Ngoài những hoạt động chính diễn ra tại thành phố Lai Châu như Lễ khai mạc với chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ” và Carnaval diễn diễu đường phố, các không gian trưng bày, chuỗi các sự kiện tại huyện Tam Đường, huyện Phong Thổ, huyện Than Uyên đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo du khách và nhân dân. 

Trong Lễ bế mạc chiều ngày 17/4, ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 nhấn mạnh: Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2022 đã thành công, hoàn thành và đạt được các mục tiêu mà Ban Tổ chức hướng tới.

Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2022 được tổ chức trong điều kiện cả nước thực hiện chủ trương của Chính phủ về mở cửa du lịch toàn diện, phục hồi và phát triển kinh tế sau hai năm đầy khó khăn bởi tác động của dịch bệnh Covid-19. 

Ông Tống Thanh Hải khẳng định, sự kiện đã góp phần quảng bá mạnh mẽ tiềm năng du lịch của Lai Châu đến với bạn bè trong nước và quốc tế.  Qua đó, từng bước khẳng định uy tín, hình ảnh và thương hiệu của du lịch Lai Châu trên bản đồ du lịch Việt Nam. 

Cũng trong Lễ bế mạc, 41 tập thể, 48 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu vì có thành tích trong triển khai tổ chức thực hiện các hoạt động trong Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2022.

Đêm khai mạc Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu 2022 với nhiều tiết mục dàn dựng công phu, hoành tráng. 

Trong các sự kiện lần này, khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, du khách... Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm mắc-ca, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của địa phương. Đồng thời, tìm kiếm đầu tư, liên kết mở rộng thị trường, đưa thương hiệu các mặt hàng nông sản đặc trưng vươn xa hơn.

Tại 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP tiêu biểu của từng địa phương như: miến dong, gạo, cá sấy, thịt trâu gác bếp, rượu, mật ong, sâm Lai Châu, trà cổ thụ, đông trùng hạ thảo… Riêng đối với gian hàng giới thiệu sản phẩm mắc-ca, trưng bày 6 sản phẩm, gồm: cây giống, hạt mắc-ca sấy, dầu ăn, dầu gội đầu, kẹo, socola chế biến từ hạt mắc-ca của doanh nghiệp tỉnh Lai Châu và Tây Nguyên.

Việc tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mắc-ca, sản phẩm OCOP và một số sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh tại Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu thể hiện sự quan tâm của tỉnh, các cơ quan chuyên môn trong hoạt động kích cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trước tình hình dịch Covid-19 tác động đến các lĩnh vực, nhất là ngành nông nghiệp của Lai Châu.

Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thăm gian hàng OCOP và không gian văn hóa.

Khi tham quan gian hàng OCOP, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng bày tỏ mong muốn đơn vị, doanh nghiệp các tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh Lai Châu trong liên kết phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nhằm đưa các sản phẩm nông nghiệp, du lịch vươn xa hơn nữa trên thị trường.

Sự kiện Tuần Du lịch - Văn hóa góp phần quảng bá mạnh mẽ tiềm năng du lịch của Lai Châu đến bạn bè trong nước và quốc tế. 

Anh Đặng Thành Đông (Hà Nam), du khách đến Lai Châu cho biết: “Tôi rất vui và thấy may mắn vì trong chuyến du lịch lần này được tham gia một sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc, bổ ích. Chương trình nghệ thuật công phu, hoành tráng, thực sự mãn nhãn”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Liên (Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi bị hấp dẫn bởi các hoạt động thi dù lượn, trải nghiệm ở cầu kính Rồng Mây nên dành trọn thời gian chuyến đi này ở Tam Đường. Lai Châu rất hấp dẫn bởi món ăn ngon, cảnh đẹp, nhiều nơi để tham quan. Tôi tiếc là chuyến đi chỉ có 4 ngày nên chưa thăm được nhiều nơi. Nhất định tôi sẽ quay lại đây nhiều lần nữa để tiếp tục hành trình khám phá những đỉnh núi kì vỹ”.

Chị Cao Vĩnh Thịnh (Hà Nội) là người tham gia Giải Dù lượn đường trường mở rộng Pu Ta Leng 2022. “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia bay dù lượn tại Lai Châu nên vô cùng háo hức. Khung cảnh nơi đây rất đẹp, đồi núi trập trùng, sương mờ huyền ảo khiến bất cứ phi công nào cũng muốn lập tức cất cánh lên bầu trời”, chị chia sẻ.

Chị Thịnh chuẩn bị cho phần thi nhảy dù ở Tam Đường. 

Để tham gia chuyến bay này, chị Thịnh và ông xã đã lái xe máy khoảng 400km từ Hà Nội lên Tam Đường, Lai Châu. Hầu hết phi công đi ôtô để đảm bảo sức khỏe, tiết kiệm thời gian, tuy nhiên, chị sử dụng xe máy để dễ dàng chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của Lai Châu. Sau cuộc thi, chị cùng chồng tìm đến các khu vực cảnh đẹp, leo núi và viết tiếp câu chuyện khám phá núi rừng Tây Bắc của mình.

 

Bạch Liên