Trừng phạt mới được đưa ra chỉ ít ngày sau khi ông Trump vào phút chót quyết định hủy chiến dịch quân sự chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo liên quan vụ Tehran bắn hạ máy bay do thám không người lái của Mỹ, và chưa đầy một tuần sau khi hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman mà Washington quy kết Iran là thủ phạm.

{keywords}
Tổng thống Trump giơ sắc lệnh áp đặt cấm vận mới lên Iran tại Phòng Bầu dục thuộc Nhà Trắng ngày 24/6. (Ảnh: Reuters)

Cấm vận lần này của chính quyền ông Trump nhằm cả vào lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. "Hành động ngày hôm nay là tiếp theo của một chuỗi những cư xử hung hăng của chính quyền Iran trong những tuần gần đây, trong đó có vụ bắn hạ máy bay không người lái Mỹ", ông Trump tuyên bố từ Phòng Bầu dục ngày 24/6.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định mục tiêu cơ bản là ngăn chặn Iran không đạt được vũ khí hạt nhân và chấm dứt các hành động của nước này ở Trung Đông. Tuy nhiên, một số chuyên gia đang đặt thành vấn đề tính logic chiến lược tổng thể của ông Trump.

Cấm vận chỉ là "võ mồm"

"Các đòn trừng phạt mới nhất chỉ là võ mồm; chúng không làm thay đổi các tính toán kinh tế với chính quyền Iran", báo Business Insider dẫn lời Ian Bremmer, người sáng lập và là Chủ tịch Nhóm Á – Âu.

Theo ông Bremmer, cách tiếp cận của Tổng thống Trump không phải là về sự thay đổi chế độ mà là buộc người Iran phải "tới bàn đàm phán". Nhưng để chiến lược này phát huy hiệu quả, Ngoại trưởng Mike Pompeo phải xây dựng thành công một liên minh vượt ra ngoài Israel và các quốc gia Vùng Vịnh. Và, ông phải tìm cách tận dụng "sự kết hợp giữa áp lực Mỹ với hành xử của Iran" thì mới đạt được mục tiêu và đưa "các đồng minh trở lại hợp tác".

Nếu chính quyền ông Trump xây dựng thành công một liên quân "đa phương" thì khi đó "nhiều khả năng người Iran sẽ buộc phải nhượng bộ", theo ông Bremmer.

"Chiến lược này có thể hiệu quả. Nhưng rủi ro cao là nó có thể dẫn tới một sự leo thang gây xung đột quân sự", vị Chủ tịch Nhóm Á – Âu nhận định và bình luận thêm rằng, "ông Trump đang cố gắng tránh viễn cảnh này nhưng như vậy không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra".

Trên Twitter, Aaron David Miller, một học giả nổi tiếng tại Trung tâm Wilson và từng là cố vấn cho Bộ Ngoại giao Mỹ, đặt ra câu hỏi: "Lần cuối cùng trừng phạt khiến một nước thay đổi quan niệm về các lợi ích an ninh/ chính trị cốt lõi của mình và buộc phải đầu hàng là khi nào?".

Cấm vận "không phải chiến lược"

Trong khi đó, nhiều cựu quan chức chính quyền Barack Obama chỉ trích lập luận của Tổng thống Mỹ đương nhiệm rằng ông rút khỏi thỏa thuận năm 2015 (JCPOA) là để ngăn chặn một nước Iran hạt nhân. Theo họ, bản thân thỏa thuận này ra đời là vì chính điều đó.

Tuần trước, Iran thông báo sẽ bỏ một số giới hạn được đặt ra trong JCPOA và đẩy mạnh làm giàu uranium cấp độ thấp trong khi tăng cường dự trữ. Trước đó, tổ chức giám sát hạt nhân Liên Hợp Quốc liên tục khẳng định Tehran vẫn tuân thủ JCPOA, kể cả sau khi Mỹ rút lui.

Trong số những tiếng nói phản đối ông Trump có Ned Price, cựu phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống Obama. Lên án cách tiếp cận của ông Trump với cuộc khủng hoảng Iran, Price cho rằng mục đích thực sự của một số cố vấn diều hâu của Tổng thống là gây sức ép lên Tehran tới mức phải thay đổi chế độ.

"Các lệnh cấm vận không phải là một chiến lược, và cũng không phải là mục đích cuối cùng. Chúng là phương tiện để thúc đẩy một chiến lược hướng tới hồi kết", Price lập luận trên Twitter ngày 24/6. "Vấn đề với cách tiếp cận của chính quyền hiện nay là mục tiêu của phe cứng rắn muốn sự thay đổi chế độ, chứ không phải ngăn chặn vũ khí hạt nhân Iran. JCPOA đã làm điều đó".

Thời điểm trừng phạt: Trước hội nghị G-20

Rockford Weitz, giáo sư và là giám đốc Chương trình Nghiên cứu hàng hải Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, nói với Business Insider rằng các đòn cấm vận mới không gây ngạc nhiên mà đó là sự tiếp tục của chiến dịch gây sức ép tối đa mà chính quyền ông Trump đang theo đuổi.

"Tôi nghĩ nó sẽ tiếp tục đẩy người Iran vào chân tường, nơi họ phản ứng theo cách cố gắng thay đổi hiện trạng", ông Weitz nói thêm.

Giáo sư Weitz cũng chú ý tới hội nghị G20 sắp tới ở Osaka, Nhật Bản, vào cuối tháng 6 để tìm kiếm tín hiệu về những gì có thể xảy ra tiếp theo.

"Rất thú vị về thời điểm. Bằng cách áp thêm trừng phạt, ông Trump tự cho mình thêm khoảng trống để có thể lùi lại từ vòng cấm vận mới nhất mà vẫn giữ được các cấm vận trước đó nếu ông muốn nhượng bộ với đồng minh nào đó đang lo lắng về dòng chảy dầu lửa".

Nói tóm lại, cấm vận có thể mang lại cho Tổng thống Mỹ đòn bẩy ngoại giao nào đó trong những tuần tới.

Một trong những tàu dầu bị tấn công ở Vịnh Oman gần đây là của Nhật Bản, và Tokyo nhận gần 80% lượng dầu lửa của nước này từ Trung Đông. Mỹ quy trách nhiệm cho Iran nhưng Tehran bác bỏ cáo buộc.

Nếu có thêm các cuộc tấn công nhằm vào tàu dầu trong khu vực, nó có thể sẽ khiến các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản lo lắng, và càng làm cho tình hình vốn đã căng thẳng trở nên phức tạp. Vịnh Oman kết nối với Vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz, một vùng biển nhỏ hẹp nhưng quan trọng sống còn với các hoạt động vận chuyển dầu lửa của thế giới. Bất cứ một sự gián đoạn hoạt động vận tải nào nơi đây đều có thể gây bất ổn cho các thị trường toàn cầu.

Trước tầm quan trọng như vậy, Tổng thống Trump cũng tỏ tín hiệu ông không chỉ quan tâm đến điều đó mà còn kêu gọi các nước hãy tự bảo vệ tàu của mình trên "hành trình luôn nguy hiểm" này.

Trong khi đó, truyền thông Iran miêu tả các đòn trừng phạt của ông Trump là dấu hiệu "sự tuyệt vọng của Mỹ", còn Ngoại trưởng Javad Zarif lên Twitter chỉ trích các cố vấn của Tổng thống Mỹ, cho rằng "rõ ràng" họ "coi thường ngoại giao" và "thèm khát chiến tranh".

Thanh Hảo