- Mục tiêu thứ nhất của chương trình giáo dục phổ thông dự thảo là giáo dục con người phát triển hài hòa cả về thể chất và tinh thần. Nhìn vào số môn học của hai cấp học đầu là Tiểu học và THCS, liệu có thể phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần được?
Tiểu học: Môn mẹ ôm nhiều môn con chứ không phải giảm số môn học
Chương trình mới ở Tiểu học có 7 môn học bắt buộc và 2 hoạt động giáo dục (Tiếng Việt, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Thế giới công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động tự học có hướng dẫn).
Nếu chỉ nhìn vào số lượng 7 môn học và 2 hoạt động giáo dục thì nhiều phụ huynh học sinh rất mừng vì cứ tưởng các con được giảm số môn học đáng kể so với chương trình 11 môn hiện hành.
Nhưng không phải như vậy. Có một số môn tích hợp các môn bên trong. Cụ thể, môn Cuộc sống quanh ta gồm Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội. Môn Thế giới công nghệ gồm Tìm hiểu công nghệ và Tìm hiểu Tin học. Như vậy 7 môn ở đây thành 9 môn và thêm 2 hoạt động giáo dục nữa thành 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Sau này các trường có điều kiện sẽ có các môn tự chọn là tiếng dân tộc và nội dung giáo dục địa phương.
Ở đây chúng ta hiểu hoạt động giáo dục cũng là học hoặc vận dụng kiến thức học vào thực tế. 11 môn học và hoạt động giáo dục chiếm 30/32 tiết/tuần. Và mỗi tuần học sinh chỉ còn 2 tiết cho nội dung tự chọn là tiếng dân tộc và giáo dục nội dung về địa phương.
Nhìn vào bảng sơ đồ tổng thể các môn học và hoạt động giáo dục cấp Tiểu học mà Bộ Giáo dục vừa công bố, chúng ta thấy dày đặc các môn học và các môn học lấp kín 32 tiết mỗi tuần.
Ở đây, chúng ta cần đặt câu hỏi: Cấp Tiểu học có thể bỏ môn Thế giới công nghệ được không và đã cần mỗi tuần 4 tiết Tiếng Anh hay chưa?
Lứa tuổi Tiểu học là lứa tuổi hoàn toàn không thích hợp với việc giáo dục nặng về tìm hiểu kiến thức, nhẹ về vận động. Số lượng môn học quá nhiều sẽ khó giúp các em phát triển hài hòa cả thể chất lẫn tinh thần được.
Trung học cơ sở: Vẫn môn mẹ gói môn con và 12 môn thành 15 môn bắt buộc
Chương trình tổng thể của cấp THCS xây dựng 12 môn học bắt buộc. Sở dĩ có 12 môn vì một số môn cũng lại tích hợp nhiều môn khác.
Cụ thể là các môn Lịch sử & Địa lí, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật. 3 môn lớn này mỗi môn tích 2 môn nhỏ. Như vậy thực chất ra là 15 môn chứ không phải 12 môn như sơ đồ thể hiện.
Việc tích hợp này không biết có giải quyết được gì không hay chỉ là để tạo ảo giác ít môn. Như môn Lịch sử & Địa lí thì vẫn phải hai giáo viên với hai chuyên ngành khác nhau chứ không thể in một cuốn sách cho một cô giáo dạy cả được. Vậy thì tích hợp để làm gì?
Điều đáng nói ở đây là cấp THCS chỉ học 5 tiết mỗi ngày và mỗi tuần được 30 tiết học. Thế thì 15 môn học bắt buộc và lại thêm tự chọn nữa thì có quá sức với những đứa trẻ trên 10 tuổi không?
Nhìn vào sơ đồ tổng thể của THCS, phụ huynh học sinh còn lo rằng môn tự chọn Ngoại ngữ 2 sẽ là tiền đề cho sự phiền nhiễu, liên kết với các trung tâm ngoại ngữ ép buộc học sinh học thêm trong nhà trường với giá cả đắt đỏ như một số nơi hiện nay.
Đến đây, một lần nữa chúng ta lại hỏi, học nhiều môn như vậy thì sự phát triển thể chất của người học có đảm bảo hay không và nên bớt đi một môn nào đó? Phải chăng là môn Công nghệ và hướng nghiệp chỉ dành cho học sinh lớp 9?
Học sinh THPT có thực sự học ít môn không?
Đọc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chúng ta phải thừa nhận học sinh lớp 11 và lớp 12 được giảm số môn và chỉ còn 6 môn bắt buộc để định hướng cho nghề nghiệp.
Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu là lớp 12 cả tuần chỉ học 6 môn ấy và dừng những môn khác mà ngoài những môn bắt buộc học sinh còn phải học 3 môn tự chọn bắt buộc và 1 chuyên đề học tập.
Ngoài ra, học sinh lớp 11, 12 có thể còn học thêm ngoại ngữ 2 hoặc tiếng dân tộc.
Như vậy tổng cộng tất cả, không tính tự chọn (tự chọn kiểu tự nguyện) thì học sinh lớp 11,12 học 10 môn.
Có thể có quan niệm rằng để định hướng nghề nghiệp thì học sinh lớp 11,12 có 6 môn bắt buộc mang tính “sống còn” với việc học. Còn các môn kia là học để biết. Nhưng trong thực tế, đã có môn học là học hành phải nghiêm túc và phải đầu tư vào đó công sức và thời gian.
Mặt khác, nếu những trường có điều kiện và “khéo” thu xếp, học sinh sẽ có ngoại ngữ 2, ngoại ngữ 3,… bởi vì tiếng dân tộc và mở thêm ngoại ngữ là hoàn toàn được phép. Với phương châm cả hai bên cùng có lợi như hiện nay thì trường nào chẳng muốn mở rộng ngoại ngữ.
Vậy thì học sinh lớp 11,12 có học ít môn đi không ?
Nhiều ngày nay, cả nước đang chờ đón và đặt niềm tin vào Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của nước nhà. Là người trực tiếp thực hiện chương trình ở cấp Tiểu học, tôi có mấy ý kiến nhỏ bé với lời chúc các nhà biên soạn chương trình luôn mạnh khỏe và thành công.
Nhà giáo Tùng Sơn