Tại hội nghị sơ kết sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác PCCC và CNCH trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023, một trong những vấn đề được nêu ra đó là việc khuyến khích lắp thiết bị báo cháy tự động và mở lối thoát khẩn cấp.

Báo cáo của hội nghị cho thấy, tính đến tháng 8/2023, TP Hà Nội có hơn 100.000 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh đã mở “lối thoát nạn thứ 2”.

to lien gia 2.jpeg
Lực lượng PCCC hướng dẫn sử dụng bình cứu hỏa đúng cách cho người dân. Ảnh: Dũng Hoa

Đối với các hộ gia đình mà nhà ở chưa có lối ra ban công, lô gia, lối lên mái hoặc có nhưng bị chắn, bịt bởi "chuồng cọp", "lồng sắt" kiên cố, đã vận động và có gần trường hợp 1,5 triệu đã mở "lối thoát nạn thứ 2".

Trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 620 nghìn hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay với tổng số gần 1 triệu bình chữa cháy…

30 đơn vị quận, huyện, thị xã đã thành lập hơn 5.000 Đội dân phòng tại thôn, tổ dân phố; 100% đội viên dân phòng đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định.

Tính đến đầu tháng 8/2023, trên địa bàn TP Hà Nội đã thành lập, duy trì hoạt động 7.223 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; xây dựng, lắp đặt 18.201 điểm chữa cháy công cộng. Công an các quận, huyện, thị xã đã tổ chức thực tập 1.044 phương án chữa cháy tại các Tổ liên gia trên địa bàn 579 phường, xã, thị trấn.

Trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch chuyên đề chuyên sâu về công tác PCCC và CNCH. Qua đó, tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô đã được kiểm soát, kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ 2022.

to lien gia 1.jpeg
Lực lượng chức năng phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho người dân.

Hơn 70% vụ việc đã được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh. Đặc biệt, kể từ khi triển khai xây dựng mô hình Tổ liên gia và Điểm chữa cháy công cộng, riêng trong 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7), đã có hơn 40 vụ việc được người dân sử dụng phương tiện tại điểm chữa cháy công cộng, Tổ liên gia dập tắt đám cháy…

Về kế hoạch xử lý các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động, tính đến tháng 8/2023, Công an TP đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra an toàn về PCCC đối với 7.467 lượt cơ sở; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 821 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 43 tỷ đồng; đề xuất, ban hành quyết định đình chỉ hoạt động 848 trường hợp. Từ khi triển khai kế hoạch đến nay, đã kéo giảm 581 công trình (chiếm 20,3% tổng số công trình).

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị Công an đề xuất các quận, huyện, thị xã tuyên truyền để người dân mở các lối thoát nạn khẩn cấp, trong đó các phòng ngủ đều có thể mở lối thoát khẩn cấp…

Đồng thời, tuyên truyền, vận động lâu dài trong thực hiện các quy định về PCCC; khuyến khích lắp báo cháy tự động với công trình nhà ở riêng lẻ và các hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm công tác phòng ngừa PCCC.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp thực hiện chỉ đạo tăng cường "4 tại chỗ” trong PCCC, từ đó, rà soát các Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng, tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, quy trình, bố trí trang thiết bị đầy đủ. 

Sở Tài chính chủ trì phối hợp các, sở liên quan và các địa phương thống kê lại tổng kinh phí trang bị cho cơ sở để có phân bổ hỗ trợ cho các địa bàn còn khó khăn.

Ông Lê Hồng Sơn đề nghị khắc phục tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Công an, cho chính quyền, lơ là trong công tác phòng cháy, chữa cháy bởi đây là nguyên nhân chủ quan của tồn tại, hạn chế.

Hà Nội nhân rộng mô hình 'Tổ liên gia an toàn PCCC'

Hà Nội nhân rộng mô hình 'Tổ liên gia an toàn PCCC'

Những tháng qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình ‘Tổ liên gia an toàn PCCC’ tại khu dân cư. Mô hình thiết thực và nhiều ý nghĩa này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân Thủ đô.