- Sau thành công khởi đầu, tuyến ống xăng dầu đã vượt Trường Sơn vào Nam, nối lên biên giới phía Bắc. Điểm cuối của tuyến đường ống huyền thoại đã áp sát Sài Gòn.
Nối tuyến vào Nam
Vượt "tam giác lửa", một bộ phận của công trường 18 tiếp tục dẫn ống vào Hương Khê (Hà Tĩnh) hướng tới Khe Ve (Quảng Bình).
Tuy nhiên, lúc này không lực Mỹ lại tăng cường đánh phá các cửa khẩu từ Quảng Bình sang Lào, đặc biệt là các trọng điểm cua chữ A, Ta Lê, Phu-la-nhic... Để đảm bảo xăng cho chiến dịch vận tải nước rút của Đoàn 559, Tổng cục Hậu cần yêu cầu thi công nhanh đoạn đường ống vượt đèo Mụ Giạ sang Na Tông (Khăm Muộn, Lào).
Ngày 3/3/1969, tuyến đường ống đầu tiên vượt Trường Sơn dài 350km đã nối thông từ Vinh - Cổng Trời - Na Tông tới kho Ka Vat (Lào). Sáu ngày sau, 4 tiểu đoàn đường ống lần đầu tiên đã vận hành thông suốt dòng xăng từ miền Bắc đến Ka Vat đảm bảo xăng dầu kịp thời cho 5.000 xe của Đoàn 559 tiếp tục đợt vận tải đột kích mùa khô 1968-1969.
Các nữ TNXP đang lắp đặt một đoạn của đường ống dẫn dầu Trường Sơn vào năm 1969. |
Tiếp đó, phương án làm đường ống xuyên từ phía đông sang tây Trường Sơn theo trục đường ngang thứ năm (đường 18) được tiến hành theo hướng từ Long Đại vào Cẩm Ly (Lệ Thủy, Quảng Bình) rồi vượt các đèo cao 400m, 700m, 900m đến bản Ra Mai gần sông Sê Băng Hiêng (Lào) đi tiếp vào bản Cò (Sa Va Na Khét, Lào) xuống Đường 9.
Tuy nhiên, ngày 6/9/1969, không lực Mỹ dùng B52 rải thảm cắt ngang tuyến ống trên suối Ra Vơ làm lửa bùng cháy cả hai bên suối, rồi đánh ngược theo tuyến ống 3km dọc suối vào kho Ra Mai. Kho bị cháy, phần lớn bể chứa và tuyến đường ống bị tàn phá nặng nề.
Chiến sĩ gái đơn vị xăng dầu trên đường Trường Sơn của tác giả Vương Khánh Hồng |
Không thể khắc phục đường cũ, bộ đội xăng dầu lại phải lập đường ống mới, đi từ đỉnh 900m vượt qua 1.001m để vào bản Cò. Sẽ gặp nhiều khó khăn khi thi công nhưng có rừng rậm, núi cao để gây bất ngờ cho địch. Thế nhưng thách thức lớn nhất là địa hình quá hiểm trở nên không thể đưa máy bơm nặng 2,8 tấn vào chân đỉnh 1.001m để bơm xăng vượt qua.
Trong lịch sử vận chuyển bằng đường ống của thế giới, chưa có nơi nào lắp đường ống dẫn dầu qua một độ cao như thế. Sau khi lắp đặt đường ống xong, đã thử bơm nhiều lần, xăng dầu không qua được. Cuối cùng, bộ đội xăng dầu nghĩ ra một giải pháp: đặt nhiều trạm bơm để bơm dần lên theo từng cấp. Bằng biện pháp đó, xăng dầu đã được bơm qua đèo cao ngàn mét.
Đây thực sự là một kỷ lục thế giới, nhưng tất nhiên nó chưa hề được ghi trong sách Guiness, vì nó là chuyện tuyệt mật.
Sau 10 tháng thi công, ngày 22/12/1969, lễ khánh thành tuyến đường ống xăng dầu từ kho K200 (km 21, đường 18) vào kho K5 (nam Bản Cò) được tiến hành.
Kho VK.8 điểm cuối của tuyến ống xăng dầu |
Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên nói: "Hôm nay, chúng ta đang chứng kiến một sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn lao - đưa vào vận hành đoạn đầu tuyến đường ống dẫn xăng dầu chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam".
Trong năm 1969, tuyến đường ống Tây Trường Sơn này tiếp tục vươn sâu vào phía Nam, tới Hạ Lào, tạt qua Tây Nguyên vào đến miền Đông Nam Bộ. Ngả đi theo hướng Đông Trường Sơn, cũng được thi công từ đầu năm 1969.
Đoạn đường ống cũng bắt đầu từ Quảng Bình, tại trạm xăng dầu Bến Quang, vượt qua đường 9 ở đoạn Cam Lộ, đi tắt một đoạn qua biên giới Lào rồi trở về Bù Lạch, Tây Nguyên vào tới Play Khốc, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum.
Tính đến năm 1972, hai đoạn đường ống Đông và Tây Trường Sơn đã có chiều dài tới 700 km, với khối lượng kho dự trữ xăng dầu là 12.800 m3.
Đến ngày 20/11/1974, hai tuyến đường ống Đông và Tây Trường Sơn đã hội tụ về ngã ba biên giới (Plây Khốc, Kontum) để tiếp tục kéo dài về Bù Gia Mập (2-1975). Từ đây xăng được chở về đổ vào cụm kho Lộc Ninh chuẩn bị cho các chiến dịch lớn.
Vươn ra phía bắc
Trong khi đẩy mạnh thi công đường ống vượt Trường Sơn, ra tiền tuyến, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện nhận định: "Nếu đối phương đánh trở lại miền Bắc, ta không thể dùng phương tiện vận tải theo đường bộ, đường sắt hay đường biển để đưa xăng dầu vào Bến Thủy, cảng Gianh để cung cấp cho đường ống được.
Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng tuyến đường ống Hà Nội - Vinh nối liền tuyến đường ống của tiền tuyến, tạo thế vận chuyển liên hoàn". Ý kiến này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ủng hộ và Phó Thủ tướng Đỗ Mười thay mặt Chính phủ nhất trí để Cục Xăng dầu thi công đường ống hàn dài 338km.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu |
Sau 13 tháng, đến ngày 13/12/1971, mối hàn cuối cùng của tuyến đường ống Hà Nội - Vinh hoàn tất.
Tháng 4/1972, Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá trở lại miền Bắc. Các cảng biển, cửa sông bị thủy lôi phong tỏa nhằm bịt chặt vận chuyển đường biển quốc tế vào miền Bắc. Việc tiếp nhận xăng dầu của Liên Xô từ đường biển hoàn toàn bế tắc, nguy cơ thiếu xăng dầu cho chiến trường miền Nam hiện rõ.
Theo đề xuất của Cục Xăng dầu, phương thức tiếp nhận xăng dầu bằng đường biển sẽ chuyển sang đường bộ qua biên giới Việt - Trung.
Trong vòng 15 ngày (đến 16/6/1972), các lực lượng với sự hỗ trợ của máy bay trực thăng chở ống đã hoàn thành đường ống từ biên giới về Đồng Đăng (Lạng Sơn) cùng hai kho đã hoàn thành tiếp nhận xăng từ Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) bơm dẫn về Hà Nội. Để mở rộng cho việc nhận xăng từ Trung Quốc, tuyến đường ống từ Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) qua Hải Dương nối về Hà Nội cũng hoàn thành.
Cuối năm 1972, tuyến đường ống xăng dầu chiến lược đã thành một hệ thống từ biên giới Việt - Trung vào đến Cam Lộ (Quảng Trị) và sang nam đường 9 (tây Trường Sơn) có tổng chiều dài 3.278km với hơn 81.000 tấn nhiên liệu dự trữ.
Ông Mai Trọng Phước |
Hệ thống đường ống xăng dầu đã tạo nên hệ mạch máu nhiên liệu hoàn chỉnh cho các chiến trường. Trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, lượng xăng dầu dự trữ đã đạt con số hơn 50 triệu lít. Chỉ riêng Miền Đông Nam Bộ đã có có 5 trạm tiếp nhận.
Xăng dầu được bơm từ Bến Thủy (Vinh) vào tuyến đường ống, băng qua chiều dài 1.400km đến Bù Gia Mập, từ đây các phương tiện cơ giới chở xăng dầu về chứa tại Lộc Ninh, chỉ cách "thủ phủ" của chính quyền Ngụy quyền hơn 100km.
Tại đây có hai tổng kho xăng dầu VK98 có 7 bồn chứa và VK99 có 10 bồn chứa, với tổng dung tích trên 2 triệu lít. Đây là nguồn xăng dầu chính phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đại tá Lục Văn Châu - nguyên trưởng phòng xăng dầu Đoàn 559 - đánh giá: "Thực tế từ khi có đường ống xăng dầu, các chiến dịch của ta luôn giành được thắng lợi, nhưng trong chiến dịch Hồ Chí Minh chúng tôi mới thấm thía hơn chủ trương xăng dầu phải đi trước một bước để đảm bảo cho thắng lợi là thế nào".
Thanh Lê