Ngày 24/12, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT đã công bố phát hành ‘Sách trắng lĩnh vực PTTH&TTĐT năm 2024’.
Theo Cục PTTH&TTĐT, năm 2024, thực hiện chủ trương phân cấp quản lý mạnh mẽ và thúc đẩy chuyển đổi số đến từng đơn vị, Bộ TT&TT đã đổi mới phương thức, nội dung và cách thể hiện sách trắng.
Cụ thể, thay vì phát hành Sách trắng CNTT-TT để cung cấp số liệu về kết quả hoạt động của 6 lĩnh vực quản lý lớn của Bộ TT&TT như các năm trước, lãnh đạo Bộ TT&TT đã giao trách nhiệm đến trưởng đơn vị của các lĩnh vực chủ động, chủ trì và chịu trách nhiệm xây dựng sách trắng riêng với từng lĩnh vực được giao tham mưu, thực thi quản lý nhà nước.
Sau quá trình lên kế hoạch, biên soạn cẩn trọng và kỹ lưỡng, ‘Sách trắng lĩnh vực PTTH&TTĐT năm 2024’ đã hoàn thành và được lãnh đạo Bộ TT&TT phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng yêu cầu.
Được thiết kế để phát hành dưới hình thức sách điện tử, ‘Sách trắng lĩnh vực PTTH&TTĐT năm 2024’ có nội dung gồm 2 phần lớn, 5 mục với tổng số 26 trang.
Ấn phẩm này cung cấp đầy đủ thông tin về toàn cảnh lĩnh vực PTTH&TTĐT gồm các văn bản pháp luật hiện hành, các chỉ tiêu phát triển lĩnh vực, kết quả đánh giá, phân tích số liệu tăng trưởng.
“Sách trắng lĩnh vực PTTH&TTĐT lần đầu tiên được phát hành độc lập thể hiện bước đổi mới trong hoạt động quản lý, nâng cao vai trò, vị thế của lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trong đời sống xã hội và góp phần khẳng định đóng góp quan trọng của ngành TT&TT trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước”, Cục PTTH&TTĐT cho hay.
Số liệu từ ‘Sách trắng lĩnh vực PTTH&TTĐT năm 2024’ cho thấy, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 72 cơ quan phát thanh, truyền hình (gọi tắt là các đài PTTH); 78 kênh phát thanh trong nước, 189 kênh truyền hình trong nước cùng 45 kênh phát thanh, truyền hình nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
So với năm 2022, số lượng kênh phát thanh, truyền hình nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã giảm 11 kênh. Nguyên nhân là do các hãng sở hữu kênh chỉ giới hạn cung cấp kênh trên dịch vụ xem nội dung theo yêu cầu của hãng.
“Việc này cho thấy đang có sự dịch chuyển từ truyền hình truyền thống sang dịch vụ nội dung theo yêu cầu”, Cục PTTH&TTĐT nhận xét.
Tổng nguồn thu của các đài PTTH năm 2023 đạt 11.864 tỷ đồng, giảm 21,7% so với năm 2022. Theo phân tích của Cục PTTH&TTĐT, doanh thu của nhiều đài PTTH giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự cạnh tranh về quảng cáo thương mại của các phương thức truyền thông khác như trang tin điện tử, mạng xã hội...
Cũng theo ‘Sách trắng lĩnh vực PTTH&TTĐT năm 2024’, năm 2023 đánh dấu sự phát triển ổn định của thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam. Cả nước có 34 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ PTTH trả tiền, với tổng số thuê bao truyền hình trả tiền năm 2023 đạt 21 triệu.
Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền năm 2023 là 9.541 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5% so với năm 2022. Đặc biệt, doanh thu dịch vụ PTTH qua mạng Internet - OTT TV tăng trưởng mạnh, đạt 1.563 tỷ đồng, tăng 10,3 % so với năm 2022.
Về thông tin điện tử, tính đến cuối năm ngoái, số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép, còn hiệu lực là 2.083 trang; số lượng mạng xã hội được cấp phép là 1.011.
Trong năm 2023, số lượng cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm gần 40% so với cùng kỳ 2022; không cấp phép mới trang thông tin điện tử tổng hợp với cơ quan báo chí.
Tình trạng ‘báo hóa’ trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội cũng đã được chấn chỉnh kịp thời.
Đối với mảng trò chơi điện tử trên mạng, cả nước có 267 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, và 162 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4.
Doanh thu phát hành trò chơi điện tử năm 2023 đạt 12.552 tỷ đồng, tăng 1,2% so với năm 2022, nộp ngân sách nhà nước 1.200 tỷ đồng.