Chúng ta thường nghe nói “hướng đến công nghệ  4.0” nhưng giống như những thuật ngữ hô hào về các loại phong trào trước đây, việc đưa công nghệ 4.0 vào cuộc sống dường như còn rất xa vời. 

Chẳng hạn, hãy thử nhìn vào xe buýt của Hà Nội, sơ bộ xem nó đang ở đâu trên thang bậc vận hành xe buýt của thế giới, của “4.0”. 

Hiện nay, trên mỗi xe buýt có một phụ xe với công việc là bán vé, xé vé, kiểm tra vé tháng. Người đi xe buýt có thể mua vé tháng, đó là một cái thẻ to bằng bàn tay, có dán ảnh và tem vé hoặc mua vé từng chuyến trực tiếp từ phụ xe. Kiểu cách vận hành “cổ điển” ấy rõ ràng là rất lạc hậu, có lẽ ngang với phương thức sơ khai mà hệ thống xe buýt của thế giới áp dụng cả nửa thế kỷ trước. 

Nhiều năm trước các nước đã áp dụng hình thức thẻ từ để quản lý vé tháng xe buýt. Trên xe có một hộp điện tử nhận tín hiệu từ vé tháng có gắn chip điện tử, người lên xe chỉ cần áp tấm vé đó vào mắt thu tín hiệu để gần lái xe, hộp phát ra tiếng “tít” là báo hiệu vé hợp lệ. Việc số hóa vé tháng vừa giúp đảm bảo không thể làm giả vé, đồng thời cũng chấm dứt cảnh phụ xe phải chăm chăm kiểm tra vé tháng của khách.  

{keywords}
Cách vận hành của xe buýt ở Hà Nội vẫn lạc hậu.  Ảnh minh họa

Năm 2008, tôi có dịp đi xe buýt ở Quảng Châu, Trung Quốc đã thấy họ không hề có phụ xe. Nếu ai không có vé tháng, cần mua vé thì bắt buộc có 2 đồng để cho vào cái hộp đựng để cạnh lái xe. Cái hộp này có con chip nhận tín hiệu vé tháng luôn. Chỉ cần một thay đổi nhỏ đã có thể tiết kiệm được chi phí cho một phụ xe trên mỗi chuyến xe buýt. 

Làm cuộc “cách mạng” số hóa vé tháng như vậy hoàn toàn trong tầm tay của người Việt. Tại sao chúng ta không làm, mà lại chăm chăm cải tiến quản lý xe buýt bằng cách đưa vào vận hành cái gọi là “xe buýt nhanh BRT” rất không hiệu quả mà tốn kém. 

Năm ngoái, tôi đi đến Vancouver, Canada thấy người ta vận hành hệ thống giao thông công cộng với xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao… đều dùng đồng bộ một loại vé như nhau. Rất nhiều điểm bán vé tự động. Về mức giá, có loại giá đi một lần, loại đi một ngày, loại đi 7 ngày và loại đi 1 tháng hoặc hàng tháng. Người mua dùng cái vé đó để qua cửa một cách tự động. 

Hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao cũng được lái tự động, không có người lái, không người soát vé. Còn xe ô tô buýt thì người lái chỉ có nhiệm vụ lái, việc trình vé được giao phó cho mắt điện tử. Đó có phải là cuộc sống công nghệ 4.0 không? Họ lắc đầu. Bởi vì ô tô buýt chưa phải là loại tự lái, và các hình thức vận chuyển công cộng còn chưa cá nhân hóa đến từng người, chưa đáp ứng nhu cầu cá nhân. Tức là họ đang hướng đến thuê xe công cộng để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, chứ không phải là rất nhiều người đi chung xe nữa. 

Trở lại với hệ thống ô tô buýt của Hà Nội, tuy đã có loa trên xe báo các bến, nhưng nó vẫn đang ở trình độ sơ khai trong việc hướng dẫn người đi xe. 

Đầu tiên là bản đồ ở các điểm đỗ xe, có khó gì khi in thì đánh dấu bằng ký hiệu/ màu dễ chú ý để báo hiệu “bạn đang ở đây”, thay vì bến nào cũng như bến nào, coi như bản đồ mù luôn. 

Thứ hai, là hệ thống các điểm đỗ của từng tuyến. Chỉ so sánh với Trung Quốc, đã thấy cách làm của họ quy củ và “khôn” hơn ta. Tại điểm đỗ có n tuyến đường đi qua, thì trên bảng dán ở điểm đỗ có các n “line”, mỗi line như vậy có đủ các điểm đỗ của tuyến đó, và điểm đỗ bạn đang đứng thì có dấu to (thường là màu đỏ) hơn mọi điểm khác. Trên vách tàu xe các tuyến cũng vậy, có một đường thẳng ghi tất cả các điểm đỗ. 

Tôi không hiểu sao ở Hà Nội, tất cả biển báo ở các điểm đỗ xe buýt đều như nhau và chỉ ghi ngẫu hứng vài điểm trong số điểm đỗ của tuyến đó. Tại sao lại ghi điểm này mà không ghi điểm khác, không ai biết được! 

Có vẻ hệ thống xe buýt của Hà Nội chỉ dành cho người đã quen thuộc chứ không dành cho mọi người muốn đi xe buýt lần đầu. Hầu như lúc nào trên xe hay điểm đỗ cũng có thể bắt gặp một người hỏi thăm. Nhân viên phụ xe nào nhiệt tình thì chỉ dẫn ôn tồn, còn không thì mệt mỏi nói năng nhát gừng, chán luôn. 

Ở một số nước khác, tôi thấy ngoài hệ thống chỉ dẫn chi tiết, rõ ràng tại các điểm đỗ, thì các điểm bán vé và khắp nơi có rất nhiều tờ gấp miễn phí giới thiệu về hệ thống giao thông công cộng, và chỉ đường rất cặn kẽ. 

Như vậy, kể sơ sơ cho thấy cái hệ thống xe buýt của ta nói riêng, hệ thống vận tải hành khách công cộng nói chung trong thành phố hiện đại vào bậc nhất nước ta đang ở trình độ nào. Có thể nó đang ở khoảng trên 1.0 một chút, vì đã áp dụng “số hóa” chụp ảnh thẻ mà thôi. 

Đấy là chưa nói đến “phần cứng” thô thiển là cái xe ô tô buýt của Hà Nội, phần lớn phát ra tiếng kẽo kẹt, lọc xọc như xe cộ cách đây vài ba thập kỷ, máy rất ồn. Gần đây, người ta có gắn camera trên xe, nhưng chắc gì đã hoạt động tốt cả. Tôi rất ít đi xe buýt, nhưng đã gặp những xe mà camera chết một vài trong số 4 cái gắn trên xe. Hiện nay, quản lý xe bằng hộp đen, theo hành trình GPS chắc là đã được áp dụng, nhưng đó chỉ là áp dụng tối thiểu để quản lý nội bộ đơn vị vận hành, chưa có tác dụng đến việc vận chuyển và tương tác với khách đi xe. 

Tóm lại, các lãnh đạo cấp cao của ngành giao thông, của thành phố thay vì nói đến cách mạng 4.0 một cách chung chung, đừng nghĩ đến ngân hàng, thanh toán hay tìm kiếm quản lý công dân vội, đừng nghĩ đến thành phố thông minh vội, hãy làm cuộc cách mạng trong vận chuyển hành khách công cộng đã. Cũng chưa cần sáng tạo đột phá, cứ học và làm như những gì người ta đã từng làm. Như vậy, ắt là đến lúc sẽ có cuộc cách mạng 3.0 hay 4.0 vào cuộc sống, thoát khỏi cung cách của công nghệ 1.0 như hiện nay.

Xuân Hưng