Cuộc gặp Trump-Tập sẽ là cuộc gặp được dư luận chú ý nhiều nhất tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở thành phố Osaka vào cuối tháng này. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có nhiều vấn đề cần thảo luận, nhưng có vẻ như cuộc gặp này sẽ không giải quyết được những vấn đề gai góc trong quan hệ Mỹ-Trung.

Xung đột thương mại Mỹ-Trung chắc chắn sẽ đứng đầu chương trình nghị sự, và là điều quan tâm chính của tất cả các thành viên nhóm G20 khác. Mối lo ngại lớn ở đây là một cuộc xung đột thương mại kéo dài sẽ làm suy yếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, gây ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng hoặc thậm chí có thể gây ra sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

{keywords}
Cuộc gặp Trump-Tập tại hội nghị G20 sắp tới sẽ có nhiều vấn đề cần thảo luận. Ảnh: THX

Sự thất vọng ngày càng tăng giữa các thành viên G20 khác khi Bắc Kinh từ chối giải quyết các vấn đề chính sách công nghiệp vốn là tâm điểm của sự tranh chấp như về các hàng rào phi thuế quan, các công ty Trung Quốc được Bắc Kinh bảo hộ, vấn đề trộm cắp tài sản trí tuệ và chính sách thuế tự do.

Hiện quan điểm hai bên Mỹ-Trung vẫn rất khác biệt, và không có dấu hiệu nào cho thấy phía Bắc Kinh chuẩn bị nhượng bộ. Trên thực tế, hồi tháng 5 sau khi Tổng thống Trump tăng thuế quan nhằm vào hàng hóa Trung Quốc khi ông cho rằng phía Trung Quốc đã “lật lọng” với những thỏa thuận hai bên trước đó đã đạt được, phía Bắc Kinh đã khuấy động phong trào yêu nước và kêu gọi sẵn sàng chịu đựng khó khăn lâu dài.

Dù hiện nay, cả Mỹ-Trung đều đang lún sâu vào căng thẳng thương mại, một tia hy vọng đã dấy lên khi tuần trước Trung Quốc xác nhận ông Tập sẽ gặp ông Trump tại hội nghị G20, điều này đã làm tăng hy vọng cuộc gặp này sẽ tạo ra một bước đột phá. Tuy nhiên, SCMP dẫn lời các chuyên gia nhận định, có rất ít cơ hội cho việc này xảy ra.

Đang có một số nhà kinh tế học Trung Quốc kêu gọi chính phủ nước này ban hành những cải cách thị trường để giúp cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển hiệu quả hơn, nhưng ông Tập lại không có sự hỗ trợ chính trị nào để có thể thay đổi theo cấu trúc mà phía Mỹ yêu cầu trong một sân chơi kinh tế bình đẳng.

{keywords}
Thương chiến Mỹ-Trung được cho là bắt nguồn từ những chính sách của Bắc Kinh. Ảnh:Reuters

Bởi đơn giản dù ông Tập có là người đứng đầu bộ máy chính trị của Bắc Kinh, nhưng có vẻ như ông ấy vẫn rất cần sự đồng thuận từ tất cả mọi người trong hệ thống chính trị nước này trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Tương tự như vậy, chính quyền Trump tin rằng kết quả duy nhất có thể chấp nhận được đó là khi Trung Quốc đồng ý với những cải cách kinh tế mà bộ máy nước này cần ban hành. Nhiều người cũng nhận ra rằng, cuộc gặp trên của Trump-Tập sẽ không đạt được kết quả và sẽ càng củng cố niềm tin của ông Trump khi sử dụng thuế quan như một công cụ cưỡng chế nhằm đạt được mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung mang tính công bằng. Bất kể cuộc gặp trên có được chuẩn bị hay thân thiện như thế nào đi nữa, thì khả năng hai bên đạt được sự thỏa hiệp vẫn rất mong manh.

Ngoài vấn đề kinh tế thương mại, một số vấn đề an ninh cũng sẽ được đưa ra bàn luận khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau như Iran và Triều Tiên. Cũng giống như vấn đề thương mại song phương, các vấn đề này được dự đoán cũng sẽ khó có thể tìm ra được hướng giải quyết tại hội nghị G20.

Thứ nhất, chuyến thăm cấp cao của ông Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng đánh dấu sự trở lại bình thường của mối quan hệ Trung-Triều vốn đã đi xuống sau các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, khi Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng trong một chiến dịch gây “áp lực tối đa” của Washington nhằm vào Triều Tiên.

{keywords}
Iran và Triều Tiên dự kiến cũng sẽ được Trump-Tập bàn luận. Ảnh: counterthreatgrp

Và dù hiện quan hệ Trung-Triều được cải thiện, nhưng không có vẻ ông Tập có thể dùng Bình Nhưỡng làm đòn bẩy với Mỹ, bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không muốn bị xem như một quân cờ trong trò chơi chính trị của Washington, Bắc Kinh và Seoul.

Thứ hai, sự căng thẳng Mỹ-Iran cũng là điều Bắc Kinh lo ngại. Ông Tập từng cảm thấy nhẹ nhõm khi ông Trump cho dừng cuộc tấn công Iran sau khi máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ bị Iran bắn rơi hồi tuần trước tại eo biển Hormuz. SCMP dự đoán ông Tập có thể sẽ đưa ra lời khen ngợi ông Trump về sự kiềm chế trên và đưa ra đề nghị tăng cường hợp tác.

Còn về phía ông Trump cũng có thể tận dụng cơ hội này để đưa đề nghị Bộ Quốc phòng hai nước Mỹ-Trung nên tăng cường xây dựng các biện pháp đối thoại nhằm kiềm chế khủng hoảng, giảm thiểu rủi ro nhằm đảm bảo hai bên có thể tránh những hiểu lầm nếu các sự cố liên quan đến hệ thống máy bay không người lái xảy ra trong tương lai.

Với việc cả thế giới trông chờ và hy vọng vào một kết quả tích cực, cuộc gặp Trump-Tập chắc chắn sẽ là một điểm nhấn của hội nghị G20. Tuy nhiên, khi đối mặt trước những vấn đề khó khăn, cuộc gặp này sẽ khó có thể tạo ra bước đột phá thực sự tại Osaka.

Tuấn Trần