- Ban đầu là mò mẫm đi tìm doanh nghiệp, bây giờ người nông dân đã bắt đầu thông thạo quy trình chăn nuôi sạch theo chuẩn quốc tế, nắm bắt được nhu cầu của thị trường. Có thể tin tưởng rằng, khi mở cửa và hội nhập, nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển và người nông dân sẽ sống tốt, chứ không phải là bị đánh bại trên sân nhà như nhiều ý kiến lo ngại.

Mò mẫm đổi mới chính mình

Gần một năm nay, anh Nguyễn Văn Tự - một chủ trang trại nuôi gà đặc sản tại xã Bồ Đài (Lục Nam, Bắc Giang) quen dần với mô hình sản xuất gà sạch theo phương thức chăn nuôi VietGap do phía công ty liên kết quy định.

Thay vì phải tự động đem gà đi bán khi xuất chuồng, nay chỉ cần đủ ngày đủ tháng, công ty đến bắt gà, đem đi tiêu thụ cho anh. Giá cả nhờ đó ổn định hơn, công việc chăn nuôi của gia đình luôn có lãi chứ không thất thường lúc lỗ, khi lãi như trước.

Song, để được như vậy, anh đã phải tự mò mẫm lên Hà Nội, khảo sát xem thị trường cần gì, giá cả ra sao, tự tìm đến những doanh nghiệp cung ứng và tiêu thụ sản phẩm xem họ bán gì, quy định của họ khi thu mua sản phẩm thế nào,... từ đó, anh mời họ về thăm khu trang trại của mình để bạn chuyện làm ăn.

{keywords}
Người chăn nuôi đang dần thay đổi cách làm ăn sao cho hiệu quả

Anh Tự kể, gia đình anh nhiều năm nay sống bằng nghề chăn nuôi. Năm nuôi được vài lứa gà, mỗi lứa cả chục ngàn con. Gà được thúc ăn cám công nghiệp cho mau lớn để sớm xuất chuồng. Tuy nhiên, mấy năm lại đây, việc chăn nuôi thường xuyên thua lỗ. Nhiều lúc, anh tự nghĩ không biết nghề này tồn tại được bao lâu.

Anh càng hoang mang khi nghe tin hiệp định TPP mà Việt Nam vừa tham gia, chỉ vài năm nữa nông sản ngoại như thịt gà Mỹ, Thái Lan,... có thể tràn vào Việt Nam. Lúc đó, người nông dân chỉ còn cách treo chuồng vì khó có thể cạnh tranh với gà ngoại giá rẻ.

Cảm thấy bất an với nghề nuôi sống cả gia đình anh bao năm qua, anh trăn trở, nếu không có sản phẩm ngon sạch, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường thì anh chết chắc. Nghĩ vậy, anh quyết đổi mới bằng cách chăn nuôi theo phương thức chuyên nghiệp. “Thế là, tôi khăn gói lên đường, bắt đầu hành trình đổi mới của chính bản thân. Cũng may, trời không phụ lòng người. Sau một vài lần lên Hà Nội, tôi đã kết nối được với một doanh nghiệp chuyên cung ứng con giống và bao tiêu sản phẩm sạch”, anh Tự khoe.

“Tính sơ qua, đã có hơn chục hộ trong xã làm giống tôi nên sản phẩm gà thịt tiêu thụ khá ổn định”, anh nói.

Chị Nguyễn Thị Ngần ở Thanh Trì (Hà Nội) cũng chia sẻ, để có đầu ra ổn định cho con gà ri, chị đã tìm đến doanh nghiệp bắt tay với họ để có đầu ra đạt chuẩn thị hiếu người tiêu dùng.

“Doanh nghiệp cũng muốn liên kết với dân để tạo thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, nên khi mình ngỏ lời, họ cho người về khảo sát, hướng dẫn cách chăn nuôi ngay. Rồi họ ký hợp đồng cho mình làm trang trại vệ tinh”, chị Ngần cho hay.

Là đươn vị chuyên cung ứng các loại giống và gà thương phẩm đặc sản, ông Nguyễn Xuân Hòa, chủ thương hiệu Hatthocvang VietNam, cho biết, công ty chỉ mới liên kết với nông dân được 3 năm nay nhưng đã có cả chục trang trại vệ tinh lớn, hàng trăm trang trại vệ tinh nhỏ. Phía Hạt thóc vàng sẽ cung cấp con giống, hướng dẫn quy trình và kỹ thuật nuôi đạt chuẩn, bao tiêu sản phẩm.

“Giờ ngày nào cũng có người gọi điện cho tôi ngỏ ý muốn làm trang trại vệ tinh, nhưng bên tôi cũng phải lựa chọn những hộ phù hợp. Nhưng qua đó, có thể thấy người chăn nuôi đã dần thay đổi nhận thức về công việc của mình và trở nên chuyên nghiệp hơn”, ông Hòa nhận định.

Tạo thành chuỗi khép kín mới sống được

Ông Hòa cho rằng, không chỉ riêng nông dân mà ngay cả với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, cũng cần chuyên nghiệp hơn. Họ cần phải kết nối với nông dân để tạo thành một chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm xuyên suốt. 

{keywords}
  Nếu người chăn nuôi và doanh nghiệp biết kết nối, tạo thành chuỗi sản xuất khép kín sẽ tận dụng những lợi thế của nhau, cho hiệu quả cao hơn.

“Một mình doanh nghiệp không thể làm được việc này”, ông Hòa nói. Ông dẫn chứng, một mình doanh nghiệp của ông không thể làm hết được tất cả các khâu, từ con giống, chăn nuôi cho tới tiêu thụ sản phẩm. Công ty chỉ có thể làm tốt khâu giống và tiêu thụ sản phẩm, do đó cần liên kết với nông dân để tận dụng được lợi thế của nhau.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc công ty Gà đặc sản ở Thường Tín (Hà Nội), nhận định, gà Mỹ vào và phủ sóng khắp thị trường Việt Nam là do giá rẻ nên người chăn nuôi gà nội mới điêu đứng như thời gian qua.

Theo ông Tiến, người Việt phần lớn thích ăn thịt gà tươi, dai ngon, ngọt thịt (tức các loại gà thả vườn - gọi theo cách dân dã). Tuy nhiên, phần lớn gà thả vườn hiện nay đều được chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp, con giống thì không rõ nguồn gốc. Loại thịt gà này không được người dân chọn lựa.

"Tôi đã đi khảo sát khá nhiều nơi, từ siêu thị cho tới chợ thấy thực tế, loại gà ta thả vườn được nuôi theo đúng phương pháp truyền thống, cho ăn ngô lúa, rau cỏ, nuôi đủ 6 tháng khi bán luôn có giá cao hơn thịt gà ta nuôi bán công nghiệp từ 50.000-60.000 đồng/kg mà vẫn đắt hàng", ông nói.

Thế nhưng, để có được những con gà đạt chất lượng thơm ngon, chắc thịt và đảm bảo sạch đòi hỏi người nuôi phải có diện tích rộng để chăn thả, số lượng gà nuôi cũng không thể quá nhiều. Với điều kiện này thì doanh bó tay, không thể có đủ vốn để đầu tư chuồng trại nên cần phải bắt tay với nông dân tạo thành những chuỗi liên kết khép kín.

Nhiều chuyên gia trong ngành rằng cũng lưu ý không nên quá lo lắng cho ngành chăn nuôi khi gia nhập TPP, vì thị hiếu tiêu dùng thịt gà của người Việt khác hẳn phương Tây vốn hay ăn gà đông lạnh.

Thực tế, gà Mỹ mới vào được các bếp ăn, trường học, quán cơm nên thị trường tiêu thụ nội địa còn đang rất tiềm năng. Trong khi đó, người chăn nuôi vẫn có thế mạnh riêng của mình với con gà đặc sản.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người chăn nuôi Việt Nam bao đời nay vẫn quen với phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp và đồng bộ, nên giờ cần sớm phải thay đổi.

“Gần đây tôi đi khá nhiều nơi, từ cánh đồng rau đến con gà, con lợn,... thấy một số bộ phận nông dân đang thực sự chuyển mình, trở nên chuyên nghiệp hơn. Họ đã biết kết nối với doanh nghiệp để cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cứ đà này, họ không những giữ được chỗ đứng trên sân nhà mà còn tận dụng được cơ hội mà hội nhập mang lại”, một chuyên gia khẳng định.

Bảo Hân