Có phải cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) để làm đẹp những báo cáo thành tích trong thời gian qua của các địa phương đã đến hồi “vỡ trận”, tức là đã vượt quá năng lực quản lý nhà nước về thẩm định cũng như kiểm soát các tác động môi trường do các dự án này gây ra?
Một điểm chung có thể thấy qua những dự án như Formosa (thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung), Lee & Man (có nguy cơ bức tử sông Hậu)... là khi đi sâu tìm hiểu mức độ tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường so với các yêu cầu pháp lý đặt ra ở Việt Nam, các hành vi vi phạm không chỉ đến từ các doanh nghiệp, mà còn đến từ việc thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Như ở trường hợp Formosa, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) nói rằng “đối với pháp luật Việt Nam, việc xả thải ngầm, ống thải ngầm là không cho phép” (Tuổi Trẻ, 30-4-2016) trong khi thực tế đường ống ngầm của Formosa dẫn ra biển đã được Bộ TN&MT chấp thuận năm 2014 sau khi có ý kiến của các bộ.
Với Lee & Man Việt Nam, Bộ TN&MT vừa mới cấp giấy phép xả thải 50.000 mét khối/ngày đêm vào tháng 12-2015 và đến giờ người ta mới phát hiện ra báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt năm 2008 nay đã lỗi thời.
Dù có qua được “ải” ĐTM, các dự án có lượng nước thải trên 10.000 mét khối/ngày đêm phải lập hồ sơ xin cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước tại Bộ TN&MT, và quá trình thẩm định trước khi cấp phép xả thải phải được lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân liên quan cũng như công khai thông tin về hồ sơ xin cấp phép xả thải (loại nước thải; nguồn tiếp nhận nước thải; vị trí xả nước thải; lưu lượng, phương thức xả thải; giới hạn thông số và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải) theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2013 và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP về việc hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.
Thực tế cho thấy Việt Nam không hề thiếu những công cụ về quản lý môi trường, nhưng rõ ràng xã hội đang có nhu cầu cấp thiết để thực hiện một cuộc rà soát và đánh giá toàn diện, càng sớm càng tốt, về năng lực thực thi cũng như hiệu quả điều phối của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. |
Tiếp đến, chủ dự án phải thực hiện những nội dung trong báo cáo ĐTM được phê duyệt và được xác nhận đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM trước khi được phép vận hành.
Nói thế để thấy rằng, việc đưa vào vận hành một dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, phải qua rất nhiều tầng nấc quản lý về môi trường từ trung ương đến địa phương, chưa kể một lực lượng hùng hậu các cơ quan thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường... luôn giám sát chặt chẽ, đòi hỏi các chủ đầu tư phải nỗ lực ở mức cao nhất mới có thể tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.
Liệu rằng Bộ TN&MT đã cấp giấy phép xả thải cho Lee & Man Việt Nam mà không qua thủ tục lấy ý kiến của cộng đồng cũng như không công khai thông tin về hồ sơ xin cấp phép xả thải, để đến giờ dư luận “giật mình” lên tiếng phản đối khi dự án sắp đưa vào hoạt động? Liệu rằng Bộ TN&MT khi thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xả thải của Lee & Man Việt Nam mà không biết báo cáo ĐTM 2008 không còn phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2015 và chưa được cập nhật để trình lên cho chính Bộ TN&MT phê duyệt?
Dư luận đang chờ hành động “Sau khi thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, kể cả đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan” của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khi công bố sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong đó có Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam từ ngày 1-7-2016.
Việc thu hút đầu tư là một nhu cầu phát triển của bất cứ xã hội nào, nhưng việc đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển còn quan trọng hơn gấp nhiều lần. Nếu không, sự trả giá là điều không phải bàn cãi. Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ rõ, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm, nghĩa là chỉ riêng năm 2015 thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đã lên đến 10 tỉ đô la Mỹ, lớn hơn số vốn thực tế được giải ngân của bất kỳ một dự án FDI nào từ trước đến nay. Đó là chưa kể đến con số 780 triệu đô la Mỹ phải chi ra hàng năm cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra.
Từ thảm họa cá chết ở miền Trung đến nguy cơ bức tử sông Hậu, phải chăng đang bắt đầu diễn ra một cuộc khủng hoảng về năng lực thực thi pháp luật bảo vệ môi trường?
Ai trả lời được có bao nhiêu cống ngầm “vĩ đại” như của Formosa đang xả xuống những vùng biển? Ai trả lời được có bao nhiêu nhà máy với những cống thải “siêu khủng” như của Lee & Man đang và sẽ thải ra những dòng sông?
Thực tế cho thấy Việt Nam không hề thiếu những công cụ về quản lý môi trường, nhưng qua những vấn đề như ở Formosa hay Lee & Man Việt Nam, rõ ràng xã hội đang có nhu cầu cấp thiết để thực hiện một cuộc rà soát và đánh giá toàn diện, càng sớm càng tốt, về năng lực thực thi cũng như hiệu quả điều phối của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Trước hết, tập trung rà soát những quyết định phê duyệt ĐTM và giấy phép xả thải đã được cấp cho các dự án công nghiệp trong vòng 10 năm qua để có cái nhìn tổng thể về những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả của các giải pháp kiểm soát ô nhiễm của các dự án này.
Từ nay, việc tham vấn ý kiến cộng đồng trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM và trong quá trình thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xả thải của các dự án phải được thực hiện theo đúng quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2015 và Luật Tài nguyên nước 2013 để cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân liên quan tham gia ý kiến một cách minh bạch và đúng thực chất. Những dự án nào chuẩn bị đưa vào hoạt động mà qua rà soát thấy chưa thực hiện các bước tham vấn ý kiến cộng đồng thì phải bắt buộc thực hiện lại.
Quan trọng nhất, chế tài cho các vi phạm phải được áp dụng nghiêm minh, bất kể đó là đại diện doanh nghiệp hay đại diện cơ quan quản lý nhà nước. Việc thẩm định ĐTM không phải là thủ tục để “hợp thức hóa” cho việc cấp phép đầu tư theo yêu cầu của một cá nhân hay tổ chức nào đó, mà thẩm định ĐTM phải được thực hiện đúng vai trò “gác cửa” cho cơ quan cấp phép đầu tư để thẳng tay loại bỏ những dự án có nguy cơ gây tổn hại tài nguyên hay gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài:
Không chấp nhận thảm họa môi trường Tôi muốn đánh động trào lưu dòng vốn FDI từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc đổ vào vào dệt nhuộm để tranh thủ thời cơ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là những dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Tôi hy vọng các cơ quan có liên quan ở trung ương và các tỉnh phải coi vấn đề môi trường trong các dự án này là hết sức quan trọng; không châm chước ngay từ khi cấp phép, kể cả không cấp phép các dự án mà không kiểm soát được. Với các dự án cấp phép thì phải dành một số vốn đầu tư để xử lý môi trường đúng như chuẩn Việt Nam. Chất lượng của dự án đầu tư là rất quan trọng. Kể từ khi phân cấp cấp phép vốn FDI cho các ban quản lý khu công nghiệp, các tỉnh, thì lợi ích cục bộ, đặc biệt là lợi ích nhóm, lợi ích nhiệm kỳ làm cho các nhà lãnh đạo mới luôn coi việc thu hút vốn FDI như yếu tố để đảm bảo tín nhiệm của mình, coi đó là thành tựu của kinh tế xã hội của tỉnh. Đó là điều rất nguy hiểm. Các nhà đầu tư có quyền lựa chọn đất nước họ đến đầu tư. Tại sao chúng ta không thực hiện các quyền lựa chọn nhà đầu tư sao cho đúng với định hướng rõ ràng của Chính phủ. Đã có hàng loạt các đề án, tiêu chuẩn, hướng dẫn của nhà nước trong lĩnh vực thu hút FDI, sao họ không biết lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng. Lãnh đạo các tỉnh, các ban quản lý phải chịu trách nhiệm cá nhân trước nhà nước, trước nhân dân về những dự án họ không lựa chọn tốt, gây ô nhiễm môi trường. |
(Theo TBKTSG)