Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, ngoại giao kinh tế luôn là một trụ cột quan trọng trong công tác của Bộ Ngoại giao. Trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngoại giao đã thể hiện sự chủ động, nhạy bén trong việc nhanh chóng chuyển trọng tâm từ ngoại giao vaccine sang ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển

Công tác ngoại giao kinh tế luôn đồng hành với cả nước, tiếp tục được đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của toàn ngành cũng như của tất cả 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp vào thành tích tăng trưởng GDP 8% năm nay, thể hiện ở một số mặt như sau:

Trước hết, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đại hội XIII về xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bộ Ngoại giao đã tham mưu, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về ngoại giao kinh tế. Đây là định hướng quan trọng, đưa ngoại giao kinh tế thực sự trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của cả hệ thống chính trị, tạo xung lực mới để triển khai hiệu quả hơn công tác ngoại giao kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Thứ hai, ngành Ngoại giao tiếp tục đóng góp làm sâu sắc quan hệ với các nước, đặc biệt quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Hợp tác kinh tế trở thành nội dung trung tâm trong tất cả các hoạt động đối ngoại Cấp cao và các cấp. Trong tất cả 62 hoạt động đối ngoại cấp cao, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều chỉ đạo và trực tiếp thúc đẩy hết sức mình các nội dung kinh tế. Các hoạt động đối ngoại cấp cao đều đạt những kết quả, thỏa thuận quan trọng, thiết thực về kinh tế với khoảng 150 văn kiện, thoả thuận hợp tác kinh tế được ký kết. 

Thứ ba, ngành Ngoại giao tiếp tục đóng góp đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế. Chúng ta đã kịp thời, nhanh nhạy tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nhất là các nguồn tài chính xanh, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng và các ngành công nghệ cao… (Điển hình là Nhóm G7, châu Âu và Việt Nam đã có tuyên bố chính trị về quan hệ “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP), huy động nguồn đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD; LEGO đã khởi công nhà máy trung hòa carbon đầu tiên có vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, Samsung khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội trị giá 220 triệu USD). Ngành Ngoại giao cũng hỗ trợ, thúc đẩy triển khai hiệu quả 15 FTA đã ký kết; tham mưu, kiến nghị để Việt Nam kịp thời tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực cho phát triển.  

Thứ tư, bước đầu triển khai hiệu quả chủ trương lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực đồng hành, kết nối, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản,  thu hút đầu tư và mở rộng hợp tác kinh tế. Năm 2022, Bộ Ngoại giao đã tổ chức khoảng hơn 50 đoàn làm việc với hơn 25 địa phương, tổ chức 70 hoạt động kết nối các đối tác cho địa phương, hỗ trợ ký kết hơn 40 văn bản hợp tác quốc tế; được các địa phương đánh giá cao. 

Thứ năm, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện tiếp tục chủ động, nhạy bén trong công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, trên cơ sở bám sát nhu cầu trong nước và các trọng tâm của Chính phủ. Đã có nhiều báo cáo có chất lượng về tình hình kinh tế thế giới và các vấn đề đang nổi lên tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế đất nước, từ đó tham mưu, kiến nghị chính sách phù hợp của ta.

Trọng tâm ngoại giao kinh tế 2023

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, để đóng góp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong năm 2023, Bộ Ngoại giao xác định triển khai 04 trọng tâm ngoại giao kinh tế như sau:

Tiếp tục triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tranh thủ và phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Đẩy mạnh quán triệt sâu rộng và cụ thể hoá Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị sẽ được Chính phủ sớm ban hành. 

Tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc và gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với các đối tác. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trong đó, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả, thực chất. Thúc đẩy đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Thu hút đầu tư chất lượng cao và các nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Thúc đẩy tháo gỡ những điểm nghẽn trong quan hệ kinh tế của ta với các đối tác chủ chốt. Tận dụng hiệu quả mạng lưới 15 FTA đang thực thi; tham gia chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, khả năng và điều kiện cụ thể của đất nước.

Chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo chiến lược, cảnh báo phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Bám sát tình hình, biến động của kinh tế thế giới, các điều chỉnh chiến lược, chinh sách và sáng kiến của các quốc gia để kiến nghị các đối sách, biện pháp ứng xử phù hợp.

Đổi mới phương thức, tăng cường năng lực triển khai và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác ngoại giao kinh tế. Tăng cường phối hợp liên ngành, kiến nghị Chính phủ xem xét thành lập các tổ công tác về những vấn đề cụ thể, cấp bách khi cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Với tinh thần đó, trên cơ sở bám sát các chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với phương châm triển khai“quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”, tôi tin tưởng công tác ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần khẩn trương, quyết liệt của công tác ngoại giao vaccine để đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong năm 2023, tạo nền tảng vững chắc hướng tới các mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030. 

Anh Duy, Thu Huyền, Nguyễn Duy