Đà Nẵng có 10.579 căn nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước nhưng không có trường hợp nào thuê mua mà chỉ thuê. TP đã lập Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bán 846 căn và đã bán được 616 căn.
Đây là một trong những nội dung liên quan tới nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng nêu tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi vừa gửi Chính phủ.
Dẫn số liệu báo cáo từ các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, trên cả nước có 15 địa phương có nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước với tổng số 15.841 căn. Trong đó có 12.162 căn đã cho thuê, 1.380 căn đã cho thuê mua (tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Vĩnh Long), 929 căn đã bán và 750 căn còn trống do chưa có đối tượng thuê/thuê mua hoặc do người thuê hết thời hạn thuê trả lại do không còn nhu cầu; 620 căn của TP.HCM chưa có báo cáo cụ thể về tình hình thuê, thuê mua quỹ nhà này.
Cá biệt như TP Đà Nẵng có 10.579 căn nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước nhưng không có trường hợp nào thuê mua mà chỉ cho thuê. TP đã lập Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bán 846 căn và đã bán được 616 căn.
Bộ Xây dựng đánh giá, việc cho phép hình thức thuê mua sẽ dẫn đến ít đối tượng được thụ hưởng làm giảm quỹ nhà cho thuê.
Đồng thời khi cho phép thuê mua sẽ dẫn đến hình thức sở hữu "da báo", trong một dự án hoặc một tòa nhà vừa có sở hữu tư, vừa có sở hữu Nhà nước, dẫn đến việc quản lý, sử dụng, vận hành khó khăn.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm quốc tế thì hầu hết các nước, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, ... khi đầu tư nhà ở xã hội bằng ngân sách Nhà nước thì chỉ để cho thuê.
Do vậy, trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế như hiện nay, Bộ Xây dựng đề nghị chỉnh lý trong dự thảo quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân theo hướng Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công chỉ để cho thuê.
Trường hợp có nhu cầu bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để tái đầu tư xây dựng tại vị trí khác thì lập Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tại báo cáo này, Bộ Xây dựng thống nhất phương án 1 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý. Theo đó, khoản 4 Điều 78 dự thảo Luật quy định: "Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là chủ thể quản lý các dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội để cho thuê".
Về giá thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn đầu tư công, Bộ Xây dựng thống nhất phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của tổ chức, cá nhân đồng thời đảm bảo hạn chế hiện tượng trục lợi nâng giá, Bộ Xây dựng đề nghị chỉnh lý theo hướng giá thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân do các bên tự thỏa thuận nhưng đảm bảo không cao hơn khung giá do UBND cấp tỉnh công bố.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được yêu cầu phải thi công dự án trong tháng 11 này, nếu vi phạm đến mức phải chấm dứt dự án thì các cơ quan chức năng phải tiến hành thu hồi.
Người dân có đất tại các khu vực quy hoạch nhóm nhà ở tại TP.HCM, không phân biệt chức năng quy hoạch khu dân cư hiện hữu hay khu dân cư xây dựng mới, nếu đáp ứng điều kiện sẽ được chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở.