Nhà sáng chế hàng loạt máy móc nông nghiệp mới chỉ học hết lớp 7.

Ông Phạm Văn Hát ở xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương đã sáng chế hàng loạt máy móc giúp nông dân bớt cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Mọi người khá ngạc nhiên khi ông Hát cho biết mình mới học hết lớp 7.

Được người Israel thưởng 5.500 USD

Thuê 3 ha trồng rau sạch nhưng thời tiết không thuận, thiếu vốn, không có đầu ra ổn định nên ông Hát thất bại nặng nề, kinh tế gia đình bị thiệt hại lớn. Bốn năm trồng rau sạch, tính từ năm 2001, gia đình ông Hát lỗ gần 2 tỉ đồng.

Để giảm bớt gánh nặng nợ nần, ông Hát kể, năm 2010 ông quyết định đi xuất khẩu lao động sang Israel. Tại đất nước xa lạ này, ông được bố trí làm thuê ở một trang trại trồng rau. Nền nông nghiệp hiện đại của Israel giúp ông Hát mở mang tầm nhìn. Ngày đầu tiên làm việc trên cánh đồng rộng hàng trăm hecta, được trang bị nhiều phương tiện sản xuất hiện đại, hệ thống tưới nước thấm đất được điều khiển bằng chip tự động nhưng riêng ông Hát thì vẫn phải làm việc bằng… cuốc. Lý do là cánh đồng được rải phân gà ủ mục nhằm giúp cho đất xốp và mỗi khu vực phải có ba người cầm cuốc “đuổi theo” cái xe kéo phân, cứ một đoạn lại bổ một nhát hất phân xuống ruộng, chỗ dày chỗ mỏng tùy theo sức của từng người.

Làm đến ngày thứ ba ông Hát “hoa mắt, chóng mặt, ù tai”. Ông nằng nặc đòi gặp ông chủ trang trại. Tiếng Anh ông Hát chỉ biết “good” hoặc “not good”. Ông Hát huơ tay ra hiệu rồi lấy que vạch lên những nét nguệch ngoạc trên bãi cát. “Người Do Thái rất thông minh! Ông chủ hiểu ngay tôi muốn cải tiến cái máy. Ông ấy về văn phòng mang giấy, bút, compa, thước kẻ... để tôi vẽ ra những ý tưởng” - ông Hát kể.

Sau đó ông Hát được ông chủ người Israel cho phép chỉ ngồi ở nhà sáng chế. Hai người giao tiếp chủ yếu nhờ... công cụ dịch của Google. Mọi yêu cầu về vật liệu đều được nhân viên trang trại sắm. Nhờ kiến thức đã tích lũy, chỉ sau ít ngày ông Hát đã hoàn thiện thiết bị rải phân tự động gắn vào sau chiếc máy kéo. “Mặc dù khi ấy đã sắp tối, ông chủ vẫn đem máy ra cánh đồng thử. Máy chạy đến đâu rải đều lên luống một lớp phân đều như nhau. Bất ngờ và cảm kích, bố con ông chủ trang trại ôm chầm lấy tôi và cầm luôn bình xịt sơn xịt lên máy dòng chữ: “Máy của Hát”” - ông Hát nhớ lại.

{keywords}

Ông Phạm Văn Hát bên chiếc máy gieo hạt tại một ruộng rau. (Ảnh do ông Hát cung cấp)

Sau đó hội đồng thẩm định của nhà nước Israel đến tận cánh đồng để thực nghiệm “Máy của Hát” và cấp bằng sáng chế cho ông chủ trang trại, đồng thời cấp cho ông chủ một khoản “thù lao sáng tạo” hạng trung lưu và mỗi năm một chuyến du lịch châu Âu. Tết âm lịch 2010, ông chủ đưa ông Hát đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Israel để bày tỏ cảm ơn và mời các thành viên đại sứ quán về nhà chiêu đãi.

Với những máy móc do ông Hát sáng chế và cải tiến, chủ trang trại chỉ cần từ hai đến ba lao động thay vì 25 lao động như trước kia. Ông Hát được chủ trang trại thưởng ngay 5.500 USD, điện thoại và máy tính.

Chế tạo robot đặt hạt tự động

Đầu năm 2012, ông Hát quyết định trở về nước mở xưởng cơ khí. Đam mê kết hợp với những kiến thức, kinh nghiệm tại Israel, ông đã chế tạo ra bộ ép luống soi rạch trồng rau các loại và bộ ép luống chuyên dùng cho cà rốt, cải tiến một số bộ phận của máy làm đất như chế tạo cày hai lưỡi thay thế cho cày một lưỡi, cày bốn lưỡi thay thế cho cày ba lưỡi…

Ông Hát chia sẻ: “Khi mở xưởng, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là làm thế nào để sáng chế ra một chiếc máy đánh luống, soi rạch trồng cây vụ đông. Đã từng trồng mấy mẫu rau màu nên tôi hiểu nỗi vất vả của nông dân”. Ý tưởng gắn thêm hai chiếc lưỡi vào máy cày để vừa vét được đất lên luống vừa soi rạch cho bà con tra hạt được ông áp dụng từ vụ đông năm 2012. Với sáng chế này, nông dân không phải mất thêm công đoạn vét đất lên luống và soi rạch như trước.

Nếu như sử dụng cày một lưỡi, một công lao động chỉ được tám sào (sào Bắc Bộ, tức 360 m2 - PV), vì máy dễ bị văng do thiếu cân bằng, nông dân khó điều khiển máy. Còn sử dụng cày hai lưỡi, một công lao động có thể đạt tới hai mẫu. Cày hai lưỡi và bốn lưỡi của ông Hát đã giúp nông dân đỡ vất vả, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập.

Cuối năm 2012, một lần tình cờ đi qua vùng trồng cà rốt ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, ông Hát thấy nông dân dùng máy gieo hạt kéo tay nhưng hạt gieo không đều, mất nhiều công tỉa cây dư thừa. Ông Hát nảy sinh ý tưởng cần phải chế tạo robot đặt hạt tự động.

Nói là làm, ông Hát nghiên cứu, tìm tòi, thiết kế. Sau gần một năm nghiên cứu và thực nghiệm, ông Hát đã chế tạo thành công robot đặt hạt tự động với sự chính xác cao. Robot này được đưa vào sử dụng tại địa phương, bán ra thị trường để phục vụ cho các vườn ươm cây giống cà rốt, su hào, bắp cải và các loại rau khác. Robot này có thể sử dụng điện ắcquy hoặc điện 220 V.

Năng suất của robot cao cấp 30-40 lần lao động thủ công, khoảng cách giữa các hạt được điều chỉnh tùy theo từng loại cây giống, tiết kiệm từ 20% đến 30% hạt giống so với phương pháp thủ công. Đồng thời, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư tới 600.000 đồng/sào. Robot đặt hạt tự động được nhiều nông dân ở Hải Dương, Hà Nội, Lâm Đồng… đến đặt mua, tới nay đã có 40 robot được bán ra.

Ngoài ra, ông Hát còn thiết kế, chế tạo máy đặt hạt kéo tay, giúp nông dân không cần đến động cơ hay mô tơ mà vẫn đặt hạt chính xác và đặt được nhiều hàng trên cùng một lượt, có thể áp dụng cho nhiều loại hạt như ngô, đậu tương, hạt củ đậu, hạt đỗ đen, đỗ xanh…

Ông Hát cho hay hiện đang nghiên cứu chế tạo máy bỏ khóm (gieo vãi), máy trồng ngô và máy thu hoạch khoai tây, cà rốt…

Được tặng thưởng huân chương Lao động hạng Ba

Tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV giai đoạn 2010-2015 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Hát đã được tặng thưởng huân chương Lao động hạng Ba vì những thành tích, đóng góp của ông cho hiện đại hóa nông nghiệp.

Riêng sáng chế robot đặt hạt tự động của ông Hát đã đạt giải nhất hội thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ 8” năm 2012-2013, giải khuyến khích cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 5” năm 2013 và giải nhất cuộc thi “Nhà sáng chế” năm 2014…

Ông Hát cho biết hiện mới chỉ có máy gieo hạt của ông là được cấp bằng sáng chế độc quyền, còn các loại máy khác đã đăng ký từ lâu nhưng vẫn chưa có kết quả. “Nông dân như chúng tôi thấy rất nản khi phải đi đăng ký, vừa tốn tiền vừa nhiêu khê thủ tục” - ông Hát nói. Trong khi đó, có nhiều loại máy nông nghiệp ông Hát chế tạo vừa ra lò đã bị làm nhái trên thị trường.


(Theo PL TP.HCM)