Sự hài lòng 20 khách hàng sẽ không phát tán nhanh bằng lời phật ý của một khách hàng. Bạn cần lắng nghe các phản hồi, đưa ra hành động phù hợp.
Đây là lời khuyên của các chuyên gia khi nói về bí quyết thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tại Hội thảo Đề xuất các giải pháp thu hút thị trường khách Bắc Mỹ đến Việt Nam. Làm cách nào để gia tăng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và cách tăng mức chi tiêu của du khách quốc tế trong thời gian lưu trú là điều được đề cập
Từ chuyện thị thực và tiền
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện được xếp hạng một trong những điểm đến an toàn, nhưng về thủ tụ cấp thị thực, Việt Nam hiện đang có bất lợi lớn so với các nước khác trong khu vực nơi mà thủ tục visa đều đã được đơn giản hóa.
Chẳng hạn, Campuchia, Lào, Indonesia cấp visa trước khi nhập cảnh mà không tính phí, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore thì miễn thị thực cho thị trường này.
Quảng vá tốt và thuận tiện thủ tục tăng hấp dẫn du khách đến Việt Nam. |
Ông Oliver Martin chuyên gia tư vấn đến từ Canada cho rằng việc cải cách visa sẽ thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là thu hút du khách từ Mỹ và Canada nhiều hơn.
Theo Tổng Cục Du Lịch, trong 8 tháng năm 2016, có khoảng 470.000 lượt khách đến từ thị trường Mỹ và Canada, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu cho thấy, hằng năm, những du khách Bắc Mỹ có thời gian du lịch trung bình khoảng ba tuần được tích lũy từ các ngày nghỉ phép trong năm. Trong đó, số ngày họ đến lưu trú tại Việt Nam dao động từ 10 đến 15 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc đây là hành trình du lịch dài nhất trong năm.
Trên thực tế, lợi ích của việc đơn giản hóa thủ tục thị thực đã được chứng minh. Năm 2015, Chính Phủ đã xem xét và có những quyết sách ví dụ như miễn thị thực cho 5 nước Châu Âu đến Việt Nam. Kết quả, số lượng du khách đến Việt Nam tăng 25% (đối với du khách Ý), và 16% (đối với du khách Anh).
Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ thị trường Du lịch - Tổng cục Du lịch chỉ ra rằng số lượng khách đến Việt Nam tăng trưởng rõ rệt sau khi miễn thị thực “Thủ tướng Chính Phủ đã giao cho Bộ Công An, Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu để từ 2017 Việt Nam có thể áp dụng evisa. Đây là một trong những bước đột phá, phát huy sức mạnh công nghệ nhằm du khách tiết kiệm thời gian tìm hiểu thông tin thủ tục”.
Bên cạnh vấn đề thị thực, thông tin về Việt Nam tại các thị trường quốc tế cũng còn mờ nhạt. Ngân sách quảng bá du lịch Việt Nam trên trường quốc tế năm 2015 chỉ 2 triệu USD, chỉ bằng khoảng 2,9% so với Thái Lan, 2,5% của Singapore hay 1,9% của Malaysia.
Bà Mary Mendoza Phó Chủ tịch Tiếp thị của The Grand Hồ Tràm Strip ví von, dù doanh nghiệp hay quốc gia có sở hữu sản phẩm, chất lượng dịch vụ tốt, thì họ sẽ gặp nhiều khó khăn nếu khách hàng không có được thông tin về sản phẩm ấy như thế nào. Tuy nhiên, doanh nghiệp hay quốc gia ấy thậm chí dù đã chủ động thúc đẩy quảng bá ngay từ đầu, nhưng không đáp ứng nhu cầu khách hàng như đã cam kết từ trước thì họ cũng sẽ mất uy tín ngay trên mặt trận truyền thông nhất là các trang mạng xã hội vốn đã phát triển khá mạnh tại thị trường Bắc Mỹ.
Vì thế, một trong ba tiêu chí mà bà Mendoza tâm đắc chia sẻ, ngoài quảng bá quốc tế và tận dụng sức mạnh của công nghệ, là nguyên tắc đạo đức kinh doanh: Thành thật về sản phẩm của mình.
Hãy thành thật...
Nếu “thành thật” về sản phẩm thì Việt Nam cần có những sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn thực sự để khách quốc tế phải khát khao đến trải nghiệm.
Tuy nhiên, những sản phẩm du lịch của Việt Nam được đánh giá là kém thú vị, khi mà du khách phàn nàn về những trải nghiệm tour du lịch giống nhau qua mỗi năm. Tại điểm này, các chuyên gia đánh giá cao sự hợp tác đồng bộ giữa các hãng lữ hành, hãng hàng không, khách sạn resort với các cơ quan chức năng và các nhà đầu tư phát triển để cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước tốt hơn
Hãy thành thật về sản phẩm của chính mình để có được hài lòng của khách hàng. |
Theo đó, các chuyên giá đề xuất Việt Nam hướng tới những trải nghiệm du lịch mang tính cá nhân hóa, giúp khách có cơ hội khám phá, có cái nhìn cận cảnh hơn về văn hóa và con người Việt Nam.
“Nếu chúng ta có sản phẩm đặc sắc, thì Việt Nam cần phải làm đồng bộ, đảm bảo an ninh an toàn, đảm bảo hàng không đưa khách đến, đảm bảo những thủ tục rõ ràng và sản phẩm có sức hấp dẫn thì sẽ hút được khách”, ông Đức nhận xét.
Để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nữa trong mắt du khách quốc tế, trở thành điểm đến mọi người đều yêu thích, muốn đến thăm và quay lại, các chuyên gia du lịch nhất trí với việc cần phát huy giá trị cốt lõi của Viêt Nam là vẻ đẹp thiên nhiên đẹp mà hoang sơ, sản phẩm văn hóa giàu bản sắc kết hợp với sự cần thiết trong việc cải thiện cơ sở vật chất, phát triển dịch vụ mang trải nghiệm mới mẻ hơn. Điều này giúp giới thiệu một Việt Nam hấp dẫn đến thị trường du khách có mức chi tiêu cao và biến họ trở thành những đại sứ quảng bá hình ảnh Việt Nam trong cộng đồng.
“Sự hài lòng 20 khách hàng sẽ không phát tán nhanh bằng lời phật ý của một khách hàng. Bạn cần lắng nghe các phản hồi, đưa ra hành động phù hợp. Cùng với đó là không ngừng nâng cấp những tiện nghi mới dành cho khách hàng lần lượt xuất hiện", bà Mendoza nhấn mạnh.
Năm 2015, Việt Nam đón 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36-37 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 10-11 tỷ USD, đóng góp 5,5-6% vào GDP cả nước. Thủ tướng Chính phủ mói đây đã đặt ra kỳ vọng doanh thu toàn ngành du lịch sẽ đóng góp khoảng 10% vào GDP cả nước trong thời gian tới |
Diễm Hà