LTS: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là những vấn đề rất hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm xây dựng. Việc xác định hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn, tuy nhiên, khó hơn nữa là việc triển khai thực thi những giá trị đó trong đời sống thực tiễn.

Hội thảo quốc gia 'Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới' sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đến nay đã gần 1 năm, những phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại hội nghị đã tác động rất tích cực tới cả hệ thống chính trị.

“Phát biểu của Tổng Bí thư cho thấy các cơ quan cần phải quan tâm thực chất hơn để tạo sự phát triển đột phá hơn cho văn hóa. Bởi thời gian qua, việc đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều nơi đang có sự quan tâm lệch về kinh tế, cần phải chú ý đến văn hóa hơn”, ông Phan Viết Lượng nói.

Xin ông cho biết, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa, con người Việt Nam trong những năm qua. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, giá trị tốt đẹp của người Việt Nam được phát huy như thế nào?

Những thành tựu nổi bất trong lĩnh vực văn hóa mà chúng ta thấy rõ, đó là từ quan điểm, đường lối, chính sách đã hoàn thiện hơn. Cùng với đó là nhiều chương trình, kế hoạch về văn hóa đã được triển khai và đạt những thành tựu nhất định.

Chúng ta cũng đã dành nhiều nguồn lực hơn cho lĩnh vực văn hóa. Qua đó, cơ sở vật chất phục vụ cho văn hóa được đầu tư tốt hơn. Những hoạt động liên quan đến văn hóa như văn học nghệ thuật đã được quan tâm hơn và có những bước tiến đáng kể.

Ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Một giai đoạn dài chúng ta có phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa. Đây là mô hình hay, đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có điểm rất mới trong xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam cần chú ý đến giá trị truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đoàn kết, đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Thực tiễn đó được chứng minh trong đại dịch Covid-19 vừa qua, càng khó khăn bao nhiêu, thì càng sáng ngời tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng bào. Qua đó cho thấy, giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc có thể trở thành nguồn lực nội sinh, động lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Phát biểu trước Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội vừa qua, nhiều đại biểu nêu ra những tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, đòi hỏi hệ thống chính trị, cơ quan quản lý nhà nước cần phải khắc phục, ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Thực tế cho thấy, bên cạnh những vấn đề đã đạt được, trong lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập. Đơn cử như hệ thống di sản vật thể và phi vật thể, có những di sản rất có giá trị, cần phải giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị. Thế nhưng, vừa qua, nhiều di sản bị xuống cấp, thậm chí có những di sản bị phá bỏ. Thiếu di sản, rõ ràng là nỗi lo, nỗi buồn cho những người làm văn hóa.

Những vụ việc xảy ra trong xã hội khiến dư luận bức xúc cho thấy môi trường văn hóa, kể cả trong trường học, gia đình, xã hội đều có vấn đề nhất định.

Việc Quốc hội thảo luận, thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng là lời cảnh báo quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng có sự lệch lạc. Đáng lẽ ra, qua hệ giữa các thành viên trong gia đình phải rất thiêng liêng, cần phải giữ gìn và phát huy. 

Nguyên nhân dẫn đến vấn trên là do hệ thống chính sách của chúng ta chưa hoàn thiện. Nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đến văn hóa, chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Những vấn đề trên cũng một phần là do mặt trái của nền kinh tế thị trường, chạy đua phát triển kinh tế, chạy đua về vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần, làm cho đời sống văn hóa bị lệch chuẩn.

Ý ông là, khi mọi người mải miết chạy theo cơm áo gạo tiền thì chúng ta cần phải dành nhiều hơn nguồn lực cho văn hóa để cho cuộc sống cân bằng hơn, tư tưởng, đạo đức của mỗi người không bị lệch chuẩn?

Văn hóa rất quan trọng, phải nói là đặc biệt quan trọng trong thời buổi kinh tế thị trường. Văn hóa chính là con người, con người đó phải có lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và nỗ lực phấn đấu vươn lên từng ngày, từng giờ.

Do vậy, Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã nhấn mạnh quan điểm rất mới, văn hóa không chỉ soi đường cho quốc dân đi, mà phải trở thành nguồn lực nội sinh và là động lực đột phá để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước.

Có thể nói, đến thời điểm này, nhiều cơ quan quản lý có chuyển biến nhận thức về vấn đề văn hóa. Như về vấn đề công viên, chúng tôi thấy TP Hà Nội đã có quyết tâm cải tạo, xây mới nhiều dự án. Hiện nay, người dân thành phố đang rất mong chờ vào điều đó.

Theo ông, làm thế nào để văn hóa trở thành sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước, như chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Chúng ta phải tiếp tục thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị trong lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt trong đó là nhận thức và hành động phải đi liền với nhau.

Các cấp chính quyền phải quan tâm, lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn hóa, phải quan tâm đến đời sống tinh thần, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử dân tộc cho các thế hệ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng hơn nữa trong việc xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường, xã hội, gia đình. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu trong trong cuộc sống, trong phòng chống tham ô, tiêu cực. Bởi một việc làm tốt của công dân, của cán bộ, công chức sẽ là tấm gương sáng cho rất nhiều người trong cộng đồng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường đầu tư ngân sách để khắc phục những bất cập trong hoạt động văn hóa, bảo vệ cho được những di sản văn hóa. Tuy nhiên, việc đầu tư cho văn hóa phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải gây lãng phí.