Là một trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, chiều dài 65km bờ biển đi qua địa phận 10 xã thuộc 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, tỉnh ban hành chủ trương phát triển Bến Tre về hướng Đông, nhằm mục tiêu cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Bến Tre sử dụng “đòn bẩy” kinh tế biển để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh Bến Tre xác định phát triển kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản nói riêng là một trong những thế mạnh mũi nhọn để phát triển kinh tế của tỉnh. Thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh được duy trì và phát triển khá ổn định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Bến Tre hiện có 50.000 ha đất tiềm năng nuôi thủy sản, hiện nay đã khai thác được 46.500 ha nuôi, với sản lượng hàng năm đạt hơn 250.000 tấn. Các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm có: Tôm nước lợ (tôm chân trắng, tôm sú), nhuyễn thể (nghêu, sò, hàu), cá tra, tôm càng xanh, cá điêu hồng, cua biển;… với hình thức nuôi đa dạng, phong phú, đặc biệt là các hình thức nuôi có thể kết hợp du lịch như nghêu, tôm rừng, tôm lúa, thâm canh ứng dụng công nghệ cao, cá tra;….
Con nghêu Bến Tre được Hội đồng biển Quốc tế chứng nhận nghề quản lý khai thác bền vững; còn cá tra được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, GlobalGAP…đã tạo niềm tin của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sản xuất tôm biển đã từng bước chuyển dần từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung, quy mô lớn, sản xuất sạch, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình, hình thức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Với diện tích ban đầu từ 550ha năm 2018, đến cuối năm 2023 toàn tỉnh ước đạt 3.067ha. Năng suất bình quân từ 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi. Sản lượng nuôi tôm công nghệ cao ước đạt 49.072 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được đánh giá mang lại hiệu quả cao, trong đó phải kể đến huyện Thạnh Phú. Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện Thạnh Phú định hướng phát triển 1.500 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, huyện đã phối hợp với các ngành rà soát và quy hoạch lại vùng nuôi, khu nuôi thủy sản có điều kiện phát triển vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đưa vào quy hoạch sử dụng đất huyện thời kỳ 2021 - 2030, tích hợp vào quy hoạch vùng nuôi thủy sản của tỉnh.
Huyện Thanh Phú cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện ước khoảng 16.560 ha, đạt 90,49% kế hoạch. Trong đó, diện tích tôm thâm canh ước khoảng 1.600 ha, đạt 45,07% kế hoạch, diện tích nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao ước khoảng 1.247/1.500 ha, đạt 83,13% chỉ tiêu nhiệm kỳ, tăng 147 ha so với cuối năm 2022, năng suất thu hoạch trung bình khoảng 40 đến 50 tấn/ha diện tích mặt nước nuôi.
Bên cạnh đó, nghề khai thác thủy sản của tỉnh Bến Tre cũng phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 3.434 tàu cá đăng ký, trong đó tàu đánh bắt xa bờ chiếm hơn 55%, sản lượng khai thác hằng năm trên 210.000 tấn, đóng góp đáng kể vào kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là đối với 3 huyện ven biển; đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc phòng của quốc gia.
Cơ sở hậu cần nghề cá cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của nghề khai thác thủy sản với 3 cảng cá, 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, 4 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ công suất đóng mới 160 tàu/năm. Các cảng cá được tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tại Bến Tre, dịch vụ hậu cần nghề cá đến nay đã phát triển khá đồng bộ với 3 cảng cá Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sản lượng thủy hải sản khai thác đưa về các cảng cá tương đối ổn định…
Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản, nhất là chế biến tôm biển, góp phần nâng cao giá trị chuỗi tôm.
Song song với hoạt động khai thác hải sản, để đảm bảo khai thác có trách nhiệm và phát triển nghề biển bền vững, từ khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, tỉnh Bến Tre đã quyết liệt tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con trong hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng như BDBP, Kiểm ngư… quản lý chặt chẽ các tàu thuyền hoạt động trên biển.
Ngoài ra, tỉnh đã triển khai ký kế hoạch hợp tác với 8 tỉnh ven biển từ Cà Mau, Kiên Giang đến Bình Thuận trong công tác quản lý tàu cá; ký quy chế phối hợp với Cảnh sát biển 3, Cảnh sát biển 4 trong công tác chống khai thác IUU và đạt nhiều kết quả tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tạo ra bước chuyển mới cho tỉnh Bến Tre.
Với tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của địa phương được phát huy, tài nguyên biển được khai thác, sử dụng hiệu quả. Đây sẽ là “đòn bẩy” để đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.