Chính phủ số phải lấy người dân làm trung tâm và sự hài lòng của người dân chính là thước đo hiệu quả đối với các dịch vụ công. 

Theo Bộ TT&TT, với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, thời gian qua việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao đã được đẩy mạnh, góp phần duy trì quá trình cung cấp dịch vụ của các cơ quan nhà nước trong tình hình dịch bệnh Covid-19. 

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức 4. Một số cơ quan nhà nước đã có những giải pháp để tăng cường hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT, tiêu biểu như ưu tiên về thời gian giải quyết thủ tục hay lệ phí thực hiện. 

Thời gian qua, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh. (Ảnh minh họa)

Tuy vậy, cho đến nay, tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến trung bình của cả nước mới đạt 23,02%. Cùng với đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trung bình của cả nước cũng chỉ đạt 24,89%. Đây là 2 chỉ tiêu quan trọng phản ánh hiệu quả của việc cung cấp và sử dụng DVCTT.

Ngày 16/5, Bộ TT&TT đã tiếp tục có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét, chỉ đạo thực hiện ngay một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương được đề nghị tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức 4 với những thủ tục hành chính đủ điều kiện. 

Giao chỉ tiêu tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến tới từng cơ quan nhà nước của bộ, tỉnh năm 2022; hướng tới đạt được mục tiêu 80% DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến, 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến. 

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT như giảm thời gian xử lý hồ sơ; giảm lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, nghiên cứu, thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với một số loại hình dịch vụ công trực tuyến tương ứng với một số đối tượng người dân sử dụng phù hợp, khả thi trong tiếp cận, thực hiện dịch vụ. 

Kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, tỉnh và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương đã sẵn sàng để giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện DVCTT. Trước hết, kết nối, khai thác và sử dụng ngay các dịch vụ dữ liệu đã sẵn sàng cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương kết nối toàn diện, triệt để Cổng dịch vụ công/Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ TT&TT để đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng DVCTT của các cơ quan nhà nước; từ đó, cải tiến chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT.

Đáng chú ý, một trong những giải pháp các địa phương được đề nghị tập trung triển khai nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến là triển khai các Tổ công nghệ số cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ TT&TT để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số, trong đó có hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT.

Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội. Nhiệm vụ của thành viên các Tổ này là tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.

Theo thống kê, tính đến ngày 11/5, cả nước đã có 14 tỉnh, thành phố tổ chức các Tổ công nghệ số cộng đồng để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Các địa phương này đã thành lập 9.388 Tổ công nghệ số cộng đồng với 44.516 thành viên tham gia. Lạng Sơn và Hưng Yên là 2 địa phương đã hoàn thành việc triển khai các Tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% cấp xã.

Vân Anh