ĐB Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước.

Góp ý cụ thể với vấn đề sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển KTXH, ĐB Công cho rằng, phải cân nhắc rất thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng hơn trong phương diện công nghệ, kinh tế, an ninh, quốc phòng tác động đến thị trường viễn thông.

Ông phân tích, về mặt công nghệ, việc sử dụng cùng một tần số cho 2 mục đích vừa để kinh doanh vừa để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là rất khó, do có sự khác biệt về đặc điểm hạ tầng vận hành, khai thác. Đặc điểm hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh là có tính ưu tiên, bảo mật đặc biệt khác với hoạt động phát triển KTXH là có tính minh bạch, cạnh tranh cao. Việc sử dụng kết hợp như vậy, ông Công nhận định có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật nghiệp vụ, bí mật quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.

ĐB Nguyễn Thành Công

Bên cạnh đó Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 đã phân tích rõ nội dung quy định về quản lý sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích kinh tế và mục đích quốc phòng, an ninh. Với tính chất bí mật và mục đích đặc biệt, chỉ có Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được phép và có trách nhiệm sử dụng, quản lý các tần số này. Quy định như dự thảo luật có đi ngược lại với mục tiêu quan trọng, ưu tiên ban đầu để phân bổ tần số này hay không?

Về mặt kinh tế, ĐB đề nghị làm rõ về tính khả thi, minh bạch, phương án sử dụng để tách bạch rõ ràng về kinh phí ngân sách dành cho quốc phòng, an ninh với kinh phí đầu tư cho hoạt động kinh doanh thương mại, cơ chế tiếp cận, kiểm tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Cũng phân tích điều này, ĐB Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) dẫn báo cáo thẩm tra cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện và trước mắt chưa nên quy định. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, ĐB Nghĩa nhận thấy thẩm quyền cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển KTXH là thẩm quyền của Thủ tướng.

ĐB Đào Chí Nghĩa

Theo quy định hiện hành thì Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, phê duyệt phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, theo ĐBQH, nếu mục tiêu là mạng thì chắc chắn ngay từ khâu thiết kế mạng và quy trình vận hành ban đầu phải tính toán sao cho bảo đảm phục vụ quốc phòng, an ninh với các yêu cầu an toàn, bảo mật cao, đảm bảo an toàn thông tin cho quốc phòng, an ninh, đồng thời vẫn có thể cung cấp dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội khi cần thiết.

Vì vậy, ông ủng hộ việc quy định như dự thảo luật, trường hợp đặc biệt thì các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện để phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế trình Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng quyết định.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, luật cũng cần phải nghiên cứu, bổ sung cụ thể thế nào là trường hợp đặc biệt hoặc bổ sung một điều khoản giao cho Thủ tướng quy định các trường hợp đặc biệt được phép đề nghị Thủ tướng quyết định sử dụng tần số vô tuyến điện với mục đích sử dụng là gì, nhằm minh bạch và phù hợp.

Phát biểu về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cũng đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và một số ĐBQH và đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách này, đánh giá kỹ tác động của quy định.

Bởi vì theo quy định của khoản 1 và khoản 2 Điều 45 của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành thì việc phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ quốc phòng, an ninh đã được quy định rất chặt chẽ, trong đó Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề xuất việc phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ, trên cơ sở quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng, an ninh ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ riêng thì phải có sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

ĐB Nguyễn Thị Mai Phương

Như vậy, nếu sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ phục vụ quốc phòng, an ninh cho mục đích kết hợp phát triển KTXH thì cần phải được tính toán từ đầu kỳ quy hoạch để đảm bảo chặt chẽ trong phân bổ nguồn lực và đáp ứng được yêu cầu sử dụng cho từng mục tiêu.

Theo bà Phương, nếu quy định như dự thảo theo hướng việc sử dụng kết hợp này theo từng trường hợp thì khó đảm bảo được mục tiêu đảm bảo quốc phòng, an ninh như đã đề ra, do tần số vô tuyến điện bị phân tán cho cả mục đích phát triển KTXH và mục đích quốc phòng, an ninh.

Hơn nữa, dự thảo luật cũng không có tiêu chí, nguyên tắc nào để Thủ tướng Chính phủ có cơ sở để sử dụng kết hợp các mục đích này mà chỉ quy định chung chung trường hợp đặc biệt. Bà cho rằng như thế là chưa đảm bảo chặt chẽ và minh bạch.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình làm rõ một số ý kiến.

Giải trình làm rõ ý kiến của các ĐBQH, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong dự thảo luật đã quy định rất rõ việc sử dụng tần số phân bổ cho phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển KTXH thì phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông. Lượng tần số sử dụng cho phát triển KTXH thì phải thực hiện nghĩa vụ phí, lệ phí và tiền cấp quyền sử dụng tần số và như vậy là đã đảm bảo các yếu tố về bảo mật và cạnh tranh lành mạnh.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị cần thận trọng rà soát, nghiên cứu kỹ chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện, phân bổ mục đích quốc phòng, an ninh được kết hợp cho mục đích phát triển kinh tế. 

>> Toàn văn phát biểu giải trình trước Quốc hội của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Trần Thường

Sửa Luật Tần số vô tuyến điện, thúc đẩy cạnh tranh hoạt động viễn thông

Sửa Luật Tần số vô tuyến điện, thúc đẩy cạnh tranh hoạt động viễn thông

Sửa Luật Tần số vô tuyến điện cần quy định rõ ràng, cụ thể tiêu chí, điều kiện để cấp phép; trường hợp nào đấu giá, trường hợp nào thi tuyển để đảm bảo minh bạch, công khai, thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông.
Sửa Luật Tần số vô tuyến điện góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia

Sửa Luật Tần số vô tuyến điện góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia

Sáng 3/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.