Thông tin trên được ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ chia sẻ tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương sáng 20/12.

công nghiệp ô tô.jpg
Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo ông Tuất, ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất… song năm vừa rồi sức khỏe của doanh nghiệp “suy giảm khá nghiêm trọng”. Cụ thể, suy giảm doanh thu bình quân của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lên tới 40%, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường, đặc biệt là ở châu Âu diễn ra. 

Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ băn khoăn khi có làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, tránh hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan. 

Trong khi đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thiếu và yếu hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Một trong những lý do là doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất ở mức 10-12% trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc và nước khác vay vốn chỉ 2% lãi suất. 

Nhấn mạnh đến việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Tuất nêu quan điểm doanh nghiệp Việt Nam phải chế tạo được các cụm chi tiết, thay vì các chi tiết đơn lẻ. Bởi, nếu chỉ sản xuất được 1 cái lò xo, thì không thể gọi là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu được.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên định hướng chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, quan trọng và công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao (như sản xuất chíp bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản) để trở thành một động lực thúc mới đẩy sự phát triển của ngành. 

Về thương mại, ông Diên cho biết: Cán cân thương mại năm thứ 8 liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục (gần 30 tỷ USD), cao gấp gần 3 lần so với năm trước.

Bộ trưởng Công Thương cho hay sẽ tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu và lợi thế. Cụ thể như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, chíp và chất bán dẫn...

Ngoài ra, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn tiềm năng ở khu vực châu Phi, Nam Á, Tây Á và Nam Mỹ…, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

z4991944940206 545f66a5c7e1924b5189c6e1d525a3e2.jpg
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà 

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, sản xuất công nghiệp, thương mại đã đi qua năm 2023 đầy sóng gió. Nếu tháng 1/2023, sản xuất công nghiệp giảm sâu (giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước), xảy ra ở diện rộng, nhất là các địa phương đóng góp nguồn thu lớn, thì đã dần hồi phục trong những tháng cuối năm.

Nhưng về tổng thể, sản xuất công nghiệp vẫn chưa đạt kỳ vọng. Phó Thủ tướng băn khoăn khi chỉ số sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo giảm. "Công nghiệp chế biến chế tạo là nền tảng cho các ngành công nghiệp khác, nhưng có lĩnh vực giảm khá sâu 43% như điện tử".

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, xuất khẩu phụ thuộc FDI lá quá rõ mà chưa đánh giá được trong FDI có bao nhiêu là chuyển giao công nghệ. Ngành Công thương cần xem xét, cho ý kiến lựa chọn lĩnh vực để thu hút FDI, nếu tới đây thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, thì làm sao phải nắm bắt được công nghệ trong chuỗi để có thêm giá trị gia tăng, chứ không chỉ là gia công như sản xuất giày dép và may mặc.

"Đây là những vấn đề lớn, phải xây dựng chiến lược để thu hút FDI, vừa phải xây dựng được ngành công nghiệp chiến lược của Việt Nam. Chúng ta có thể đi sau nhưng có chính sách khéo léo sẽ vươn lên được", Phó Thủ tướng nói.