Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra bất chấp quan hệ Mỹ - Thổ đang căng thẳng do những bất đồng về Syria và thương vụ Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
Hai ông Trump và Erdogan gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 13/11/2019. (Ảnh: Reuters) |
Theo hãng tin CNN, trong một cuộc gặp ở Phòng Bầu Dục, chủ nhân Nhà Trắng liên tục nói với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng thật là "một vinh dự" khi tiếp đón ông và ca ngợi tình bạn giữa hai người, bất chấp sự phản đối rộng khắp ở Quốc hội Mỹ về chuyến thăm của ông Erdogan và những lo ngại về chiến dịch của Ankara nhằm vào người Kurd ở Syria.
"Ông đang làm một công việc tuyệt vời cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ", Tổng thống Trump nói và nhấn mạnh sau đó rằng nhà lãnh đạo Thổ có một "mối quan hệ lớn với người Kurd", lực lượng mà Mỹ coi là đồng minh nhưng Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào diện khủng bố.
Chuyến thăm của ông Erdogan tới Nhà Trắng – một tháng sau khi ông Trump rút quân Mỹ khỏi Syria dọn đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch ở miền bắc Syria – đã được lên kế hoạch để tạo sóng dư luận ngay trước khi phe Dân chủ thông báo họ bắt đầu điều trần luận tội công khai chống lại Tổng thống trong cùng ngày 13/11. Và khi hai nhà lãnh đạo ngồi vào bàn thảo luận ở Nhà Trắng thì hai nhà ngoại giao Mỹ cấp cao ra điều trần về các hợp đồng của Tổng thống với Ukraina. Một người, đại sứ Bill Taylor, nói một trợ tá của ông đã nghe thấy Tổng thống hỏi trong cuộc điện đàm hồi tháng 7 về "các cuộc điều tra" mà ông muốn Ukraina tiến hành đối với cha con Joe Biden, ứng viên Dân chủ hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Donald Trump tuyên bố không quan tâm đến cuộc điều trần, mà tại đó hé lộ nhiều tình tiết mới chấn động đặt ông vào tâm điểm của chiến dịch gây sức ép lên Ukraina.
Một chủ đề lặp đi lặp lại trong các cuộc hỏi đáp luận tội là sự nhầm lẫn và lo lắng về chính sách đối ngoại gây hỗn loạn của Tổng thống, không đâu rõ ràng như với ông Erdogan, người dường như đã buộc được vị Tổng tư lệnh Mỹ nhiều lần phải đưa ra những tuyên bố có lợi cho mình.
Một số nhân chứng đã lên tiếng về những khó khăn khi sắp lịch một chuyến thăm Nhà Trắng cho Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Nhưng ông Erdogan dường như không gặp phải khó khăn tương tự. Tổng thống Trump vẫn giữ nguyên lịch trình dù nhiều nhà lập pháp khuyên ông hủy chuyến thăm này sau chiến dịch của Ankara ở Syria.
Đến nay, Erdogan không phải là nguyên thủ duy nhất trên thế giới ông Trump quan tâm nhiều như vậy. Tổng thống Mỹ từng ca ngợi "tình bạn thân thiết" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trao đổi những gì ông gọi là "những lá thư tình cảm" với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tuy vậy, có lẽ không ai nhận được những gì mình muốn từ ông Trump như ông Erdogan.
Mối quan hệ Mỹ - Thổ vẫn căng thẳng trước cuộc điện đàm hồi tháng 10, trong đó ông Trump bất ngờ thông báo rút quân khỏi miền bắc Syria, bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch chống người Kurd tại đây. Trong khi gặp gỡ ở Phòng Bầu Dục và tại cuộc họp báo sau đó, ông Trump hông hề lên án chiến dịch và cũng không đưa ra cáo buộc nào với Ankara.
Tuần trước, ông Trump viết một lá thư tới ông Erdogan, đề nghị một thỏa thuận thương mại mới và gợi ý Ankara có thể tránh được cấm vận nếu hai bên giải quyết được một số bất đồng đang tồn tại, trong đó có thương vụ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga và lệnh ngừng bắn ở Syria, theo một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ. Trong thư, ông Trump viết rằng để có được thỏa thuận thương mại 100 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ cần tuân thủ lệnh ngừng bắn hồi tháng 10 ở miền bắc Syria mà Mỹ đã giúp đàm phán. Ông nhấn mạnh thêm, Ankara có thể tránh được những đòn trừng phạt mà Quốc hội Mỹ yêu cầu liên quan thương vụ S-400.
Tổng thống Mỹ đã trì hoãn thực thi cấm vận và các quan chức trong chính quyền của ông nói họ sẽ xem liệu hệ thống phòng thủ tên lửa Nga có đi vào hoạt động hay không rồi mới ra tay.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump cho rằng hệ thống của Nga tạo ra một "thách thức nghiêm trọng" nhưng ông vẫn tin tưởng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải quyết vấn đề ổn thỏa.
Thanh Hảo