Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền, các cấp, các ngành của tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, triển khai hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người một cách hiệu quả. Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật phòng, chống mua bán người, chế độ hỗ trợ nạn nhân trở cũng được thực hiện kịp thời, nghiêm túc.
Đặc biệt, các nội dung, hình thức tuyên truyền có sự đổi mới, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực như trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai - Nguyễn Văn Sơn, thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, thời gian qua, ngành lao động, thương binh và xã hội đã tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh.
Cùng với đó, Sở cũng sử dụng các hình thức truyền thông phong phú và đa dạng khác như: nói chuyện chuyên đề, cung cấp tài liệu, băng rôn, khẩu hiệu. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung về phòng, chống mua bán người phát trên loa phát thanh 13 xã biên giới; tổ chức hàng trăm buổi truyền thông tại các phiên chợ, trường học, địa bàn biên giới thu hút gần 31.000 người tham dự. Cấp phát tờ rơi “Chung tay ngăn chặn nạn mua bán người”, “Sổ tay di cư an toàn” cho học sinh, sinh viên và nhân dân tại các xã có nguy cơ cao về nạn mua bán người…
Ngoài ra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cũmg tổ chức 8 lớp tập huấn công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho trên 400 cán bộ cơ sở; tổ chức 3 buổi tập huấn kiến thức về phòng chống mua bán người cho 148 sinh viên Trường Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố. Qua đó cung cấp những thông tin về di cư, đi lao động an toàn và các kỹ năng phòng tránh bị lừa bán cho các sinh viên chuẩn bị ra trường, đi làm việc xa nhà.
Ông Nguyễn Tường Long, Giám đốc Ban quản lý “Dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” - Giám đốc Nhà nhân ái Lào Cai (đơn vị thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh) cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay đơn vị đã tổ chức thực hiện hơn 20 buổi truyền thông tại các phiên chợ vùng cao và trường học thuộc địa bàn các huyện: Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn… Các buổi truyền thông thu hút trên gần 5.000 người tham dự.
Qua các buổi truyền thông, người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) cũng như học sinh đã được nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhận diện được nạn nhân cũng như kẻ mua bán người và có được những kỹ năng cần thiết để không trở thành nạn nhân bị mua bán.
Đặc biệt, hưởng ứng Ngày phòng, chống mua bán người năm 2023, trong tháng 7/2023, Ban Quản lý "Dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về" đã phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng các địa phương tổ chức các buổi truyền thông vào các ngày chợ phiên thuộc 3 địa bàn trọng điểm để tuyên truyền cho người dân về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, đặc biệt là các thủ đoạn mới và mục đích của tội phạm mua bán người.
Nâng cao ý thức cảnh giác tự bảo vệ mình
Hiện nay, tội phạm mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường nhắm vào những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế; phụ nữ ở các thôn, bản vùng cao, vùng xa có trình độ nhận thức hạn chế, nhẹ dạ cả tin; thanh niên đua đòi thích ăn chơi, lười lao động… Chúng thường tiếp cận làm quen, dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn giúp đỡ đưa đi tìm việc nhẹ, lương cao hoặc giả vờ yêu đương, hứa hẹn kết hôn để lừa gạt bán ra nước ngoài…
Theo Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Sơn, để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm mua bán người, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động.
Ngoài ra, cần cảnh giác cao, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn, nhất là với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.
Thận trọng, tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa.
Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.
Khi phát hiện hành vi buôn bán người hãy thông báo cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất. Dù nhỏ tuổi hay đã trưởng thành bạn đều được hưởng quyền công dân, quyền con người, do vậy nếu bạn bị chính người thân trong gia đình gả bán, hãy liên lạc với công an, chính quyền, Hội Phụ nữ hoặc các tổ chức xã hội khác để được giúp đỡ.
Khi cần giúp đỡ nhanh chóng để thoát khỏi kẻ mua bán người hoặc tố giác tội phạm mua bán người, hãy gọi cho công an theo số điện thoại 113 hoặc số đường dây nóng phòng, chống mua bán người 111.