Cuộc chiến Nam Tư, thực chất là chiến dịch tấn công đường không của Mỹ và NATO (mật danh là “chiến dịch Sức mạnh đồng minh”/Operation Allied Force) nhằm vào Nam Tư, diễn ra từ 24/3 đến 9/6/1999. Chiến dịch nhằm tiêu diệt lực lượng quân sự, phá huỷ cơ sở hạ tầng kinh tế, chia rẽ nội bộ Nam Tư, buộc chính quyền Milosevic chấp nhận phương án giải quyết vấn đề tỉnh Kosovo đòi li khai theo sắp đặt của các nước phương Tây.

Chiến thuật

Trước tiên, đối phương triệt phá hệ thống phòng không, giành quyền làm chủ trên không; lấy không trung làm chủ mặt đất; phá huỷ các cơ sở hạ tầng kinh tế, thông tin liên lạc, mở rộng không kích gây sức ép.

{keywords}
Lực lượng phòng không Nam Tư đánh trả không quân NATO. Ảnh: Wikipedia

Thực hành bôn tập tầm xa từ trên dưới 10.000km bằng máy bay ném bom chiến lược B-52, B-2A; coi trọng việc cung cấp tình báo chỉ huy dẫn đường máy bay và điều khiển tên lửa, bom từ vũ trụ; điểm huyệt bằng các đòn “phẫu thuật” chính xác từ xa bằng bom hoặc tên lửa diệt mục tiêu. Thời gian đánh không theo một quy luật nào, lúc chủ yếu đánh ban ngày, lúc chủ yếu đánh ban đêm. Riêng hệ thống phòng không chủ yếu đánh ban đêm để tăng cường hiệu quả của máy bay tàng hình và giảm khả năng phòng chống của phía Nam Tư.

Liên quân đã sử dụng khoảng 1.100 máy bay chiến đấu với các kiểu loại hiện đại nhất như máy bay tàng hình B-2, F117-A, trong 78 ngày đêm xuất kích 36.000 lần, được sự hỗ trợ của 24 vệ tinh định vị toàn cầu, phóng hơn 20.000 tên lửa (có vài trăm tên lửa hành trình tầm xa) và bom (35% có điều khiển) với nhiều loại mới như bom chứa urani nghèo, bom xung điện từ, bom chì... đánh vào 600 mục tiêu của Nam Tư.

Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt, dũng cảm và đầy mưu trí của lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Tư.

Đòn đáp trả quyết liệt

Rút kinh nghiệm từ cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh, Nam Tư đã chú trọng làm tốt công tác dự trữ, huấn luyện, nguỵ trang, sơ tán... Một mặt, chủ trương bảo toàn lực lượng thời kỳ đầu cuộc chiến, chờ thời cơ đối đầu trên bộ bằng đánh lâu dài, đánh du kích; mặt khác triệt để khai thác nhược điểm của vũ khí công nghệ cao, tận dụng địa hình, bố trí hệ thống phòng không có chiều sâu, có công sự ngầm phân tán, linh hoạt di chuyển, cơ động phòng tránh và đánh trả.

Quân đội Nam Tư phát hiện tên lửa hành trình phải bay theo chương trình định sẵn nên chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện địa hình và môi trường xung quanh mục tiêu, không có khả năng cơ động trong quá trình bay nên khả năng tự phòng vệ kém, thường bay đến các mục tiêu theo những đường bay cố định... Do vậy, tại khu vực mục tiêu bảo vệ và trên dọc hành lang bay, Nam Tư bố trí các cụm pháo, tên lửa phòng không có thiết bị ngắm hoặc điều khiển hoả lực bằng điện tử, hình thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp đánh chặn.

Nam Tư cũng phòng chống và đánh trả chiến tranh điện từ khá thành công bằng các biện pháp: Thực hiện im lặng vô tuyến trước 72 giờ khi NATO tiến công, cất giấu ra-đa, thiết bị thông tin vào các hang động, chủ yếu sử dụng hữu tuyến điện. Tổ chức nghi binh điện tử thường xuyên, rộng khắp bằng các đài ra-đa, thông tin cơ động.

Kiểm soát chặt chẽ thời cơ mở ra-đa, thực hiện “không đánh khi chúng đến, đánh khi chúng về”, mở ra-đa gián đoạn hoặc luôn chuyển đổi tần số. Phát nhiễu tích cực và tiêu cực gây nhiễu thông tin điều khiển, làm mồi bẫy vũ khí, bom, đạn của đối phương…

Trong bố trí lực lượng, Nam Tư thực hiện phòng kết hợp ẩn nấp trong cộng sự và triển khai chiến đấu, phân tán hợp lý, cơ động thích hợp vừa bảo đảm đội hình chiến đấu trên các hướng, các khu vực vừa tránh bị phát hiện và tiến công một lúc hai đơn vị hoả lực.

Các phương pháp ngụy trang che giấu được kết hợp hài hoà giữa các yếu tố của thiên nhiên như rừng, núi, thung lũng, sương mù... với sơn phủ, lưới nguỵ trang, màn khói... cùng các biện pháp nghi binh lừa địch bằng các khí tài mô phỏng, được sản xuất công nghiệp và được bố trí di chuyển như tác chiến thật.

Các hacker của Nam Tư đã tung vào thệ thống mạng của NATO rất nhiều loại vi rút máy tính, tiến hành “oanh tạc điện tử” bằng các bưu kiện, có ngày lên tới 2.000 e-mail làm cho trạm khí tượng của Anh bị gây nhiễu hay hệ thống thông tin NATO bị tê liệt, làm hư hỏng Đài phát thanh 892 của phương Tây; tập kích vào hệ thống máy tính của Lầu Năm góc, làm tê liệt hệ thống máy tính trên tàu sân bay Nimitz của Hải quân Mỹ hơn 3 giờ, sử dụng mạng Internet để phản kích lại cuộc chiến tranh tâm lý của NATO.

Kết quả, quân đội Nam Tư đã hạn chế được tổn thất (hy sinh 72 quân nhân, 114 nhân viên cảnh sát), đồng thời đánh trả bằng tên lửa, pháo phòng không và các loại vũ khí nhẹ, bắn rơi 2 máy bay (có F-117A) và hàng chục tên lửa hành trình của Mỹ và NATO, bảo toàn 80% thực lực quân sự. Cuối cùng, Mỹ và NATO phải ký kết hiệp định đình chiến.

Việc quân đội Nam Tư bắn rơi máy bay F-117A đã tạo sự nghi ngờ không chỉ đối với F-117, mà cả toàn bộ khái niệm công nghệ tàng hình vốn là cơ sở cho thế hệ máy bay chiến đấu tối tân nhất của không quân Mỹ. Và đây là một trong những nguyên nhân khiến không quân Mỹ loại bỏ F-117 khỏi trang bị năm 2008.

Nhân tố quyết định

Chiến dịch không kích của NATO đã làm chết và bị thương hơn 6.000 người, phần lớn là dân thường, phá hủy 50% cơ sở hạ tầng của Nam Tư, hơn 200.000 người buộc phải rời bỏ quê hương, thiệt hại kinh tế ước tính trên 120 tỷ USD, chưa kể đến những thiệt hại lâu dài gây ra cho hệ sinh thái khu vực và sức khỏe người dân.

Với chiến dịch Sức mạnh đồng minh, Mỹ và NATO muốn thử nghiệm phương thức “tác chiến phi đối xứng công nghệ cao” làm công cụ uy hiếp, răn đe. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy vũ khí công nghệ cao không phải là sức mạnh tuyệt đối, không gì chống đỡ nổi. Yếu tố con người, tinh thần, lý tưởng chiến đấu của binh sĩ vẫn mãi là nhân tố quyết định trong mọi cuộc chiến.

Nguyên Phong

Xem hạ thủy tàu hộ vệ đa năng thế hệ mới của Nhật

Xem hạ thủy tàu hộ vệ đa năng thế hệ mới của Nhật

Theo tờ Asahi, buổi lễ hạ thủy được tổ chức hôm 19/11 tại cảng Tamano, tỉnh Okayama với sự có mặt của giới chức Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF).

Ấn Độ sẽ triển khai máy bay không người lái ở biên giới giáp TQ

Ấn Độ sẽ triển khai máy bay không người lái ở biên giới giáp TQ

Theo hãng tin ANInews, quân đội Ấn Độ đang thảo luận vấn đề mua máy bay không người lái (UAV) từ Mỹ và Israel.