Tôi đã sống tại Hà Nội, đã chính thức là công dân thủ đô sáu thập niên, một khoảng thời gian không ngắn so với đời người, nhưng làm sao tôi có thể là người Tràng An đích thực!

Hương vị trà sen Hồ Tây nhắc tôi hãy nhớ mình đã là dân cố đô Thăng Long, là công dân Hà Nội thành phố hòa bình, chớ có dị ứng trước những ngôi chùa cổ được tân trang lộng lẫy, đừng mải chê bai những điều chưa ưng ý trong cuộc sống thường ngày mà lãng quên điều lớn, vẻ đẹp trong hồn Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội mở rộng thật sự đàng hoàng hơn, to đẹp hơn ngày trước. Ba mươi năm qua, chúng ta đã bảo tồn, phát huy nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có những cái sắp tiêu vong nếu không được sự can thiệp kịp thời, và cũng khó tránh những cái âm thầm biến mất do sự thờ ơ vô cảm của những người xung quanh. Làm sao còn vẹn nguyên Hà Nội xưa cho Thạch Lam nhâm nhi, Vũ Bằng thương nhớ, Nguyễn Tuân nhếch mép mà ngợi ca "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi".

Dân các nơi về Hà Nội chưa có hộ khẩu và chưa đăng ký ngày càng đông. Còn lại bao nhiêu phần trăm cư dân Hà Nội người gốc Tràng An thuở nào? Tôi đã sống tại Hà Nội, đã chính thức là công dân thủ đô sáu thập niên, một khoảng thời gian không ngắn so với đời người, nhưng làm sao tôi có thể là người Tràng An đích thực!

Cách đây 30 năm, nhà văn Bỉ Jacques Danois cảm nhận: Hà Nội là biểu tượng cả nước Việt Nam. Tất cả mọi thứ ở đây đều cổ kính, có thể hơi rách nát đấy nhưng được mọi người xiết bao trân trọng, và chúng mới trong sáng chân thực. Chỉ cần đi vào chợ và nhìn vào đôi mắt những người phụ nữ. Sức mạnh của họ bắt nguồn từ ý chí làm sao nuôi được gia đình, chăm sóc con cháu, họ hàng, bà con. Ý chí thay thế sinh tố và thuốc bổ cần cho họ.

 

{keywords}

Một góc khu phố cổ Hà Nội.

Người Hà Nội dắt cháu ra Bờ Hồ xem trăng trung thu, ông nội chỉ mặt trăng dưới hồ bảo cháu: Mặt trăng muốn tự ngắm nó kia nhưng chỉ chúng ta mới có thể ngắm trăng thôi. Cháu muốn bắt mặt trăng chớ có nhảy xuống hồ mà hãy tìm cách bay lên trời. Người Hà Nội cho trẻ ăn quả vải, quả nhãn mùa hè không dọa đứa nào ăn quả nuốt luôn cả hạt rồi sẽ phải mổ bụng ra mà lấy. Người ta khuyên các cháu ăn từ tốn, để còn lấy hạt làm viên bi hay xếp đồ chơi...[1]

Hồn Hà Nội cổ truyền còn đó. Cuộc sống tất yếu đi lên hiện đại. Quá khứ càng dày, ta càng cảm nhận được sự phong phú của hiện tại và vững tin hơn vào tương lai. Thế nhưng con người đâu chỉ sống bằng hoài niệm. Trân trọng gìn giữ cái xưa rất cần, cái cần nữa và cần hơn là xây dựng cái mới sao cho thật sự "đàng hoàng". Chung quy vẫn là câu chuyện bảo tồn và phát huy, không chỉ bảo tồn mỗi khi cần bàn về di sản, mà bảo tồn và phát triển mọi lĩnh vực của cuộc sống hằng ngày, như một sự nối tiếp tất yếu cân bằng, nhịp nhàng, không gián đoạn.

Một sự trùng hợp đẹp. Đêm trung thu năm Giáp Ngọ, Hà Nội kỷ niệm 60 năm lập lại hòa bình, tôi có anh bạn Hà Nội đến chơi biếu túi quà, cầm trên tay đã thấy thơm lựng mùi sen.

Những đóa sen tươi nguyên cuống, mỗi đóa bọc trong một mảnh lá sen xanh buộc túm bằng sợi lạt mềm xinh xinh như những bông sen ngậm sương đêm đang chờ sáng để xòe cánh. Nhiều cánh sen lúc này rõ ràng đang ấp ủ một điều gì đó bên trong. Tôi gượng nhẹ gỡ các cánh hoa tươi mềm mại, để lộ những lớp nhị vàng ôm chặt gương sen, và trên mặt gương sen, môt ấm trà nõn kín đáo náu mình dưới các cánh hoa. Bâng khuâng mùi hoa sen, nhị sen, lá sen, đầm sen thoang thoáng hương đồng gió nội.

Thưởng thức ấm trà trung thu, cùng với dư vị chát ngọt bùi thơm đậm nơi đáy họng là một cái gì khó tả như thể tinh túy lá sen, gương sen, cánh sen, nhị sen, đầm sen, gió trời nước hồ quyện vào một, đặc sản kinh kỳ mà gần gũi thiên nhiên quá. Trong đầm gì đẹp bằng sen, lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng...

Anh chàng miền quê chưa thành niên đã vào kháng chiến, tôi đâu có hiểu biết nhiều về nghệ thuật ẩm thực. Cho dù rồi cũng có dịp đi đó đi đây, cũng từng ngưu ẩm những thứ như trà Long Tỉnh Hàng Châu, trà Ô Long Vân Nam làm nên thương hiệu Trung Hoa danh trà, hay đặc sản Đài Loan truyền thống mà vẫn có hương vị riêng quyện khí núi cao vào hơi gió biển trà lục địa không sao có được, cả mạt trà (trà vụn) thắm màu lục đậm hoàng gia được nâng niu trong bộ đồ sứ tuyệt vời theo lễ nghi Trà Đạo Nhật Bản.

Dù vậy, mỗi lần nghĩ đến trà trong tôi rốt cuộc lại là bát nước chè xanh đậm tình quê Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An..., chủ nhà ân cần mời nước người khách lữ hành không quen dừng chân trước ngõ nhà mình. Chè xanh nước chát xin mời, nước non non nước nghĩa người chớ quên.

Hương vị trà sen Hồ Tây nhắc tôi hãy nhớ mình đã là dân cố đô Thăng Long, là công dân Hà Nội thành phố hòa bình, chớ có dị ứng trước những ngôi chùa cổ được tân trang lộng lẫy, đừng mải chê bai những điều chưa ưng ý trong cuộc sống thường ngày mà lãng quên điều lớn, vẻ đẹp trong hồn Hà Nội. Cứ tha hồ lưu luyến gốc gác của anh đi, nhưng phải thật lòng góp chút gì đó cùng gìn giữ, phát huy cốt cách, tinh hoa Hà Nội bởi nó cũng là cốt cách, tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Phan Quang

-------

Chú thích:

[1] Jacques Danois trong tiểu thuyết Trở lại với đời, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội, 1985.

Xem thêm các bài về chủ đề Hà Nội:

Hà Nội "chuồng cọp", biệt thự và 'xóm liều'

Có thể phân chia không gian sinh tồn của các nhóm cư dân trong khu vực đô thị Hà Nội thành 5 nhóm.

Hà Nội như một 'Paris của Việt Nam'

Hà Nội đặc biệt ở chỗ nó là một thành phố kiểu Á - Âu điển hình và đây là nét độc đáo hiếm thấy trong các thành phố cổ châu Á.

Hào hoa Hà thành phai nhạt vì người nhập cư?

Không có cơ sở để cho rằng các làn sóng dân nhập cư vào thành phố đã làm tăng tính xô bồ, hỗn tạp và làm phai nhạt lối sống thanh lịch của người Hà Nội.

Có thật Hà Nội khác hẳn các vùng miền?

Bản chất của văn hóa Hà Nội là đa dạng, đa chiều và đa nguyên. Không có một bản sắc Hà Nội với tư cách là một thực thể văn hóa xác định, bền vững và bất biến.

Hà Nội vẫn chỉ là 'phía bên kia của làng xã'

Khi nói đến Hà Nội như một thực thể văn hóa có bản sắc riêng, chúng ta không được quên rằng có một Hà-Nội-nhà-quê và một Hà-Nội-kẻ-chợ.