- Chiều 12/7, Hội đồng trọng tài quốc tế đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về những áp đặt không căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông, theo đó, không công nhận đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông và đồng thời, tuyên bố Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử tại vùng biển này.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietnNamNet trao đổi với ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ về phán quyết này.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, xin ông cho biết những tác động cơ bản của phán quyết đến tình hình tranh chấp trên biển Đông hiện tại và trong tương lai gần?

Ông Trần Công Trục: Việc Philippines kiện Trung Quốc là kiện việc giải thích và áp dụng sai Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Họ đệ đơn lên Toà trọng tài thường trực 15 nội dung với 3 nhóm vấn đề.

Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng, phán quyết này chỉ giải quyết được một trong số các tranh chấp phức tạp trên Biển Đông xảy ra. Thậm chí, có những tranh chấp khác còn phức tạp hơn nhiều. Nhưng phán quyết này có một ảnh hưởng rất lớn bởi vì đó là một tiền đề, một bài học kinh nghiệm cho các nước. Đặc biệt, phán quyết đề cập đến một nội dung mà dư luận các nước quan tâm, đó là yêu sách của Trung Quốc trong việc đưa ra đường lưỡi bò với 80-90% diện tích Biển Đông là thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc. Phán quyết vừa rồi đã bác bỏ cơ sở pháp lý về vấn đề đó.

Tôi cho rằng, những nội dung này đã rất có ý nghĩa trong bối cảnh các tranh chấp hiện nay. Tôi muốn nói rằng, nó còn có ý nghĩa lớn hơn là giải quyết và bảo vệ hiệu lực của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Nhà báo Phạm Huyền: Từ khi Philippines khởi kiện cho đến nay, Trung Quốc luôn khẳng định là không công nhận kết qua phán quyết của toà. Theo ông, ông nghĩ sao về các động thái tới đây của Trung Quốc, liệu Trung Quốc có thực sự lo ngại?

Ông Trần Công Trục: Tôi nghĩ, Trung Quốc đưa ra các lập luận bảo vệ quan điểm của họ trong tranh chấp ở Biển Đông là rất bình thường. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong các lập luận của Trung Quốc đưa ra lại không phù hợp với nội dung mà phiên toà có thẩm quyền xem xét và nội dung mà Philippines kiện. Họ nói không thừa nhận thẩm quyền của toà vì đơn kiện liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với các thực thể ở Biển Đông và các vấn đề phân định biển vùng chồng lấn nhưng thực tế, Philippines không kiện điều đó. Và Hội đồng trọng tài không xem xét nội dung đó.

Cho nên, chúng tôi thường nói, Trung Quốc đưa ra luận điểm "ông nói gà, bà nói vịt", không ăn nhập vào đâu cả, nhưng họ vẫn nói.

Vấn đề quan trọng hơn là liệu thái độ của Trung Quốc như vậy sẽ mang đến hậu quả gì?

Tôi cho rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục hành xử đó, không cầu thị với các các nội dung mang tính khoa học, khách quan đó thì rõ ràng sẽ làm bất lợi cho họ trên mặt trận dư luận. Có thể nói, người ta sẽ đánh giá thấp vai trò, vị trí của Trung Quốc trong các cơ quan quốc tế, nhất là Liên Hợp Quốc với tư cách là một siêu cường quốc, một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đặc biệt là một thành viên đã rất tích cực của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Tôi tin rằng, những người Trung Quốc thiện chí, có nhìn nhận khoa học sẽ xem xét lại quan điểm của mình để làm cho phán quyết đi vào thực tế, có hiệu lực.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, những nước lớn như G7 ủng hộ kết qua phán quyết, còn những quốc gia còn lại, ông nghĩ họ sẽ có thái độ thế nao về kết quả phán quyết này?

Ông Trần Công Trục: Tôi nghĩ rằng, trước khi phán quyết ra đời, các nước đã có tiếng nói, bình luận rất thuận lợi cho phán quyết của Hội đồng trọng tài và cũng kêu gọi Trung Quốc nghiêm túc trong việc chấp hành phán quyết đó. Các nước G7, Hoa Kỳ, các nước trong EU, các nước như Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, một số nước khu vực châu Á, Đông Nam Á nữa... đều đã có tiếng nói.

Các nước đều có một nguyên vọng bảo vệ thượng tôn pháp luật, bảo vệ Luật pháp quốc tế, bảo vệ Luật Biển. Ở đây, tiếng nói đó không phải là thể hiện việc họ ủng hộ nước này hay không ủng hộ nữa khác.

Tôi hi vọng rằng, thế giới, dư luận quốc tế và khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á này, nếu như có tiếng nói thống nhất để có thể là sức mạnh đoàn kết. Phán quyết này chính là cơ sở để phát huy tiếng nói chân lý đó, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất.

Nhà báo Phạm Huyền: Việt Nam cũng là nước có chủ quyền ở Biển Đông. Ông nghĩ sao về tác động của phán quyết đối với Việt Nam?

Ông Trần Công Trục: Đối với Việt Nam, một nước với chiều dài bờ biển 3.250 km về địa lý, về pháp lý, ta đã có tuyên bố, có luật về quy định về quyền và lợi ích của chúng ta trong Biển Đông, với các vùng biển và thềm lục địa của mình dựa trên Công ước. Đặc biệt, chúng ta có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà hiện nay, có các bên khác nhảy vào tranh chấp.

Phán quyết này có lợi cho chúng ta trong việc có thể dựa vào đó, nghiên cứu và học tập, tiếp tục cuộc đấu tranh pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta trên Biển Đông.

Chủ trương của chúng ta luôn tuyên bố cho đến bây giờ là Việt Nam luôn muốn giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trong đó, Việt Nam ưu tiên đàm phán với các nước có liên quan, hoặc song phương, đa phương về tranh chấp. Việt Nam và Trung Quốc cũng đã làm rồi.

Nhưng nếu đàm phán mãi không xong, ảnh hưởng đến quan hệ phát triển của hai bên, tạo ra những mầm mống cho tranh chấp phức tạp, gây ra hiểu lầm, căng thẳng về quan hệ các mặt kinh tế, hợp tác, quốc phòng.. thì có lẽ, biện pháp rất văn minh là cần nhờ đến các cơ quan tài phán quốc tế, trong đó, có những thẩm phán, những trọng tài viên có trình độ và công tâm như vụ việc họ vừa đã làm.

VietNamNet​