Internet đang bước vào kỷ nguyên thông minh

Phát biểu tại sự kiện VNNIC Internet Conference 2023 với chủ đề “Quản trị Internet trong kỷ nguyên thông minh” do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ TT&TT, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức từ ngày 28-30/6/2023 tại TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC cho biết, Internet đang ngày càng lớn hơn, nhanh hơn, an toàn hơn và hiện nay chúng ta đang trong chặng đường bước vào kỷ nguyên Internet thông minh.

Trước đây, Internet giúp kết nối con người lại với nhau và phục vụ các nhu cầu về công việc, đời sống của con người. Giờ đây, Internet sẽ chuyển sang môi trường lớn hơn khi kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), kết nối các thiết bị với nhau là các thiết bị thông minh, hình thành nên hệ thống mạng rất lớn, với hàng chục nghìn tỷ kết nối.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Huế

Phát biểu trực tuyến tại sự kiện, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng, trong thời đại hiện nay, Internet đang trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày, là một công cụ mạnh mẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Đồng thời, các công nghệ mới như IPv6, IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain… đã đưa người dùng bước vào kỷ nguyên thông minh, khi nhiều hoạt động đã và đang được triển khai trên môi trường Internet.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu trực tuyến tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Huế

Đồng quan điểm, các đại diện của VNPT, Viettel, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) hay các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như Amazon Web Services hay ICANN cũng cho rằng, với các công nghệ mới, đặc biệt là AI, IoT hay Blockchain đã làm cho Internet chuyển sang một thời kỳ mới, bước vào kỷ nguyên thông minh. Nó đem lại tương lai rạng rỡ cho cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức… từ sự ưu việt của mình.

Cần đảm bảo yếu tố hạ tầng và an toàn dữ liệu

Internet bước vào kỷ nguyên thông minh, nhưng đi kèm với nó là những thách thức đòi hỏi cần có sự chung tay giải quyết của cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức… đặc biệt trong việc phát triển hạ tầng và đảm bảo an toàn dữ liệu.

Ông Hoàng Long, Trưởng ban công nghệ Viettel phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC, để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên thông minh, Việt Nam cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề và từng bước một. Điển hình như ở mức độ hạ tầng, phải làm sao mở rộng mạng Internet cho vạn vật kết nối, mà trong tương lai có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ.

Hiện Internet tại Việt Nam đang chuyển sang địa chỉ IPv6 để giải quyết vấn đề này. Tỉ lệ chuyển đổi sang IPv6 trong nước hiện nay chiếm 54% và đến năm 2025 sẽ chuyển đổi 100%. Sau khi chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 thì cần có phương tiện kết nối, như 5G, cáp quang, cáp quang biển… và hệ thống DNS phải nhanh hơn. Với hàng chục nghìn tỷ kết nối, đòi hỏi việc định tuyến phải trở nên an toàn và thay đổi sao cho phù hợp.

Ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết, các vấn đề trên là giải quyết về Offnet, còn Onnet là dữ liệu được sinh ra trên không gian mạng cũng phải đảm bảo an toàn, tính bảo mật và riêng tư, tuân thủ pháp lý khi việc chuyển đổi quy mô đang từ nhỏ lên rộng hơn. Để làm được điều đó, cần tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng hơn để kêu gọi mọi người cùng đóng góp công sức, nhằm đảm bảo Internet tại Việt Nam an toàn trong kỷ nguyên thông minh.

Ông Dean Samuels Giám đốc công nghệ Amazon Web Services khu vực Đông Nam Á phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Huế

Chủ tịch VIA, ông Vũ Thế Bình cũng cho rằng, Internet có thông minh đến đâu thì Việt Nam không thể bỏ quên được hạ tầng kết nối như địa chỉ IP, DNS, các vấn đề liên quan khác như điện, sóng, trung tâm dữ liệu hay các thiết bị kết nối không dây và có dây hay các dịch vụ lõi… Bởi hiện nay, chúng ta đều trải nghiệm Internet những cái mình cho là thông minh, nhất đều liên quan đến nền tảng toàn cầu, họ đã đi trước Việt Nam rất nhiều. Việc hưởng thụ các công nghệ mới từ các "ông lớn" Internet toàn cầu và đưa vào phục vụ cho kinh doanh là rất tốt, tuy nhiên không được quên yếu tố hạ tầng căn bản.

Liên quan đến hạ tầng, ông Trần Quốc Hưng, Phó trưởng ban công nghệ của VNPT cũng chia sẻ, hiện Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi bước vào kỷ nguyên Internet thông minh. Chẳng hạn, vừa qua có sự cố hy hữu là tất cả các tuyến cáp quang biển đều bị sự cố, ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Bên cạnh đó, khi chuyển sang công nghệ mới IPv6 thì nhiều thiết bị đầu cuối của người dùng đã lạc hậu không hỗ trợ…

Ông Jiang – Rong Low, Giám đốc quản lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ICANN phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Huế

Để giải quyết các vấn đề trên, ông Trần Quốc Hưng cho biết, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường thêm các tuyến cáp quang biển mới và sắp tới sẽ có 2 tuyến do VNPT và Viettel xây dựng sẽ được đưa vào vận hành. Ngoài ra, đến năm 2026, các nhà mạng sẽ tiếp tục đầu tư thêm một số tuyến cáp quang biển mới để kết nối mạng trong nước luôn ở điều kiện tốt nhất, cũng như đảm bảo lưu lượng đi quốc tế.

Với các thiết bị đầu cuối lạc hậu, hiện cũng đang từng bước được thay thế. Theo đại viện VNPT, sắp tới đây, khi tiến hành cắt sóng 2G, tỷ lệ sử dụng IPv6 sẽ được cải thiện nhiều hơn nữa và Việt Nam sẽ duy trì vị trí cao trên thế giới về kết nối IPv6.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn dữ liệu, ông Hoàng Long, Trưởng ban công nghệ Viettel cho biết, kỷ nguyên thông minh đem đến tương lai rạng rỡ cho cá nhân, doanh nghiệp, nhưng đầy nguy cơ và thách thức khi chúng ta đi nhanh hơn. Nó giống như đang đi bộ giờ chuyển sang cao tốc.

Toạ đàm tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Huế

Ông Hoàng Long cho rằng, một số ý kiến dữ liệu là hạ tầng, là vàng… nhưng thực tế dữ liệu chỉ có giá trị khi nó là đúng và hiện không nhiều người dám khẳng định dữ liệu thế nào là đúng, là tốt. Chính vì thế, tại Viettel dữ liệu được sử dụng hàng ngày phải luôn tuân thủ các quy chuẩn an toàn từ doanh nghiệp đến nhân viên. Để đảm bảo an toàn dữ liệu, theo đại diện Viettel, có hai mục tiêu sống còn, đó là đảm bảo tính chính xác và tính tuân thủ.

Ở vai trò là các tổ chức quốc tế, ông Jiang – Rong Low, Giám đốc quản lý khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ICANN và ông Dean Samuels, Giám đốc công nghệ Amazon Web Services khu vực Đông Nam Á cũng chia sẻ, bước vào kỷ nguyên thông minh, Việt Nam cần tiếp cận từng giai đoạn và làm từng bước chứ không nên làm ngay hết cả một lúc. Chẳng hạn như chuyển đổi địa chỉ IPv4 sang IPv6 cần một khoảng thời gian cùng tồn tại song song cả hai, sau đó mới chuyển toàn bộ. Trong tương lai, cần chú trọng kết nối đến các vùng nông thôn bằng cách triển khai Internet vệ tinh bằng các vệ tinh chùm quỹ đạo thấp.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, phát triển kỹ năng và đào tạo nguồn nhân lực cho Internet cũng là một vấn đề quan trọng và không nên bị phân tán bởi những thứ hấp dẫn như chạy theo ChatGPT, mà cần xác định rõ mình muốn làm gì và khả năng làm được tới đâu.