Cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài gần 2 giờ đồng hồ hôm 7/12 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bắt đầu bằng màn chào hỏi nhẹ nhàng trước khi hai nhà lãnh đạo đề cập những vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraina trước đồn đoán rằng Nga sẽ xâm chiếm nước này trong tháng 1 tới và Moscow gọi đó là tin giả.

{keywords}
Ảnh: Nhà Trắng/ Reuters

Giới quan sát đã theo dõi rất sát sự kiện này để xem liệu hai bên có đạt được sự hiểu biết chung nhằm tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraina hay không.

Giáo sư Jonathan Marcus thuộc Viện Chiến lược và An ninh thuộc Đại học Exeter (Anh) tỏ ra bi quan và cho rằng một cuộc hội đàm giữa hai vị tổng thống sẽ chưa thể làm được điều này. Mọi thứ còn phụ thuộc vào những gì họ rút ra sau đó, cùng những tín hiệu nhận được và gửi đi trong những ngày hoặc tuần sắp tới.

Còn theo giáo sư Giray Sadik - Giám đốc Trung tâm Các nghiên cứu Châu Âu, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga có ý nghĩa rất quan trọng vì chúng không chỉ liên quan đến Ukraina mà còn liên quan đến an ninh của châu Âu và rộng hơn thế, xét theo các chủ đề khó như các vấn đề hạt nhân vốn phụ thuộc vào cả các chủ thể bên ngoài châu Âu.

"Do các quốc gia trong khu vực rõ ràng không thể tự mình giải quyết những tranh cãi đó nên chúng ta đang chứng kiến sự can thiệp của các cường quốc…", ông Sadik bình luận.   

Phía Nga bác bỏ các biện pháp trừng phạt có thể của EU và Mỹ, và thông báo ngắn gọn với báo chí sau cuộc hội đàm trực tuyến rằng Tổng thống Putin tuyên bố trừng phạt không phải điều mới lạ với Moscow vì chúng đã được áp đặt được một khoảng thời gian mà không hề mang lại kết quả tích cực nào đối với cả hai phía.

Giới phân tích cho rằng, cuộc hội đàm Biden – Putin được tổ chức còn là để thăm dò khả năng đạt tới các thỏa hiệp nhằm xuống thang tình hình ở trung tâm châu Âu. Dưới góc nhìn của Andrew Korybko, một chuyên gia phân tích chính trị người Mỹ ở Moscow, Ukraina đang nằm giữa cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và Mỹ. Với Nga, trình trạng quân sự không liên kết của nước này đang bị thách thức bởi sự mở rộng của NATO dưới hình thức hỗ trợ Kiev.   

"Theo quan điểm của Nga, đây là lằn ranh đỏ và nước này sẽ bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia theo ý hiểu của mình", ông Korybko bình luận, đồng thời nhận định điều đó bao gồm việc đáp trả bất kỳ hoạt động quy mô lớn nào do Kiev dẫn đầu ở vùng Donbas, vốn được coi là gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn lãnh thổ.    

Tuy nhiên, giáo sư Marcus chỉ ra ba kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất, Nga có thể lùi bước khi đối mặt với đe dọa trừng phạt kinh tế của phương Tây. Thứ hai, các bên có thể thiết lập một tiến trình ngoại giao mới nhằm ngăn chặn xung đột. Và thứ ba, Nga vẫn đang nắm giữ nhiều lợi thế trong khi châu Âu đối mặt khủng hoảng năng lượng vào mùa đông và còn ở Mỹ, ông Biden đang hứng tỷ lệ ủng hộ sụt giảm.

Trong khi đó, Mehmet Cagatay Guler - một nhà nghiên cứu thuộc tổ chức cố vấn SETA ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), mức độ leo thang và hoạt động quân sự ở biên giới cho thấy Nga sẽ không dễ lùi lại trừ khi họ nhận được những gì mình theo đuổi.  

Dẫu vậy, cuộc hội đàm trực tuyến Biden – Putin và các cuộc đàm phán tiếp sau đó giữa hai bên sẽ mang tầm quan trọng đặc biệt, vì có đàm phán thì kênh ngoại giao mới luôn mở cửa. Và kể cả kết quả chỉ mang tính biểu tượng, đàm phán vẫn cho thấy tiềm năng dẫn đến những kết quả mang tính xây dựng.

Thanh Hảo

Điều Tổng thống Biden nói với lãnh đạo Ukraina sau hội đàm với ông Putin

Điều Tổng thống Biden nói với lãnh đạo Ukraina sau hội đàm với ông Putin

Trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Ukraina, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trao đổi về cuộc gặp trực tuyến của ông với người đồng cấp Nga, cuộc khủng hoảng ở Donbass, tư cách thành viên NATO cho Ukraina, và các cải cách nội bộ ở Kiev.