GBA là vùng vịnh lớn và có tốc độ tăng trưởng cao, nối liền giữa Hồng Kông (Trung Quốc), Macao và chín thành phố của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) gồm: Quảng Châu, Thâm Quyến, Châu Hải, Phật Sơn, Trung Sơn, Đông Quản, Huệ Châu, Giang Môn và Triệu Khánh.

Theo đó, nhà chức trách tại đây đang hướng đến xây dựng một “đặc khu dữ liệu”, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong chuỗi công nghiệp, cũng như chia sẻ và chuyển giao dữ liệu trong khu vực với trung tâm công nghệ Thâm Quyến.

Đây cũng được coi là cơ sở để đẩy nhanh thành lập “Vịnh Kỹ thuật số”.

Các kế hoạch này sẽ tận dụng lợi thế của Hồng Kông và Ma Cao trong việc thiết lập quy tắc và cơ chế truyền dữ liệu cũng như tạo cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ lưu trữ, chia sẻ và giao dịch dữ liệu.

7583c06219788edb8d0d213fbd7b78f672162d3eavif.jpg
Tính đến năm 2022, Trung Quốc được cho là đang đứng đầu thế giới ở một số hạng mục AI, gồm bằng sáng chế, ấn phẩm và trích dẫn nghiên cứu khoa học. 

Quảng Đông đang đặt mục tiêu trở thành khu vực đứng đầu Trung Quốc về sức mạnh điện toán AI vào năm 2025, với việc đổi mới toàn diện về AI nói chung và kịch bản mở rộng cho ứng dụng AI cao cấp.

Theo tham vọng này, ngành công nghiệp AI tại đây ước đoán đạt 300 tỷ NDT (41,3 tỷ USD) vào năm 2025, với hơn 2.000 doanh nghiệp.

Động thái của Quảng Đông diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh thời gian vừa qua thúc đẩy chính sách tăng cường phát triển AI nội địa.

ChatGPT, sản phẩm AI đình đám trên toàn thế giới, hiện không khả dụng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Vào tháng 6, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) và chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) đã ký thoả thuận chuyển dữ liệu xuyên biên giới.

Đến tháng 10, Hồng Kông cho biết sẽ thực hiện chương trình thí điểm truyền dữ liệu, tập trung vào dữ liệu thường được sử dụng như hồ sơ sức khoẻ cá nhân, ngân hàng và thông tin khách hàng.

“Cao nguyên” AI

Vào tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy phát triển AI để hiện đại hoá các ngành công nghiệp, trong đó nêu ra kế hoạch xây dựng hàng loạt “cao nguyên” AI trên khắp cả nước và xây dựng nền tảng công nghệ lõi.

Một trọng tâm của kế hoạch là xây dựng bộ dữ liệu bằng tiếng Trung Quốc chất lượng cao, sử dụng để đào tạo thuật toán AI, đồng thời xây dựng cơ chế trao đổi, truyền dữ liệu thông suốt giữa các khu vực và ngành công nghiệp khác nhau.

Kèm với đó, là xây dựng tường lửa, tăng cường bảo mật dữ liệu với hệ thống bảo vệ và phân loại dữ liệu chuyên biệt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Vương Chí Cương thừa nhận, phát triển AI có thể là con dao hai lưỡi khi vừa nâng cao hiệu quả các ngành công nghiệp, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.

Song, đây là lĩnh vực Bắc Kinh quyết tâm thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng hai bên tiếp tục leo thang.

Tại hội nghị ở Thiên Tân hồi tháng 5, ông Vương Chí Cương cho biết, tổng chi tiêu dành cho R&D của Trung Quốc đạt khoảng 3,09 nghìn tỷ NDT (441 tỷ USD) vào năm ngoái, chiếm 2,55% tổng sản phẩm quốc nội, và xếp thứ hai thế giới.

(Theo SCMP)