Thế mạnh về lương thấp không phải là điều đáng tự hào

Nhìn cảnh những sinh viên tốt nghiệp đại học rồi đi làm Grab, chúng ta dần nhận ra có sự chênh lệch quá lớn giữa số lượng cử nhân, đại học với người công nhân, kỹ thuật viên tay nghề cao.

{keywords}
Cần lực lượng lao động chất lượng cao

Nếu không có sự cách mạng trong việc đào tạo lực lượng công nhân hiện tại, chúng ta sẽ mãi chấp nhận đồng lương thấp cho công nhân. Thế mạnh về lương thấp không phải là điều đáng tự hào của chúng ta cho quá trình chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Công nhân cần được đào tạo để thành người kỹ thuật viên trình độ cao hơn, người kỹ thuật viên cần được học về sử dụng phần mềm, ứng dụng IT để có thể giám sát vận hành và hệ thống máy móc hiện đại. Kỹ sư cần học kiến thức ngành nghề chuyên sâu, và một số học thêm các kỹ năng mềm, kỹ năng quản trị để dần trở thành người lãnh đạo trong công ty, tập đoàn.

Tiếng Anh cần được dần dần sử dụng trong môi trường công việc thì Việt Nam mới sớm trở thành nơi cung cấp dịch vụ bao gồm dịch vụ sản xuất, cảng trung chuyển cho thế giới.

Một mảng khác vô cùng quan trọng không kém là đào tạo tay nghề, kỹ nghệ và kỹ thuật cho những người nông dân thế hệ mới. Hỗ trợ người nông dân tiếp cận giới khoa học, tạo môi trường liên kết giữa người nông dân và các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp. Các trường đào tạo không chỉ đạo tạo học sinh, sinh viên mà đào tạo, cập nhật kiến thức tới người dân thông qua các chương trình được thiết kế cho người dân với sự ứng dụng thực tiễn chính là điều cần kíp ngay lúc này ở Việt Nam.

Những người làm về giáo dục cần đảm nhận và dấn thân mở rộng đối tượng đào tạo nhắm tới lớp người lao động, có thế mới nâng cấp được lực lượng lao động và nền kinh tế hiện tại và những thế hệ trẻ cũng học được nhiều thực tế hơn là lý thuyết mà không biết thực tập ứng dụng ở đâu, thiếu các cơ hội vận dụng thực tế.

{keywords}
"Cánh đồng mạng" sẽ tạo ra thêm nhiều giá trị cho nền kinh tế

Mở ra những 'cánh đồng IT'

Cần nhấn mạnh rằng, sản xuất, xuất khẩu không chỉ nói về các sản phẩm vật chất cụ thể. Một trong những yếu tố “công nghiệp” mà Việt Nam đang và sẽ cần nắm bắt mạnh mẽ hơn nữa, đó chính là nền công nghiệp Công nghệ thông tin. Đây chính là một ‘vụ mùa’ khác mà Việt Nam nên xác lập như là chiến lược dài hơi: Sản xuất, xuất khẩu về công nghệ thông tin hay người ta dùng từ outsourcing về IT mà Việt Nam hiện đang dần trở thành một mắt xích trên thế giới.

Làm giàu từ bất động sản không có gì xấu. Nhưng giàu lên nhờ vào dịch vụ, sản xuất, cung ứng thị trường nội địa và xuất khẩu thì khi đó đất nước mới trở lên đáng giá, tiền từ nước khác mới đổ về nước này được, và nước này mới trở thành một thành phần quan trọng trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Đây chính là những vụ mùa cho lớp người trẻ đi làm thuê tại chỗ trên các ‘cánh đồng mạng’ của một thế giới phẳng cho các nước khác, là cơ hội để họ được rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ để rồi một ngày sẽ trở thành start up, người chủ và bán phần mềm ra thế giới,... Tôi tin trí tuệ người trẻ Việt dư sức tạo ra những mã lệnh ‘siêu pro’.

Thế nên, ngoài các cánh đồng vật chất, những ông chủ lớn ở Việt Nam hãy mở ra những cánh đồng IT này, tuyển những “người nông dân trẻ Việt mới” vào để tôi luyện. Bởi lúc nào đó, trí tuệ Việt sẽ được nở rộ sánh cùng các trí tuệ khác khi có thể âm thầm cùng nhau tạo ra một nền tảng của riêng mình.

Ai có được nền tảng database trên mạng, người đó sẽ thắng, quốc gia đó sẽ trở nên đáng giá. Hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ chính là lúc chúng ta tận dụng lớp người trẻ đã được đào tạo qua trường lớp về IT để hợp lại cùng nhau vẽ lên bức tranh đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng về IT trên bản đồ thế giới.

Tất nhiên, không chỉ là sản xuất ở các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản, du lịch, dược liệu, IT, hay các dịch vụ như du lịch, y tế, hiện nay Việt Nam nếu có thể đón bắt làn sóng chuyển dịch năng lượng mới trên toàn cầu, chúng ta có thể có thêm những ngành sản xuất mới, nền công nghiệp mới mang lại giá trị và đáp ứng an ninh năng lượng, nhiên liệu, năng lượng tái tạo, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc tạo tiền đề xây dựng và hình thành một ngành công nghiệp mới đó là điện gió ngoài khơi, sản xuất hydrogen xanh đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Một ngành công nghiệp khai thác được vị trí địa lý chiến lược là trung tâm của khu vực Châu Á Thái Bình Dương với thềm lục địa rộng 1 triệu km2 (Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông). Một nền kinh tế hướng biển với hơn 3000km bờ biển và tiến ra thềm lục địa, với sự cung ứng năng lượng dồi dào từ điện gió ngoài khơi cùng hệ thống cảng biển nước sâu quốc tế, chắc chắn sẽ là bệ phóng cho nền kinh tế trong nước Việt Nam được ngày càng tiến ra với thế giới.

Đó chính là cơ hội hiếm hoi mà Việt Nam không phải là nước xuất phát điểm muộn so với các quốc gia xung quanh, nếu chúng ta bắt đầu chuẩn bị và tạo đà ngay từ bây giờ.

Câu hỏi quan trọng đặt ra là làm cách nào để Việt Nam ngày càng nâng dần được hàm lượng giá trị gia tăng nội địa, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp này trong sự chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ? Điều này đòi hỏi một chính sách có tầm nhìn, Nhà nước cần tiếp tục tạo điều kiện cho các công ty trong nước, thu hút sự tham gia của nhiều ngành nghề khác có thể tham gia, coi đây là một ngành công nghiệp mới sẽ mang lại luồng sinh khí cho nền kinh tế. An ninh năng lượng đi trước một bước, khai thác thế mạnh của mình để làm tiền đề cho sự phát triển của nền kinh tế với phương châm phát triển có chọn lọc các ngành nghề là bài toán đặt ra cho tất cả chúng ta.

Hơn hết, chúng ta đang ở giai đoạn dân số hãy còn trẻ, nếu để giai đoạn này vụt qua trong khoảng 20, 30 năm tới, chúng ta sẽ mất đi giai đoạn vàng và trở thành nước có dân số bắt đầu già hóa thì sẽ là muộn màng và nuối tiếc. Hãy tạo ra những cánh đồng kết hợp với trí tuệ của người Việt để đưa nền sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trở thành một căn cứ địa quan trọng trong chuỗi an ninh lương thực, chuỗi hệ thống mạng của thế giới.

Các tập đoàn, doanh nghiệp ở Việt Nam hãy cùng nhau xây dựng nền tảng cho đất nước trong 10, 20 năm tới, xây dựng thương hiệu Việt trên chính mảnh đất Việt bằng sức mạnh, trí tuệ của dân tộc Việt trên chính mảnh đất hình chữ S, trên biển và là trung tâm của một thế giới phẳng không gian mạng.

Đỗ Thị Việt Hà

Chia sẻ, lan tỏa các câu chuyện chuyển đổi số của Việt Nam

Chia sẻ, lan tỏa các câu chuyện chuyển đổi số của Việt Nam

Cổng thông tin T63 - Câu chuyện số của 63 tỉnh, thành phố vừa được Bộ TT&TT cho ra mắt tại địa chỉ T63.mic.gov.vn. Đây là nơi để các địa phương chia sẻ các bài học kinh nghiệm, lan tỏa những cách làm hay trong quá trình chuyển đổi số.