Cánh cửa mới cho thị trường năng lượng

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 được Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ đồng tổ chức ngày 22/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Ngành năng lượng đối mặt nhiều thách thức. Đặc biệt thách thức về nguồn năng lượng sơ cấp ở Việt Nam ngày càng giảm như than, khí… Điều này khiến chúng ta phải nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp để phục vụ nhu cầu trong nước. Cho nên giảm khả năng tự chủ, tăng sự phụ thuộc vào nền kinh tế khác.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng bày tỏ băn khoăn khi nhiều dự án năng lượng chậm tiến độ, nhất là các dự án nguồn điện; nhiều dự án đang thiếu vốn, ngay cả các dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

{keywords}
Việt Nam trải qua giai đoạn bùng nổ điện mặt trời, điện gió.

Theo Phó Thủ tướng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ rất quan trọng trong huy động nguồn lực phát triển năng lượng, trong đó có đầu tư của khu vực tư nhân.

“Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 7-10 tỷ USD để phát triển nguồn điện, chưa kể nguồn vốn để phát triển hệ thống truyền tải. Do đó cần cơ chế chính sách để huy động nguồn lực. Theo đó, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm phải sửa Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và và có thể xây dựng Luật Năng lượng tái tạo mới”, Phó Thủ tướng cho biết.

Khẳng định Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đưa ra nhiều điểm mới trong quan điểm chỉ đạo phát triển năng lượng quốc gia để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định nghị quyết này đã cởi trói, tạo chiếc áo mới cho năng lượng Việt Nam.

“Nghị quyết 55 đã mở ra những cánh cửa mới, cho phép chúng ta tin tưởng vào một Chiến lược với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khung khổ luật pháp, để định hướng phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

{keywords}
Khu vực tư nhân đang tích cực tham gia vào lĩnh vực năng lượng.

Chờ vốn tư nhân

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, năng lượng là ngành kinh tế - kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Theo đó, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

“Độc quyền Nhà nước trong ngành năng lượng còn cao, chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội”, ông Nguyễn Văn Bình nói.

Những bất cập nêu trên cũng là chính là lí do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Sau khi được ban hành, với những quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia, Nghị quyết 55 đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức và cộng đồng DN cả trong nước và quốc tế; tạo sự hưởng ứng và đồng thuận mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị.

Tại Diễn đàn, một loạt bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ đầu tư với UBND các tỉnh, thành phố, giữa nhóm các nhà đầu tư trong các Dự án năng lượng với nhau và với ngân hàng đầu mối thu xếp vốn như điện khí Cà Ná, điện khí Chân Mây…

“Các ghi nhớ này với quy mô lên đến hàng chục tỷ USD là minh chứng sống động, thể hiện sự quyết tâm của các địa phương và doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong đầu tư, phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá.

Là đơn vị đầu tư nhiều dự án nguồn điện, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho rằng: Nghị quyết 55 của bộ Chính trị đã bước đầu cởi trói và tạo niềm tin cho khối doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, có 2 vấn đề quan trọng là khuyến khích tất cả thành phần kinh tế tham gia vào vấn đề năng lượng; tháo bỏ rào cản, độc quyền để tư nhân tham gia vào truyền tải.

“Rõ ràng Đảng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55 như cho chúng tôi 1 đòn bẩy. Vấn đề là điểm bẩy ở đâu? Đó là việc thiết lập hành lang pháp lý để tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng. Nếu chỉ có đòn bẩy mà không có điểm bẩy thì tư nhân không biết đường lối nào để đi”, ông Nguyễn Tâm Tiến chia sẻ.

10 năm tới cần 150 tỷ USD phát triển năng lượng

{keywords}
 

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: Đến năm 2030, để đầu tư cho ngành năng lượng nói chung Việt Nam cần khoảng 150 tỷ USD, còn cho ngành điện nói riêng chúng ta cũng cần xấp xỉ 80 tỷ USD. Đây là thách thức rất lớn cho đất nước chúng ta với tư cách là một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. Đó cũng là một thách thức với ngân sách Việt Nam. Ngân sách chúng ta không thể đáp ứng được nhu cầu này. Lần này, chủ trương của Đảng là xây dựng được một thị trường năng lượng đồng bộ. Điều này không dễ bởi thị trường năng lượng của chúng ta chưa đồng bộ, và từ đó kìm hãm nhiều mặt phát triển. Trong khi đó giá năng lượng của chúng ta chưa theo giá thị trường.

Đảng và Nhà nước ta đặt nhiệm vụ phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ và giá phải theo giá thị trường để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng tại Việt Nam. Nếu không có những điểm mấu chốt như vậy thì không thể khuyến khích được các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng. 

“Chúng ta phải tránh mọi biểu hiện của sự cạnh tranh không lành mạnh của độc quyền, thiếu minh bạch. Đó là những tiền đề rất lớn để chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu về nguồn lực cho việc phát triển năng lượng Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.


Tháo rào cản, phá độc quyền: Đại gia sẵn sàng bỏ vốn tỷ USD

Tháo rào cản, phá độc quyền: Đại gia sẵn sàng bỏ vốn tỷ USD

Tư nhân sẵn sàng tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện lực, nhưng mức giá bao nhiêu là điều quan trọng. 

L.Bằng