Một quan chức cấp cao Mỹ ngày 8/1 nói rằng, giải quyết số phận của những tù nhân diện này là ưu tiên hàng đầu của Washington khi bàn bạc với các đồng minh để thực hiện mệnh lệnh ngày 19/12 của ông Trump rút hết 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria. Số lính này đã và đang phối hợp với các lực lượng phòng vệ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kể từ năm 2015.
Chiến binh người Kurd thuộc đơn vị chống khủng bố áp giải một nghi phạm IS người Indonesia tại một trung tâm an ninh ở Kobani, Syria. (Ảnh: AP) |
Tuy nhiên, câu trả lời không hề dễ dàng. Theo quan chức trên, việc thả những tù binh này, trong đó có nhiều người châu Âu và một số công dân Mỹ, sẽ là điều "không thể chấp nhận được" vì họ có thể tái hợp với đồng bọn IS ở Syria hoặc nơi khác.
"Điều này thực sự là vấn đề, bởi vì SDF đang giữ hàng trăm chiến binh IS, trong đó có nhiều công dân châu Âu, và họ có thể đi tự do nếu không có giải pháp nào", hãng tin AP dẫn lời Bobby Chesney, một chuyên gia về luật an ninh quốc gia tại Đại học Texas.
Các quốc gia châu Âu rất miễn cưỡng nhận lại công dân dính đến IS, không muốn những thách thức pháp lý của việc khởi tố họ hoặc nguy cơ an ninh tiềm tàng nếu họ được thả. Còn chuyển số tù binh IS này đến Mỹ thì lại đặt ra những thách thức tương tự mà Washington phải đối mặt với những người đang bị giam tại nhà tù quân sự Vịnh Guantanamo.
"Một vấn đề với chính phủ là phải rất chắc chắn một cá nhân đã tham gia hoặc cố tham gia IS. Và đôi khi còn có nhiều vấn đề khác với chính phủ khi phải truy tố hình sự cá nhân đó", Joshua Geltzer, một quan chức cấp cao về chống khủng bố dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói thêm.
Trong khi đó, chính vấn đề tù nhân cũng đang trở nên rất tồi tệ. Mới đây, SDF thông báo bắt giữ 5 chiến binh IS gồm 2 công dân Mỹ, với một trong số này được xác định từng là giáo viên ở Houston.
Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa bắt đầu chuyến công du 8 nước Trung Đông để bàn về việc rút lính Mỹ khỏi Syria. Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cũng vừa quay trở về từ một cuộc gặp ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông tìm cách đảm bảo an toàn cho dân quân người Kurd đã chiến đấu cùng Mỹ chống lại IS. Nếu không có người Mỹ bảo vệ, lực lượng người Kurd này sẽ không thể giữ nổi hàng trăm tù nhân.
Hiện đang có lo ngại rằng quân Mỹ rút đi sẽ để mở cửa cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các chiến binh SDF. Ankara coi họ là một nhóm khủng bố có liên hệ với một phong trào li khai bên trong biên giới Thổ. Các chỉ huy SDF cảnh báo họ không thể giữ nổi 700 tù nhân nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria sau khi Mỹ rút đi.
Theo một quan chức Mỹ khác, đến nay chính quyền Donald Trump vẫn chưa hề có kế hoạch phải làm gì với số tù nhân này và rất ít nước đồng ý nhận lại công dân tham gia IS của mình.
Cả hai nguồn tin trao đổi với AP đều giữ kín danh tính vì họ không được phép tiết lộ vấn đề công khai.
Và tình hình càng thêm phức tạp khi có những thông tin trái chiều về lịch trình rút quân của Tổng thống Trump. Khi ra thông báo bất ngờ cách đây 3 tuần, ông Trump nói muốn rút quân nhanh chóng. Động thái này được cho là đã góp phần khiến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và đặc phái viên tổng thống phụ trách liên quân toàn cầu diệt IS Brett McGurk từ chức. Nhưng một số quan chức chính quyền Trump lại tuyên bố Mỹ chưa thể rút quân ngay lập tức vì còn phải tiêu diệt tết tàn dư IS để ngăn chặn tổ chức này hồi sinh.
Giữa bối cảnh đó, số tù binh IS bị liên quân do Mỹ đứng đầu bắt giữ ở Syria tiếp tục tăng cao.
Thanh Hảo