- Trong 2 vụ tai nạn nghề cá ở Quảng Bình, khiến 22 ngư dân chết và mất tích, những bạn thuyền đã mổ xẻ nguyên nhân, tâm sự thật lòng xung quanh vụ tai nạn có phần chủ quan. Bên cạnh đó, việc đồng hành, cứu hộ, cứu nạn của cơ quan chức năng cũng chưa được tốt.


Thời tiết xấu "đánh úp" kinh nghiệm

Anh Mai Văn, trú thôn Cồn Sẻ, thuyền trưởng của tàu cá 93269 cùng ra khơi ngày 25/12 với tàu bị chìm QB 93714 TS do anh Nguyễn Phong làm thuyền trưởng nhưng may mắn trở về an toàn cho biết, trước khi ra khơi đã nghe dự báo thời tiết có gió mùa trên biển. Nhưng rồi cũng dong thuyền đi.

Ông Nguyễn Quyết đau đớn kể, kinh nghiệm của cha con ông đã không thắng được sóng to, gió lớn bất ngờ trên biển nên 2 con trai đã không thể trở về.

"Theo kinh nghiệm, chúng tôi tính chuyến ra khơi vẫn kịp vào bờ sáng ngày 30/12, khi đó gió mùa mới v. Nhưng đen đủi là khi vào bờ chỉ còn 7 hải lý nữa thì gió lớn, tàu anh Phong bị chuồi lưới, nghiêng nên mới chìm. Chỉ chậm 2 giờ đồng hồ" - Anh Văn ngậm ngùi.

"Cũng vì nợ nần, đóng tàu hết tiền tỉ, nợ ngân hàng chồng chất, phải làm để trả nợ, nuôi vợ con nên hơi liều. Mà cũng đã tính kĩ rồi, nhưng do đen đủi" - Anh Phong chia sẻ thêm.

Tại xã Quảng Minh, nơi 8 ngư dân trên con tàu QB 93469 TS đến nay vẫn mất tích, ông Nguyễn Quyết thẫn thờ kể, hôm 29/12 dù đã nghe dự báo có gió mùa, nhưng cha con ông vẫn ra khơi, bởi theo kinh nghiệm phải ba ngày sau, gió mùa mới đến vùng biển Quảng Bình, nên chỉ cần đánh bắt hai đêm là đã kịp vào bờ.

Nhưng "người tính không bằng trời tính", rạng sáng ngày 30/12, chỉ sau một ngày cha con ông Quyết ra biển, gió mùa đã ập về và rồi tàu của con trai đã gặp nạn, cha đi tàu khác thì về được còn 2 con trai (Nguyễn Đức Thắng thuyền trưởng và Nguyễn Thủy) thì mãi không về...

Chị Hoàng Thị Thương (SN 1983, vợ Nguyễn Văn Hào, người đi trên con tàu anh Thắng) cũng đau đớn cho biết, hôm chồng chuẩn bị ra khơi, thấy thời tiết xấu ch có can ngăn nhưng rồi vì thiếu thốn, nợ nần đã không ngăn được chồng.

Ngư dân "tự bơi" khi bị nạn

Thuyền trưởng tàu cá QB 93309 TS, anh Phạm Thắng (thôn Cồn Sẻ) cũng cho biết, hôm đó tàu anh cùng ra khơi với tàu anh Phong, trước khi đi đã biết có gió mùa, nhưng theo kinh nghiệm, và tính chỉ đánh bắt gần bờ nên sẽ kịp khi gió mùa vào.
 
Vì miếng cơm, manh áo, nhiều người đàn ông ra khơi trong thời tiết xấu rồi bị nạn không về, để lại đau thương, mất mát cho vợ, con, người thân.

"Nếu như chú Phong neo tàu lại thì sẽ an toàn hơn, nhưng trên đường vào chỉ cách đất liền 7 hải lý thì không may bị nạn" - Anh Thắng phân tích.

Theo anh Thắng, thời điểm nhận được thông tin tàu anh Phong bị nạn lúc 3h sáng ngày 30/12, đến 4h sáng cùng ngày, anh đã cho tàu mình đến báo với Đồn Biên phòng cửa Danh, Hải đội 2 nhưng họ vẫn không đi ứng cứu được.

Trong khi đó, sóng khá mạnh, tàu của các ngư dân không đảm bảo để ra cứu nạn, đành neo lại chờ đợi.

Sáng hôm sau, khi gió đã giảm, 13 tàu cá Cồn Sẻ tỏa ra đi tìm. Đến 9h sáng (31/12) thì tàu anh Thắng vớt được thi thể anh Mai Khương Duy khi cánh tay nạn nhân quấn vào dây phao nơi con tàu chìm.

Theo thuyền trưởng Mai Văn: "Hôm các tàu ra khơi, Đồn Biên phòng không can thiệp, bởi ngư dân ra biển trước khi gió mùa vào hơn 3 ngày. Kể cả ví như ngày 10 gió mùa vào, nhưng tàu cá ra khơi ngày 9 vẫn được. Họ chỉ can thiệp khi ra khơi vào đúng ngày gió mùa đã vào."

Hải Đội trưởng Hải Đội 2 Biên Phòng Quảng Bình, Trung tá Trần Đình Cường cho biết, Hải đội 2 chỉ được trang bị 3 tàu tuần tra. Mà tàu chỉ ra biển được ở tối đa cấp 5, cấp 6, còn biển động mạnh hơn là không thể ra.

Toàn tỉnh Quảng Bình có 5 đồn Biên phòng đóng dọc bờ biển nhưng các đồn không có tàu, chỉ có ca nô, việc cứu hộ, cứu nạn cũng rất khó khăn.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình, ông Lê Minh Phú thông tin, đối với tàu Cồn Sẻ bị nạn và tàu Quảng Minh mất tích, giấy phép an toàn phương tiện vẫn đang trong thời hạn cho phép. Nhưng tai nạn vừa rồi là do thời tiết xấu.

Theo ông Phú, Chi cục có 4 trạm dọc bờ biển nhưng mỗi trạm chỉ có 3 người, không được trang bị phương tiện cứu hộ nên không thể tham gia ứng cứu.

Mỗi khi ngư dân bị nạn thì có trích quỹ nhân đạo nghề cá Quảng Bình để hỗ trợ. Đối với 1 người chết, trích quỹ 1,5 triệu; với 1 người mất tích trích 1 triệu đồng.

Trần Văn - Duy Tuấn