Đó là khẳng định của ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Sơn La. "Ai mua hai triệu đồng ở cửa hàng rau an toàn mà bị nhiễm độc thì tôi đền hai chục triệu đồng".

"Tôi lên ti vi công bố như vậy và cho đến nay chưa thấy ai đi kiện cả” - ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Sơn La đã nói như vậy tại hội nghị về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong nông nghiệp.

Hội nghị này do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 13/4 tại TP HCM, theo đó, nhiều giải pháp cụ thể đã được các địa phương chia sẻ.

Hỗ trợ xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn

Ông Cường lấy ví dụ, tỉnh Sơn La đã xây dựng hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn gồm 6 địa điểm. Các thực phẩm được sản xuất từ ba chuỗi nông sản an toàn ở tỉnh.

Bao gồm chuỗi sản xuất rau an toàn (gồm rau ăn củ, ăn quả, ăn lá) ở Mộc Châu, mỗi tuần cung cấp 40 tấn về các siêu thị Fivimart, Big Green và Aeon tại Hà Nội.

Chuỗi sản xuất thịt heo an toàn của doanh nghiệp tư nhân Minh Thúy cũng cung cấp hàng tuần khoảng 40 tấn cho địa bàn Hà Nội.

Chuỗi thứ ba là chuỗi sản xuất trái cây an toàn, gồm cam, quýt, xoài, nhãn và tới đây là mãng cầu (na).

Xã viên tham gia các HTX hoặc tổ hợp tác sản xuất nông sản an toàn đều được doanh nghiệp thu mua ổn định với giá trung bình cao hơn thị trường.

{keywords}
Ông Phạm Thế Cường

“Đặc điểm của thực phẩm bán ngoài chợ truyền thống là vàng thau lẫn lộn, không ai dám nói là an toàn hay không an toàn vì không có chứng nhận gì cả. Do vậy phải chọn một số hộ trong chợ có tiềm năng và hỗ trợ họ xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn. Khi nhân rộng, hình thành nhiều rồi thì phối hợp với Ban quản lý chợ không cho những thực phẩm không có chứng nhận vào chợ.

Sau đó, Chi cục phối hợp thường xuyên kiểm tra giám sát. Hiện có những bộ KIT thử chất cấm rất nhanh và chính xác” - ông Cường cho biết.

Đưa doanh nghiệp loại C vào danh sách theo dõi của Cảnh sát môi trường

Ông Võ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) đề nghị, sau khi phân loại doanh nghiệp (loại A, B, C), các doanh nghiệp xếp loại C đề nghị chuyển cho Cảnh sát môi trường để đưa vào danh sách đối tượng sưu tra, lập hồ sơ theo dõi.

Phải truy xuất được nguồn gốc thực phẩm không an toàn chứ không chỉ dừng ở số lượng vi phạm bị phát hiện.

"Ví dụ vụ măng nhuộm bằng vàng ô chỉ thu được số lượng nhỏ, còn số lượng lớn hơn thì các cơ sở vi phạm đã bằng nhiều cách phi tang. Các địa phương khi xây dựng kế hoạch thanh tra nên có sự tham gia của Cảnh sát môi trường từ đầu” - ông nói.

Có 3 vùng trọng điểm chăn nuôi phía Nam là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đang được chỉ đạo quyết liệt để xóa triệt việc dùng chất cấm dùng trong chăn nuôi.

Đồng thời phải quy hoạch vùng trồng, vùng chăn nuôi và sản xuất. Ví dụ như ở Đồng Nai khi đi kiểm tra phát hiện rất nhiều cơ sở nuôi heo nhỏ lẻ không hề có xử lý chất thải, khi heo chết thì quăng thẳng xuống sông.

Địa phương có quyền đưa ra những quy định riêng để bảo đảm an toàn thực phẩm

Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp trọng tâm cho năm 2016, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, địa phương có quyền đưa ra những quy định riêng để đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Mỗi địa phương là một thị trường, do vậy chỉ có địa phương mới đưa ra được những biện pháp sát hợp nhất cho tình hình của mình. Ví dụ TP HCM cấm chở “heo khỏa thân” (tức heo giết mổ thủ công, chở bằng xe máy đưa vào nội thành tiêu thụ), là biện pháp rất hay” - ông Tám nói.

Với các doanh nghiệp lớn đã có vùng sản xuất riêng, có chuỗi sản phẩm được thường xuyên kiểm tra giám sát thì không bắt buộc phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP nữa, hoặc có thể chứng nhận VietGAP cho cả vùng chứ không chỉ cho từng hộ sản xuất.

"Trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm là của người sản xuất chứ không phải của nhà nước" - ông Tám nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn thì cho hay: “Các doanh nghiệp sản xuất phải ý thức được vai trò của mình. Không thể cứ trách nhiệm thì không thể hiện, quyền lợi thì đòi".

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn tại buổi hội thảo

Phát hiện hơn 10.000 tấn hóa chất công nghiệp bị dùng trong thực phẩm

Ông Võ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) cho biết, trong quý 1/2016 phát hiện 782 vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, đã xử lý 137 đối tượng, khởi tố 2 vụ (2 đối tượng).

Mới nhất là chuyên án doanh nghiệp X, thu giữ hơn 10.000 tấn hóa chất công nghiệp dùng trong thực phẩm. Riêng ở doanh nghiệp này, trong 3 năm vừa qua phát hiện còn đến 38.000 tấn hóa chất công nghiệp hết hạn sử dụng.

Cục Cảnh sát môi trường cũng phát hiện 2.025 ký Salbutamol được một doanh nghiệp nhập về để bán trong thức ăn chăn nuôi.

“Có những đối tượng vị phạm rất bất ngờ, ví dụ trong vụ cung cấp Sabultamol cho người chăn nuôi có cả một người làm nghề thợ mộc. Người này có quen biết với một người đang bán thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm và được người này rủ rê” - ông Đông cho hay.

(Theo Soha/Trí thức trẻ)