Người Libya đang ăn mừng "sự tự do" của miền
đông nước này khỏi quyền lãnh đạo của Tổng thống Muammar Gaddafi, người tuyên bố
"sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng" và đang cố gắng giữ vững thủ đô Tripoli ở
phía tây.
TIN LIÊN QUAN:
Libya đầy xác chết, nghìn người tháo chạy
Biểu tình dậy sóng Libya,
Gaddafi "quyết tử"
Bất ổn Libya thêm dữ dội, hàng trăm người chết
Libya "nguy cơ nội chiến"
Thêm máu đổ ở Trung Đông và Bắc Phi
Trung Đông "sốt" biểu tình, có thêm người chết
Toàn cảnh khủng hoảng Ai Cập
Biểu tình phản đối ông Gaddafi ở Tobruk, đông Libya (Ảnh AP)
Tầm kiểm soát của ông Gaddafi cũng đang bị thu hẹp dần vào 23/2 khi nhiều
thành phố và thị trấn lớn gần thủ đô nước này đã rơi vào tay lực lượng nổi dậy
chống lại ông. Ở phía đông, phe đối lập thề "giải phóng" Tripoli.
Nằm giữa Ai Cập và Tunisia, nơi làn sóng biểu tình đã hạ bệ được tổng thống cả
hai nước, Libya - đất nước gồm 6 triệu dân nằm dưới sự lãnh đạo của Gaddafi 42
năm liền - giờ đây đã chia làm hai nửa khiến hàng nghìn lao động nước ngoài bị
mắc kẹt, ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu dầu, làm dấy lên lo ngại về xung
đột bộ lạc và nội chiến.
Mỹ tuyên bố nước này có thể áp đặt các lệnh cấm vận để giúp chấm dứt tình trạng
bạo lực mà theo lời một quan chức châu Âu có thể đã cướp mạng sống của 1.000
người.
Tổng thống Barack Obama kêu gọi quốc tế đoàn kết nhằm dẹp bỏ bạo lực. Ông không
nói Gaddafi nên từ chức nhưng tuyên bố nhà lãnh đạo sẽ phải gánh trách nhiệm
trước bất kỳ một sự lạm dụng nào.
"Điều cấp thiết là các nước và dân chúng trên thế giới phải cùng một tiếng nói",
Obama nói với các phóng viên ở Nhà Trắng trong lời bình luận công khai đầu tiên
của ông về Libya sau 10 ngày bất ổn. "Nỗi đau và cảnh máu đổ rất khủng khiếp",
ông nói.
Benghazi hoan hỉ
Các nhà lãnh đạo khác - vốn cũng đón chào Gaddafi và dầu mỏ của ông sau nhiều
năm cô lập - cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về mức độ bạo lực ở Libya.
Pháp kêu gọi áp đặt các lệnh cấm vận ngay lập tức. Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ
xem xét "mọi lựa chọn" còn các quan chức ở Washington nói trừng phạt nằm trong
số các chủ đề đang được xem xét.
Ở thành phố Benghazi, nôi kháng chính phủ ở đông Libya, hàng nghìn người đã đổ
ra đường, đốt pháo hoa và vẫy cờ thời vị vua mà Đại tá Gaddafi lật đổ năm 1969.
"Chúng tôi đã phải chịu đựng 41 năm rồi", một nam giới 45 tuổi tên là Hamida
Muftah bày tỏ. "Gaddafi giết hại người dân... Chúng tôi là một đất nước giàu có
nhưng phần lớn người dân còn khổ hơn cả mức nghèo".
Theo một quan chức y tế địa phương, khoảng 320 người đã thiệt mạng ở Benghazi kể
từ khi các cuộc biểu tình chống nghèo đói và áp bức bắt đầu.
Hãng tin Quryna của Libya dẫn lời một nguồn tin quân sự cho biết, một phi đội
đánh bom đã bỏ việc và để cho máy bay của họ bị đập phá còn hơn là đi ném bom
xuống Benghazi. Trước đó trong tuần, hai phi công Libya đã lái máy bay tới Malta
để không phải tấn công dân thường trong nước.
Người địa phương cho hay, tại biên giới giáp Ai Cập, các quan chức trung thành
với Gaddafi đã bỏ chạy và hội đồng địa phương đang được thiết lập trên khắp các
thành phố phía đông để cung cấp dịch vụ. Việc thiếu vắng các nhóm đối lập có tổ
chức ở Libya có thể gây khó cho bất cứ một sự chuyển giao quyền lực nào.
Tripoli yên lặng
Trong một dấu hiệu cho thấy quyền kiểm soát của Gaddafi ở miền tây đang phải đối
mặt với thách thức mới, một thông báo trên Internet được cho là của các luật sư
và thẩm phán ở thành phố bờ biển Misrata tuyên bố, với sự giúp đỡ của các sĩ
quan quân sự "lương thiện", họ đã đuổi cổ các điệp viên của "chế độ đàn áp" và
nắm quyền kiểm soát.
Xa hơn nữa về phía Tây khoảng 200km, ở Tripoli, các phóng viên địa phương mô tả
đường phố rất yên bình sau vài vụ đụng độ bạo lực trong những ngày gần đây.
Kênh truyền hình nhà nước của Gaddafi chiếu cảnh vài chục người trung thành với
Tổng thống mang theo chân dung ông và hô vang những lời ca ngợi nhà lãnh đạo
này.
"Nhiều người sợ phải ra khỏi nhà ở Tripoli và những tay súng ủng hộ Gaddafi rong
ruổi khắp nơi đe dọa những ai tụ tập thành nhóm", Marwan Mohammed, một người
Tunisia rời thủ đô Libya và vượt biên giới về nước, mô tả.
Trước đó, các con nhà Gaddafi đã lên tiếng bảo vệ cha mình. Bản thân vị Tổng
thống này cũng lên truyền hình thề sẽ chiến đấu đến cùng và "dọn sạch Libya từng
nhà một". Họ quy kết báo chí phương Tây đưa tin sai sự thật.
"Người Libya là nạn nhân của một trò đùa lớn chưa từng có", Saif al-Islam - con
trai của Gaddafi, nói trên đài truyền hình quốc gia. "Vì vậy, mọi người hãy thức
tỉnh. Mọi thứ là dối trá. Sự thật bắt đầu từ hôm nay. Các bạn sẽ thấy điều đó
trong mắt mình, ngày may và ngày mai nữa".
Một người con trai khác là Saadi nói với tờ Financial Times rằng Saif al-Islam
đang soạn thảo một hiến pháp "mang dòng máu mới tới điều hành đất nước" và tiết
lộ thêm rằng "cha tôi sẽ ở lại như một người cha lớn để khuyên bảo".
Con gái Aisha của Gaddafi cũng xuất hiện trên truyền hình, phủ nhận thông tin cô
đang tìm cách chạy tới Malta. "Tôi ở đây không rời nửa bước", Aisha nhấn mạnh và
nói cô không hay biết có thông tin là cô đã bị Liên Hợp Quốc hủy vai trò đại sứ
thiện chí.
Tuy nhiên, nhiều người khác đã quay lưng lại với Gaddafi. Bộ trưởng Nội vụ Abdel
Fattah Younes al Abidi và một trợ tá cấp cao cũng theo gót họ. "Tôi từ chức khỏi
Quỹ Gaddafi từ hôm 20/2 để bày tỏ bất bình trước bạo lực", Youssef Sawani, giám
đốc điều hành Quỹ này, cho hãng tin Reuters hay.
Gaddafi đã triển khai quân tới phía tây thủ đô trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng biểu tình từ phía đông lan sang. Ở phía đông, nhiều binh sĩ đã đào ngũ.
Tướng Soliman Mahmoud al-Obeidy cho hay, ở
Tobruk, đông Libya, người dân không còn tín nhiệm Tổng thống nữa. "Tôi tin rằng
ông ấy sẽ phải ra đi trong những ngày tới đây".
Sức ép dầu mỏ
Giá dầu đã leo lên trên 111 USD/thùng, cao nhất kể từ giữa năm 2008 do có nhiều
lo ngại rằng hỗn loạn có thể lan tới các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác khiến cho
nguồn cung bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, các nước có quan hệ làm ăn chặt chẽ với Libya đang nỗ lực tối đa
để sơ tán hàng nghìn công dân của họ ra khỏi nước này. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho
hay, một lao động nước này đã bị bắn chết tại một tòa nhà gần Tripoli.
Theo một nhân viên dầu mỏ Anh, 300 người đã bị kẹt tại một trại đông Libya, nơi người dân địa phương xông vào cướp phá các kho dầu. "Chúng tôi đang sống từng ngày trong nỗi sợ mất tính mạng vì người dân địa phương có vũ khí", James Coyle nói trên BBC.
Ước tính 1,5 triệu người nước ngoài đang làm việc
hoặc du lịch ở Libya và 1/3 dân số nước này là người nhập cư đến từ vùng Tiểu
Sahara châu Phi.
Các nhân chứng mô tả khắp nơi hỗn loạn khi ai nấy đều muốn rời đi.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án bạo lực ở Libya và yêu cầu những ai chịu
trách nhiệm tấn công dân thường phải chịu tội.
Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi một nghị quyết chính thức. "Chế độ Libya
đang sử dụng các mức độ vũ lực và bạo lực kinh khủng chống lại chính nhân dân
của họ, trong đó có việc dùng máy bay bắn thẳng vào dân thường", ông Cameron
nói.
Tại Brussels, các quan chức EU đã nhất trí chuẩn bị các lệnh cấm vận có thể song
chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Thanh Hảo (Theo Reuters, BBC, AP)