Bắt đầu làm thơ từ năm 2019, kiến trúc sư Bùi Văn Huy tự nhận xét rằng mình có duyên với thơ thiếu nhi.
“Nhà tôi có 3 bạn nhỏ. Hàng ngày nhìn các con lớn lên cùng tuổi thơ hồn nhiên trong sáng đáng yêu… Tôi tự hỏi: Tại sao bố lại không chép lại tuổi thơ của mình bằng một cách nào đó để sau này các con có thể đọc lại, để biết và hiểu rằng tuổi thơ của bố mẹ cũng thú vị biết dường nào! Sau khi bạn thứ 3 nhà tôi ra đời (năm 2018), tôi bắt đầu những câu chữ đầu tiên vào năm 2019. Ban đầu tôi viết nhiều về thơ quê hương với những hoài niệm của tuổi thơ. Thơ được đăng lên các trang thơ, các tạp chí văn học nghệ thuật địa phương. Các bạn cùng viết thơ góp ý là thơ tôi viết thật hồn nhiên, mộc mạc, ngôn từ trong sáng…mọi người gợi ý “Hay là viết thơ thiếu nhi xem”… Và kể từ đây tôi chuyển sang viết thơ thiếu nhi là chính cho tới bây giờ”, anh Huy kể.
Thường sáng tác thơ khi các con ngủ rồi hoặc bất chợt ở đâu đó ý thơ khơi gợi, anh Huy hay nhờ những người bạn cùng đam mê viết lách chia sẻ, góp ý để hoàn thiện bài thơ cả về ý tứ cũng như chắt lọc ngôn từ sao cho đẹp và ý nghĩa.
Series “Thơ cho bé tập đọc trôi chảy, diễn cảm” gồm 2 cuốn “Khu vườn màu xanh” và “Bé tập làm người lớn” cũng ra đời theo cách này.
Hai tập thơ “Khu vườn màu xanh” và “Bé tập làm người lớn” gồm các câu thơ ngắn, giàu vần điệu, thể hiện nội dung gần gũi, dí dỏm, lại được thiết kế những phần tương tác thú vị như: tìm dán sticker, tô tranh, nối hình, đố vui…, nên có tính hấp dẫn rất cao đối với trẻ.
Qua những vần thơ, các bé không chỉ được làm quen với thiên nhiên quanh mình (chiếc lá, hạt mưa, hạt nắng…), những con vật nho nhỏ dễ thương (chim sâu, gà con…), vật dụng trong gia đình (đồng hồ, cốc nước)… mà còn được trải nghiệm cuộc sống nơi thôn quê qua hình ảnh ông ngồi bện chổi rơm, mẹ phơi thóc… hay cuộc sống ồn ào nơi thành thị sẽ bị kéo chậm lại bằng hình ảnh những chiếc đèn giao thông khi bé qua đường. Các bạn nhỏ ở thành phố hẳn sẽ thích thú lắm với hình ảnh: “Bé ngồi nặn chiếc ô tô - Nặn cái còi nhỏ bí bo… trên đường” (trích bài “Bé nặn ô tô”), còn các bạn ở miền quê lại cảm thấy gần gũi hơn khi nghe đến, đọc đến đoạn thơ: “Gà con mới nở - Khoe bộ lông vàng - Óng như màu nắng - Như tơ mỏng tang” (trích bài “Gà con”).
Các bạn nhỏ được làm quen với những loại cây gắn liền với làng quê Việt, quá trình chống giặc giữ nước như cây tre (từng đồng hành cùng Thánh Gióng chống giặc ngoại xâm, xây dựng nhà cửa…) hoặc những hình ảnh gần gũi thân thương nơi làng quê yên bình: “Bờ ao trảy hội mùa hè - Chuồn chuồn, bọ xít cánh xòe tung tăng” (trích bài “Bờ ao”).
Nhiều độc giả đánh giá cao hai tập thơ vì những câu thơ ngắn, ngôn từ gần gũi, giọng thơ ngộ nghĩnh giúp trẻ dễ đọc, dễ nhớ. Bên cạnh đó, các bức minh họa sinh động với gam màu tươi tắn cũng tạo cơ hội cho trẻ làm quen với các mảng màu sắc, kích thích trí tưởng tượng của trẻ phát triển.
Hai tập thơ cũng được đánh giá là rất hữu ích cho quá trình tập đọc của trẻ, bởi hoạt động đọc cần diễn ra với cảm xúc tò mò, hứng khỏi, nhờ đó các bé nhớ từ nhanh hơn, mở rộng vốn từ tốt hơn. Một khi đã đọc chủ động thì trẻ cũng sớm tiến tới đọc trôi chảy, diễn cảm, đồng thời phát triển khả năng tư duy và tập trung trong quá trình đọc.
“Thiếu nhi là một thế giới thật riêng, hồn nhiên, trong sáng vô cùng. Tôi muốn góp sức nhỏ bé của mình để thêm một màu sắc mới hòa chung vào muôn màu sắc tươi vui của thế giới văn học thiếu nhi. Cũng như bao tác giả khác, tôi mong muốn lan tỏa những giá trị tình yêu văn học, gieo vào tâm hồn các bạn nhỏ những vần thơ hay cùng những thanh âm ngộ nghĩnh, đáng yêu…, và rồi một ngày các con lớn lên, sẽ thấy thêm yêu cuộc sống, thêm yêu gia đình, tâm hồn rộng mở biết đồng cảm chia sẻ và bao dung… Đó cũng là một cách để làm phong phú từ ngữ và giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt mình. Tôi tâm niệm rằng còn duyên với thơ thiếu thi thì còn sáng tác và đồng hành”, anh Huy chia sẻ thêm.
Được biết, kiến trúc sư Bùi Văn Huy đã có nhiều tác phẩm thơ viết về quê hương, viết cho thiếu nhi được đăng trong các Tạp chí văn học nghệ thuật tại các địa phương như: Thái Nguyên, Bình Định, Vĩnh Phúc, Báo Thiếu niên tiền phong và nhi đồng…
Ngoài ra, anh còn có thơ đăng trong ấn phẩm “Nhâm Nhi Tết” của Nhà xuất bản Kim Đồng năm Tân Sửu (2021), cuốn sách “Thơ cho bé học nói” của Nhà xuất bản Thanh niên (2021), cuốn thơ in chung cùng với nhóm tác giả của Quán Chiêu Văn (2022).