Ngày 20/4, GS Morten Peter Meldal (ĐH Copenhagen, Đan Mạch) – chủ nhân giải Nobel Hóa học năm 2022, đã có bài giảng đại chúng về chủ đề “Hóa học Click” trước các giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).  

“Hóa học Click” hay “phản ứng Click” là các quá trình hóa học kết nối những phân tử cấu trúc nhỏ thành phân tử lớn hơn thông qua các nhóm chức một cách nhanh chóng và hiệu quả. Phản ứng Click có độ chính xác, độ chọn lọc, hiệu suất phản ứng cao và không hình thành sản phẩm phụ. 

Sự phát triển của Hóa học Click mở ra kỷ nguyên tổng hợp hóa học mới với cấu trúc sản phẩm được thiết kế theo mục đích, được chứng minh hiệu quả trong việc “chức năng hóa” các đối tượng sinh học, lập bản đồ ADN, phát triển dược phẩm, điện tử, vật liệu polymer chức năng... và trong rất nhiều ứng dụng khác. 

“Khi làm khoa học, chúng tôi không nghĩ đến giải thưởng”

GS Morten Peter Meldal cho hay, khi làm khoa học, ông cùng các cộng sự không nghĩ đến chuyện phải giành giải thưởng.

“Năm 2022, khi Hội đồng giải thưởng Nobel gọi đến, tôi cũng hơi bất ngờ. Tôi nghĩ rằng không ai làm khoa học để nghĩ đến việc giành giải Nobel cả”.

Ông thừa nhận đằng sau vinh dự đó là nhiều ngày đêm làm việc cật lực trong phòng thí nghiệm. Khoảng thời gian từ lúc ông khám phá về “Phản ứng Click” trong phòng thí nghiệm cho đến khi ứng dụng trong công nghiệp trải qua 21 năm.

“Việc đạt giải Nobel có thể không phải chỉ vì nghiên cứu được ứng dụng trong công nghiệp, đời sống mà bởi Phản ứng Click được rất nhiều nhà Hóa học khác sử dụng cho những lĩnh vực khác nhau, thậm chí cả những người làm trong lĩnh vực Sinh học...”. 

GS Morten Peter Meldal – chủ nhân giải Nobel Hóa học năm 2022. Ảnh: Thanh Hùng.

Ông cho hay, cũng như các nhà khoa học khác, bản thân luôn luôn gặp vấn đề trong quá trình nghiên cứu và phải tìm cách để giải quyết. Thất bại cũng là chuyện thường xuyên diễn ra với các dự án về Hóa học.

“Khoảng thời gian rất khó khăn với tôi là lúc làm nghiên cứu sinh. Tôi từng mất một năm rưỡi chỉ để thực hiện một phản ứng theo giáo sư hướng dẫn. Tuy nhiên, sau một năm rưỡi đó, chúng tôi nhận ra rằng phản ứng đó không thể làm được bởi có vấn đề về cơ sở của nó. Khi đó, tôi phải thiết kế lại một con đường phản ứng mới để thay thế. Không cách nào khác, tôi đã cố gắng làm việc rất chăm chỉ để hoàn thành. 

Tôi nghĩ rằng tất cả các nhà khoa học trẻ đều gặp phải những vấn đề tương tự như thế và phải tìm cách để vượt qua. Một trong những cách để vượt khó khăn trong quá trình làm nghiên cứu là bản thân các nhà khoa học cũng cần tìm kiếm những nguồn năng lượng tích cực khác để cân bằng, nuôi cảm hứng”, GS Morten Peter Meldal nói.

“Theo kinh nghiệm của tôi, thời điểm tốt nhất để có thể tưởng tượng hay cho ra những ý tưởng hay là ngay trước khi chúng ta ngủ. Bởi khi đó, đầu óc chúng ta quên hết mọi thứ trong ngày và bắt đầu chìm vào trạng thái mơ mộng. Đó là lúc mà chúng ta có thể có được những ý tưởng khác thường”, ông nói.

Một trong những vấn đề thường gặp của các nhà khoa học trẻ là việc thiếu kinh phí. “Thông thường, để giải quyết vấn đề đó, không có cách nào khác là phải tìm kiếm những cơ hội hợp tác. Chính vì vậy, các nhà khoa học trẻ cần duy trì mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp, đặc biệt là những người hướng dẫn -  những người có thể sẵn sàng cùng mình giải quyết những vấn đề”. 

Vị giáo sự cho rằng, thời điểm tốt nhất để có thể tưởng tượng hay cho ra những ý tưởng hay là ngay trước khi ngủ. Bởi khi đó, đầu óc chúng ta quên hết mọi thứ trong ngày và bắt đầu chìm vào trạng thái mơ mộng và có được những ý tưởng khác thường. Ảnh: Thanh Hùng

GS Morten Peter Meldal cho biết, trước khi đến với Việt Nam, ông cũng tìm hiểu về nền Hóa học của Việt Nam. Ông cho rằng cần khuyến khích các bạn trẻ tiếp cận sớm với Hóa học để có những đột phá trong lĩnh vực này. Tại Đan Mạch, Hóa học hay các ngành khoa học cơ bản khác cũng không phải là lựa chọn hàng đầu của sinh viên.

“Chúng tôi cũng gặp vấn đề thu hút người trẻ học đại học các ngành lĩnh vực khoa học cơ bản”, ông nói. Tuy nhiên, các ngành khoa học cơ bản là nền tảng của những ngành khoa học khác. 

“Hóa học là một trong những chuyên ngành khó nhất nhưng cũng là quan trọng nhất trong sự phát triển của tương lai. Bởi có thể nói tất cả mọi thứ đều xoay quanh Hóa học”.

Theo ông, việc dạy học Hóa học thường bắt đầu dạy từ lớp 7-8, trong khi lĩnh vực này xuất hiện ở tất cả mọi nơi xung quanh chúng ta. “Theo quan điểm của tôi, việc dạy và học Hóa học khoảng ở lớp 8 - lứa tuổi mà trẻ bắt đầu hình thành tính cách và có một số nhận định nhất định về thế giới xung quanh - là hơi muộn. Cần dạy Hóa học cho các bạn trẻ càng sớm càng tốt, đặc biệt ở lứa tuổi mà trẻ còn rất hiếu động, quan sát các hiện tượng xung quanh sẽ rất tốt để trẻ có thể tiếp thu những thông tin mới một cách dễ dàng hơn”.

GS Morten Peter Meldal có bài giảng đại chúng tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) về những tiến bộ và tầm quan trọng của "Hóa học Click" cho giảng viên, sinh viên và các nhà nghiên cứu. Ảnh: Thanh Hùng

Theo vị giáo sư, Hóa học đang được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nhiều vấn đề về toàn cầu đặt ra.

“Hóa học cần cho việc sản xuất, sử dụng và tích trữ năng lực sạch một cách thông minh. Ở Việt Nam có rất nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, nếu có cách tiếp cận thông minh về Hóa học, đó sẽ là nguồn lực rất lớn để phát triển. Đó cũng là những cơ hội rất lớn cho những người trẻ lựa chọn Hóa học để theo đuổi. Có rất nhiều cơ hội để thay đổi thế giới với Hóa học, nhưng quan trọng việc đầu tiên là để người trẻ thích thú với nó”.

GS Morten Peter Meldal sinh năm 1954 tại Đan Mạch. Ông nhận bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật hóa học tại ĐH Kỹ thuật Đan Mạch năm 1986 và thực hiện nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành Hóa học hữu cơ tại ĐH Cambridge, Vương quốc Anh trước khi trở thành giáo sư ngành Hóa học tại ĐH Copenhagen, Đan Mạch. 

Giải thưởng Nobel Hóa học 2022 vinh danh GS Morten Peter Meldal cùng với 2 nhà khoa học khác là GS Karl Barry Sharpless (Viện nghiên cứu Scripps, Mỹ) và GS Carolyn Ruth Bertozzi (ĐH Stanford, Mỹ) cho các đóng góp đặt nền tảng cho “sự phát triển của Hóa học Click và Hóa học sinh trực giao”.

Chàng trai từng cọ toilet thuê đỗ ĐH Harvard giờ ra sao?

Chàng trai từng cọ toilet thuê đỗ ĐH Harvard giờ ra sao?

Mỹ - Shannon Satonori Lytle là một cái tên gây chú ý trong những năm gần đây, không chỉ vì những thành tựu ấn tượng của anh trong ngành công nghệ mà còn vì câu chuyện cá nhân đầy cảm hứng về nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.