Theo tạp chí National Interest, phản ứng của Triều Tiên mỗi lần Mỹ và Hàn Quốc tập trận không phải điều mới mẻ. Nhưng lịch sử phản ứng của Bình Nhưỡng chứng tỏ điều gì?

{keywords}
Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn trong tháng 8 khiến Triều Tiên rất tức giận. (Ảnh: Reuters)

Mới đây, chính quyền Kim Jong Un đã có loạt hành động bất ngờ: thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn và hệ thống phóng tên lửa đa nòng mới.

Trong vòng hơn 1 tuần, ba vụ thử đã được thực hiện (2/8, 31/7 và 25/7). Hãng thông tấn KCNA cho biết, đích thân Chủ tịch Kim Jong Un giám sát các vụ thử và đánh giá các vũ khí đó sẽ sớm đóng một "vai trò then chốt" trong hoạt động chiến đấu trên bộ của Triều Tiên.

Các vụ thử diễn ra tiếp theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao ở Bình Nhưỡng rằng Washington "vi phạm tinh thần chủ đạo của Tuyên bố chung Mỹ - Triều ngày 12/6" khi tiếp tục các kế hoạch tập trận chung Dong Maeng 19:2 (Đồng Minh 19:2) với Hàn Quốc trong tháng 8.

Tuyên bố nêu, Tổng thống Donald Trump đã đảm bảo với Chủ tịch Kim Jong Un khi họ gặp nhau ở vùng phi quân sự DMZ cuối tháng 6 rằng những cuộc tập trận như vậy sẽ tạm dừng, Triều Tiên tỏ dấu hiệu các cuộc đàm phán cấp độ làm việc giữa hai bên có thể sẽ bị ảnh hưởng, và nước này không còn lý do gì để tận tâm với các hứa hẹn đã đưa ra với Washington vì phía Mỹ không thực thi các cam kết của mình.

"Quyết định của chúng tôi ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, hoặc quyết định của Mỹ ngừng các cuộc tập trận chung chính là cam kết nhằm cải thiện quan hệ song phương, không phải một dạng tài liệu pháp lý chỉ tồn tại trên giấy", Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh.

"Trong khi đang nỗ lực dàn xếp các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Triều Tiên và Mỹ sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Panmunjom, Mỹ, lại lên kế hoạch tập trận chung Dong Maeng 19:2 (với Hàn Quốc). Nếu (tập trận) diễn ra sẽ ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán cấp chuyên viên này", KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói thêm.

Những lời cảnh báo như vậy không phải là lần đầu tiên từ phía Bình Nhưỡng đối với tập trận chung Mỹ - Hàn trên bán đảo Triều Tiên.

Ngay từ khi bắt đầu vào giữa những năm 1950, Triều Tiên đã lên án các cuộc tập trận và gọi đó là tập dượt xâm lược hoặc tấn công. Mỹ và Hàn Quốc luôn khẳng định tập trận là cần thiết để duy trì tính sẵn sàng chiến đấu chứ không mang bản chất tấn công. Bên cạnh đó, hai nước đồng minh cũng lập luận chính Bình Nhưỡng khá thường xuyên tổ chức tập trận quy mô lớn.

Tuần trước, Triều Tiên không tham dự một hội nghị an ninh quan trọng của khu vực, làm tiêu tan hy vọng về một cuộc gặp bên lề nhằm tái khởi động đàm phán hạt nhân. Các nỗ lực ngoại giao của Mỹ dường như càng trở nên phức tạp bởi căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh của nước này, và cuộc thương chiến đang leo thang với Trung Quốc.

Trước đó, Triều Tiên cũng đã cảnh báo về "những hậu quả" nếu Mỹ và Hàn vẫn cứ tập trận chung. Bình Nhưỡng cũng có thể từ bỏ việc dừng thử nghiệm tên lửa tầm xa và hạt nhân đơn phương.

Theo giới phân tích, các hoạt động quân sự của cả hai phía sẽ làm trì hoãn các cuộc đàm phán hạt nhân Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng càng quyết tâm mở rộng kho vũ khí giữa lúc ngoại giao bế tắc.

Thanh Hảo