật nhất, sang trọng nhất, nghi thức của Tết cổ truyền Việt Nam.

Tết trong hoàng cung Huế bao gồm: Tết của triều đình đối với thần dân trăm họ và nghi lễ Tết hoàng gia trong Tử Cấm Thành. Trong hoàng cung nhà Nguyễn có một điện thờ và bốn miếu thờ Điện Phụng Tiên (là nơi các bà Hoàng thờ các Vua); Triệu Miếu (thờ chúa Nguyễn); Hưng Miếu (thờ thân sinh Vua Gia Long) và thế Miếu (thờ các Vua Nguyễn).

Chả Phượng

Các Điện và Miếu này, lễ cúng diễn ra liên tục từ ngày 30 Tết đến ngày mồng 3 Tết. Đồ cúng cho Tết có hơn 30 món ăn các loại và nhiều loại bánh bọc ngũ sắc, các loại trái cây. Bữa tiệc hoàng cung có có nem công, chả phượng, vi cá, bào ngư, rồi tất cả các món ăn dân giã như gà tần, cá hấp, gà quay nguyên cả con, chả nướng, bồ câu hầm…

Tối 30 Tết, chỉ có bếp lửa ở Điện Càn Thành (chỗ ở của Vua) mới được đỏ, còn tất cả “tam cung lục viện” đều tắt bếp. Sáng sớm mồng 1 Tết, các Vương Phi theo thứ bậc ôm lồng ấp đến Điện Càn Thành để xin Vua ban lửa đầu năm mới.

Mệ Bảo Hiền dẫn nhiều đoàn khách nước ngoài đến thăm các di tich, đình đài, lăng miếu…

Chứng kiến biết bao thăng trầm, Mệ Bảo Hiền nghĩ, không ai trên đời này dù ở chức phận gì lại đáng bị lãng quên. Thương cảm cho những cung tần mỹ nữ trước kia sinh sống ở đây, có rất nhiều những người cả đời không được một lần nếm mùi ân ái vợ chồng, chết đi chẳng được ghi tên vào sổ thờ, linh hồn của họ liệu có được siêu thoát nổi hay không? Đau đáu thế, nên Mệ vẫn là người duy nhất còn nhớ rõ ngày kỵ của các bà Phi, bà Hậu, nhớ rồi để mấy ngày Tết  thắp cho các bà một nén nhang và không quên dâng lên bàn thờ mấy cành hoa duyên phận.

Lê Tập